Chàng đốn củi và ba vật quý

Ngày xưa, có một anh chàng nghèo khó sống một thân một mình. Tuy làm việc vất vả nhưng anh vẫn đói rách. Những bông lúa do bàn tay anh vun bón cứ thi nhau chạy về nhà lão trọc phú. Cuối cùng, anh đành bán hết những thứ còn lại trong nhà  để mua một lưỡi búa, làm nghề đốn củi nuôi thân. Nhưng kiếm được gánh củi không phải là dễ.

Một hôm, theo thường lệ, anh vào rừng sâu tìm củi. Sắp giơ búa giáng vào một cây cổ thụ thì bỗng có một con vật từ trong thân cây hiện ra trước mặt, van lạy rối rít. Anh dừng tay hỏi:

– Ngươi muốn gì?

– Xin ngài làm ởn đi chặt chỗ khác, tha cho tôi ở đây được yên ổn.

– Không được. Ta đi hết hơi hết sức mới tìm được cây gỗ dễ chặt này để bán lấy tiền nuôi thân, ngươi bảo ta đi đâu!

Thấy anh lại giơ búa, con vật hốt hoảng:

– Cây này với tôi như bóng với hình không thể nào rời được. Ngài hãy thương cho, tôi sẽ xin biếu ngài một vật quý.

Con vật bảo anh chờ một lát rồi mang đến một cái mâm đồng và nói:

– Ngài chỉ cần gõ vào mâm ba tiếng là có thức ăn ngay. Muốn thức ngon vật lạ bao nhiêu cũng có.

Nghe nói, anh đốn củi vô cùng mừng rỡ, vội nhận lấy mâm ra về.

Khi đi qua chợ, anh ghé ngay vào quán cơm, nơi anh vẫn thường tới mua cơm ăn. Lần này, anh có ý khoe với chủ quán là từ nay mình không cần ăn chịu và cũng không cần ăn khổ như trước nữa. Nghĩ vậy, anh bèn đặt mâm của mình trước mặt vợ chồng chủ quán và mọi người rồi gõ vào mâm ba tiếng. Tự nhiên trong lòng mâm đã thấy đầy những thức ăn ngon, những thức ăn mà suốt đời anh chưa bao giờ được nếm.

Trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, anh chàng đốn củi mời họ cùng ngồi dự tiệc. Ăn xong, say rượu, anh lăn ra giường làm một giấc li bì. Lão chủ quán động lòng tham. Hắn chọn một cái mâm giống với mâm kia rồi đánh tráo. Anh đốn củi thức dậy, không biết là mâm đã bị đánh tráo, hí hửng mang về. Sắp về tới làng, anh muốn đãi làng xóm một bữa ra trò nên vào đình đánh trống ầm ĩ. Tất cả mọi người, từ lớn đến bé đều đổ ra đình đông như hội. Anh chàng đốn củi trịnh trọng lên tiếng:

– Không mấy khi cháu có bữa rượu, vậy mời quý cụ và bà con ngồi vào dự cuộc.

Nói rồi, anh đặt mâm xuống chiếu, gõ lên thành mâm ba tiếng. Nhưng anh ngạc nhiên thấy lần này mâm không còn màu nhiệm như lần trước nữa. Anh gõ mãi, gõ mãi, mâm vẫn trơ trơ. Cho là bị anh đánh lừa, các cụ liền sai người đánh cho anh một trận nên thân.

Trở về nhà, anh bực mình vô hạn. Anh cho là con vật đã lừa anh nên chuyện mới xảy ra như thế. Vì vậy, ngày hôm sau, anh lại vác búa lên rừng tìm cái cây cũ ra sức giáng búa vào. Con vật lại hốt hoảng chạy ra van lạu và xin tặng anh một con ngựa nhả ra vàng để được yên ổn.

Chỉ một lát sau, con ngựa đã hiện ra. Anh cưỡi lên phi thử một đoạn để cho ngựa há mõm. Quả nhiên có rất nhiều vàng văng ra. Anh mừng quá, cảm ơn con vật, giắt búa vào lưng và cưỡi ngựa ra về.

Đến chợ, anh xuống ngựa, vào khoe với vợ chồng lão củ quán:

– Lần này tôi có con ngựa vô cùng quý báu. Trong bụng nó là cả một kho vàng. Rồi nó sẽ làm cho mà xem!

Lão chủ quán thấy quả đúng như thế nên hoa cả mắt. Hắn sung sướng được anh biếu cả số vàng rơi ra. Nhưng vì lòng tham lam, hắn còn muốn được cả con ngựa. Hắn vội dọn cho anh một mâm đầy rượu thịt. Chờ lúc anh ngủ say, hắn lại đi tìm một con ngựa khác cũng có màu lông hung hung y hệt để thay vào và dắt con ngựa kia đi biệt.

Khi tỉnh dậy, anh chàng đốn củi vẫn không ngờ vực gì cả. Anh lại nhảy lên ngựa cưỡi về đầu làng, bụng bảo dạ: “Lần trước ta mang tiếng là đánh lừa mọi người. Lần này ta phải biếu bà con một ít vàng để bà con thấy ta thực bụng”. Thế rồi anh lại vào đình đánh trông ầm ĩ. Dân làng lại đổ ra đình. Anh nói:

– Lần này, tôi có con ngựa rất quý, có phép nhả ra vàng. Vậy tôi xin biếu làng một ít.

Đoạn anh phi cho ngựa há mõm, nhưng con ngựa ấy thì làm gì có vàng. Cuối cùng, anh bị làng tịch thu con ngựa và lại bị đánh một trận đau hơn.

Ngày hôm sau, anh lại dậy sớm, vác búa lên rừng, quyết trị cho con vật một mẻ. Lần này, anh bổ những nhát búa rất dữ dội. Thấy con vật hiện ra, quỳ lạy khóc lóc, anh quát to:

– Sao nhà ngươi dám lừa ta? Hai lần làm cho ta mang oán với mọi người. Mâm và ngựa của ngươi chỉ là những thứ bỏ đi!

Con vật hết sức phân trần, vạch tội lão chủ quán, rồi nói tiếp:

– Để tôi xin biếu ngài cái ống này, dùng để lấy lại những của đã mất.

Con vật đưa một cái ống ra và dặn:

– Cái ống này có phép làm cho mọi người phải chổng ngược chân lên trời nếu ta cầm ống chỉ lên trời ba lân. Đến khi nào gõ xuống đất ba lần thì mọi việc sẽ trở lại như cũ.

Nghe bùi tai, anh đốn củi cầm ống thử xem, khiến con vật chổng chân lên trời xem thử, thấy hiệu nghiệm rồi mới ra về.

Đến chợ, anh lại ghé vào quán cơm, tươi cười hỏi mọi người:

– Các ông các bà có muốn chổng chân lên trời không?

Vợ chồng chủ quán quen như những lần trước có lợi, liền tình nguyện. Lập tức cái ống màu nhiệm bắt cả nhà chủ quán chống hau tay xuống đất, giơ chân lên trời. Tưởng chàng đốn củi đã rõ mưu gian của mình, lão chủ quán van khóc hết lời. Hắn hứa trả mâm và ngựa để xin được tha.

Khi đã lấy lại được mâm và ngựa, anh phi ngựa trở về làng. Anh lại vào đình và thúc một hồi trống như hai lần trước. Dân làng lại ra đông đủ. Anh đặt mâm xuống chiếu và mời mọi người ngồi. Tiếng gõ mâm lần này rất có hiệu quả. Cơm rượu và mọi thức ngon vật lạ hiện ra đầy mâm. Cả làng ăn uống thả sức.

Ăn xong, anh chỉ vào con ngựa và nói:

– Nếu làng vui lòng nhận mỗi người một ít vàng, tôi sẽ bảo con ngựa này làm ngay.

Không ai từ chối lòng tốt đó. Quả nhiên, ngựa chạy đến đâu thì vàng rơi ra đến đó, mọi người tha hồ nhặt.

Từ đó, anh chàng đốn củi đi khắp thiên hạ, dùng cái mâm cùng với con ngựa để giúp đỡ những người nghèo khổ, và dùng cái ống để trị tội những bọn lam lam, độc ác.

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều

Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi...

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...