Ngày xửa, ngày xưa, trên rừng núi Tây Nguyên, vùng đất đai của con rồng lửa có hai vợ chồng người nông dân nghèo đã già rồi mà chưa có con.
Một đêm, sau khi người chồng đi cầu tự về, người vợ nằm mơ thấy một con thỏ bạch cứ nhảy qua, nhảy lại trên ngực mình. Sáng dậy khi xách ống xuống cầu thang, người vợ thấy ngực mình nằng nặng, hơi thở dồn và mệt.
Đúng chín tháng mười ngày thì người đàn bà sinh được một đứa con trai. Đứa bé đẹp đẽ khác thường, mắt sáng hơn sao, trên lưng có một dấu đỏ thắm, hình chiếc khiên và da trắng hơn lông con gấu trắng. Người mẹ rất mừng, nhưng các cụ già trong làng thì lại thì thào lo ngại: “Đứa bé ấy là con của thần linh mới trắng như vậy!”. Bảy ngày sau, người vợ sợ tên tù trưởng biết được sẽ phạt vạ, vội cõng con lên tận đồng cỏ cho trời nuôi. Đứa con chỉ nhìn mẹ cười mà không khóc. Bảy ngày sau người mẹ ra thăm thấy con mình vẫn khỏe mạnh, liền cõng con xuống dòng thác cho thần nước nuôi. Nhưng đứa bé không chìm, nó nằm trên mặt nước và trôi đi như một chiếc lá.
Khi trôi đến đầu làng Put-xia đứa bé được già Pôm[1] vớt về nuôi. Đứa bé lớn nhanh như thổi. Mới bốn, năm tuổi mà lưng đã rộng hơn tảng đá, chân tay cứng rắn như thép. Suốt ngày chú bé chỉ thích chơi khiên, đao.
Một bữa, già Pôm lên rẫy, chú bé cầm đao của bà lên núi. Đến một hòn đá trắng dựng trên đỉnh núi cao nhất, chú bé dừng lại, nhìn về vùng đất chiếm đóng của một tên vua hung bạo.
Tên vua này đã từ một nơi xa lạ tới chiếm đất của mọi người, bắt tất cả buôn làng làm tôi tớ cho nó. Tiếng than khóc ai oán vang cả núi rừng. Chú bé đứng nhìn một lúc, rồi ngẩng mặt lên trời kêu lên:
- Hỡi thiên thần cao vòi vọi, hãy giúp ta giết tên vua gian ác này!
Bỗng nhiên hòn đá dưới chân chú bé cựa quậy hóa thành một con ngựa, mình cao chín thước, cúi đầu trước mặt chú như chờ lệnh chủ.
Từ trên trời xa tít, có một bà tóc vàng như tơ, vẫy tay bảo chú bé:
- Con hãy nhìn xuống hồ nước, thấy có gì lạ thì giữ lấy nó, rồi cưỡi con ngựa đang đứng bên con mà đi!
Chú bé nhìn xuống hồ thấy có một cục gì đen đen đang bập bềnh trên mặt nước sôi sùng sục, nở tròn như một đoá hoa sung[2]. Chú bé nhảy xuống, bơi ra tận nơi nắm đóa hoa rút lên, thì ra một thanh bảo kiếm.
Lấy gươm báu rồi, chú bé liền phi ngựa đến trước tòa thành của tên vua hung bạo. Tên lính canh thấy người đóng cửa thành không cho vào. Nó giơ giáo định đâm. Chú bé vung gươm, quát lớn:
- Mở cửa ra!
Bỗng có hàng muôn nghìn ánh hào quang toả ra nóng rực, làm cho tên lính ngã lăn, tường thành đổ nhào. Trong thành đánh chiêng đốt lửa báo động, vung gươm chém giết. Chẳng mấy chốc cả triều vắng lặng, chỉ còn lại toàn cung phi và một số ít quân lính. Chú bé ra lệnh cho quân lính đóng bành voi cho những người cung nữ trở về nhà. Giặc tan, làng nước lại vui như xưa. Chú bé cưỡi ngựa trở về núi, con ngựa lại biến thành tảng đá trắng, thanh kiếm lại trở về hồ, còn chú bé thì các bà tiên tóc vàng đem về trời nuôi[3].
Các cụ bảo chú bé là con của mặt trăng cho xuống trần để trừ kẻ hung bạo.
Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước. Dân làng nhìn sóng cuộn lăn tăn hát rằng:
“Ồ trên mặt trăng đẹp như chiếc khiên bạc sáng chói kia, ta thấy hình một người. Người đó là chàng dũng sĩ đã có công cứu đất nước ta. Dũng sĩ đứng với mẹ dưới ốc cây a-na-kơ-dong. Dũng sĩ ở chơi với dòng thác này, dũng sĩ ở chơi với chúng ta, cho đến khi chàng mặt trời di gieo lúa vàng trên nương, dũng sĩ mới đi ngủ”.
Chú giải
[1] Bà già góa chồng, người hiền hậu, phúc đức
[2] Truyền thuyết, hoa sung nở thì đời no ấm
[3] Bà chúa trên cung trăng.