Con Cò, con Công và con Vẹt

Ngày xửa, ngày xưa, trong khu rừng nọ có ba loài chim sống với nhau và yêu thương nhau hết mực. Đó là con cò, con công và con vẹt. Một hôm, có ba anh chàng rủ nhau vào rừng săn thú. Họ đi suốt cả ngày mà chẳng bắt được con nào, mãi đến chiều mới gặp được ba con chim nhỏ. Mỗi người bắt một con về nuôi, yêu thương chăm chút cho chúng được khoẻ mạnh.

Cả ba thầm nghĩ:

- Ta cố gắng nuôi và dạy nó múa hát rồi đem vào dâng vua lĩnh thưởng.

Người nuôi công thì dạy công tập múa, tập chào theo hiệu lệnh. Con công vốn kém thông minh nên người bảo sao nó làm theo vậy.

Người nuôi vẹt dạy vẹt học nói tiếng người. Con vẹt vốn dễ bảo, thông minh lại hay bắt chước nên nó học nói rất nhanh.

Người nuôi cò định dạy cò theo ý mình. Nhưng cò vốn là con chim thông minh, khôn ngoan. Nó nghĩ:

 - Ta không nên làm như Công, như Vẹt. Vì nếu ta biết múa, biết hát thì suốt đời ta phải sống trong lồng. Mà ta yêu cuộc sống tự do ngoài cánh đồng kia hơn.

Thế là nó ỳ ra, không chịu học gì cả, khi người dạy nó hát, múa, nó chỉ la lên duy nhất một câu

 - Krâ, krâ!

Được một thời gian, hai người bạn rủ anh chàng nuôi cò vào cung vua. Anh chàng nuôi cò ngần ngại nhưng lại sợ bạn bè chê kém cỏi nên cũng đành ôm cò đi theo.

Đến hoàng cung, họ ra mắt nhà vua và khoe rằng họ có những con chim biết ca hát nhảy múa. Nhà vua hỏi:

 - Con công biết làm gì?

 - Nó biết cúi chào vua và múa theo điệu nhạc.

Nhà vua khen hay và quay sang hỏi người nuôi vẹt. Người này thưa:

 - Tâu bệ hạ! Con vẹt của hạ thần biết nói tiếng người. Nhà vua có thể hỏi và con vẹt có thể trả lời từng câu.

Vua rất hài lòng để con vẹt sang bên cạnh và hỏi tiếp:

 - Thế con cò của nhà ngươi biết làm gì?

 - Tâu bệ hạ, thần đã tốn bao nhiêu công chăm sóc, dạy dỗ nó mà nó không chịu hiểu gì hết. Nó chỉ biết kêu mỗi câu "Krâ, Krâ" mà thôi.

Con cò nghe chủ nói vậy liền kêu lên:

 - Krâ! Krâ!

Nhà vua bật cười và ra lệnh cho lính hầu:

 - Hãy thả nó ra đi, nó ngu quá, không biết làm gì hết!

Con cò bay lên điện của nhà vua và cất tiếng nói:

 - Tâu bệ hạ, tôi không hề ngu ngốc đâu. Con công, con vẹt làm theo lời chủ dạy học hát múa nên bị nhốt trong lồng, còn tôi không nghe theo nên bây giờ tôi đã được tự do bay đến nơi nào tôi muốn.

Nhà vua nghe cò nói gật gù:

- Đúng lắm, hay lắm! Quả là một con cò thông minh.

Con cò vỗ cánh bay đi để lại sự ngẩn ngơ của hai người bạn ngu ngốc là vẹt và công.

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Sự tích con muỗi

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn...

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...