Con Vẹt hay bắt chước

Khi mùa xuân về, các giống chim và thú vật rủ nhau tới rừng hoa mở hội. Nào Voi, Gấu, Hổ, Lợn lòi… trổ tài thi khỏe. Nào Khỉ, Vượn, Sóc… đua tranh nhau trèo leo. Và các giống chim thì khoe tiếng hót hay.

Trong bầy chim có chú Vẹt áo sặc sỡ. Chú ta cũng hăm hở đi thi. Từ lâu, Vẹt nổi tiếng là một chú chim có nhiều giọng hót. Vẹt hí hửng tin chắc rằng giải nhất nhất định sẽ về tay chú ta.

Trên đường đi, Vẹt tung tăng nghênh trời, ngắm suối. Gặp cô Bướm rừng sặc sỡ, Vẹt hỏi:

– Này cô Bướm, xem như tôi về dự hội năm nay, có nhất được không?

Bướm đang mải nhởn nhơ, nghe câu được, câu chăng, tưởng Vẹt hỏi có phải hội mùa xuân là vui nhất không, liền đáp:

– Nhất đấy! Nhất đấy!

Vẹt ta khoái lắm, bay vù một chặp. Đi được một quãng nữa, Vẹt gặp Vượn. Thấy Vượn đang tập hú, Vẹt nhướn cổ hú luôn. Vượn giật mình nhìn ra, thấy Vẹt, liền khen:

– Cậu hú khá lắm. Y như tớ!

Vẹt có vẻ không bằng lòng với lời khen ấy (người ta hú hay hơn chứ!). Đi quãng nữa, nhác thấy Ếch bì bõm nhảy ra, Vẹt “ộp ộp” luôn. Ếch tưởng có bạn cùng loài, cố giương mắt nên nhìn, chỉ thấy Vẹt. Vẹt cười ré lên, bay vù mất.

Đến giữa rừng, gặp Vàng Anh đang khổ công luyện giọng. Vẹt tỏ ra thương hại. Cặp Sáo líu lo hót tập, Vẹt chẳng lạ gì thứ tiếng ríu ran ấy. Vẹt cậy mình có cái tài muốn kêu, muốn hót bất cứ thứ tiếng gì, chỉ một tí là được ngay. Nó yên trí nó là kẻ vô địch của bất cứ loài chim nào…

***

Vào cuộc thi, giám khảo Chim khuyên và Ếch ộp mời các bạn đến dự thi hãy hăng hái ghi tên biểu diễn trước, Ếch vừa đặt loa lên mép, chưa kịp gọi thì Vịt đã quang quác vào đầu tiên, khiến cho ai nấy đều giật cả mình. Thấy vậy, Vẹt ta liền nhảy vào, hót lên một chuỗi âm thanh líu ríu. Chim Khuyên định chấm cho Vẹt một điểm thì Liếu điểu bay tới, nhận đó là tiếng hót của mình. Vẹt tỏ vẻ không cần, vươn cổ gáy vang, Gà Trống đập cánh kêu:

– Đấy là giọng hót của tôi chứ!

Vẹt tức mình, huýt lên lanh lảnh. Chích Chòe đứng bên cạnh nhảy tanh tách tới chỗ ban giám khảo, nói ngay:

– Ơ! Sao lại hót tiếng hót của tôi?

Giám khảo Ếch bảo Vẹt hãy hót bằng tiếng hót của mình thì hơn. Vẹt càng bực bội, nhướn cổ hú một hồi rõ to. Ai dè, Vượn nhào ngay tới, tóm lấy Vẹt:

– Sao lại hú tiếng của người ta?

Vẹt hoảng hốt bay lên, để lại trong tay Vượn một cái lông đuôi. Nó luống cuống, không làm sao nghĩ ra được tiếng hót của mình nữa. Từ xưa đến nay nó có tập hót và luyện giọng bao giờ đâu? Nó chỉ quen bắt chước, chỉ hót theo tiếng hót của người khác mà không hiểu gì cả.

Bò béo bò gầy

Ngày ấy vào thời vua Lê chúa Trịnh có hai vợ chồng một người nho sinh họ Lê. Nhân ngày cuối năm dắt nhau về thăm quê quán trong thành...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Duyên nợ tái sinh

Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về "ngồi" tại nhà...

Nợ duyên trong mộng

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu...

Sự tích hồ Gươm

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy...

Con ma báo thù

Ngày xưa ở Gia-định có một tên cướp lợi hại bị bắt và kết án tử hình. Trong ngục, hắn ta bảo người nhà đem hậu lễ đến chạy chọt với tên quan án để mong quan cố tìm cách cứu hắn thoát chết...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...