Damb’ri - Truyện cổ tích dân tộc M’nông

Damb’ri (Đam Bơ-ri)

Xưa kia, từ lâu lắm, ở vùng Tây Nguyên có thác Buk So (Búc So) reo vui ca hát đêm ngày. Nhưng vua Prum (Pơ-rum) ở gần đó không thích nghe tiếng thác. Lão bảo tiếng thác reo làm lòng dạ lão rất khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên. Lão ra lệnh cho quân lính bắt dân làng phải phá đá cho thác nước xuôi êm, dập  tắt tiếng thác reo, cho yên giấc ngủ của vua.

Thế là hàng trăm nhà bị đốt phá, hàng ngàn trâu bò, lợn gà bị giết thịt. Biết bao người đã chết vì roi đòn, vì đói, vì đá rơi, xác họ bị vứt xuống nơi thác đổ. Nước căm giận trào lên, sủi bọt đỏ ngầu máu.

Trong đám dân làng có một chàng trai nghèo khổ, thấy cảnh buôn làng tang tóc bèn bỏ trốn đi. Chàng chỉ mang theo chiếc gùi, mấy nắm gạo, một thanh gươm, một chiếc nỏ và một con chó. Chàng đi, đi mãi, chỉ nghĩ một điều: đi tìm cách báo thù cho buôn làng.

Một hôm, chàng đi đến bên hồ nước trong veo. Con chó bỗng cất tiếng sủa. Nhìn quanh không thấy bóng chim, một dấu thú rừng, chàng xua, giục chó tiếp tục đi. Chó không chịu đi, càng sủa dữ như một con chó dại. Xua mãi không được, chàng giận con chó không biết nghe lời chủ, liền đá con chó xuống nước rồi bỏ đi. Qua bao nhiêu núi, bao nhiêu rừng, chàng vẫn nghe tiếng chó sủa bên tai. Chàng nổi giận, quay lại hồ nước, rút gươm chém con chó.

Lạ thay! Chó không chết mà gươm quằn lại như chém phải đá. Chàng chém mạnh hơn. Thanh gươm tóe lửa, bật lại. Con chó vẫn trơ trơ, ve vẩy đuôi vẻ mừng rỡ. Chàng trai kinh ngạc, nhúng tay xuống hồ nước rồi vung gươm chém thử vào tay. Thanh gươm gãy đôi. Biết là nước quý, chàng bèn nhảy xuống hồ tắm, rồi vẫy gọi chó trở về cứu dân làng.

Gạo hết nhưng bụng vẫn không thấy đói. Chân chàng vượt suối băng rừng nhanh như gió cuốn. Chàng muốn đọ sức ngay với kẻ thù.

Thác Buk So đây rồi. Dân làng thân yêu đang bị quân lính đánh đập, thúc ép. Chàng xăm xăm bước tới, thét lớn:

– Sao các người dám đánh dân làng?

Bọn lính gầm lên

– Đứa nào vừa nói? Bắt lấy nó!

Chúng nhận ra chàng và hùng hổ xông vào. Chàng cứ đứng yên cho chúng chém. Bao nhiêu gươm dao tua tủa đâm chém vào chàng như chém vào đá. Gươm cái oằn, cái gãy. Chàng vẫn đứng sừng sững như ngọn núi.

Bọn lính hoảng quá, tưởng chàng là một vị thần, vội vã bỏ chạy tán loạn. Chàng trai giật lấy một thanh gươm đuổi theo chúng, chém tới tấp khiến chúng chết như ngả dạ.

Chàng đuổi chúng bảy ngày bảy đêm, tới tận kinh thành [1] vua Prum. Lính gác cản không cho chàng vào và báo lên vua Prum. Vua hoảng quá, cho quân lính ra vây đánh. Trăm đứa ra chết cả trăm, nghìn đứa ra chết cả nghìn. Nhưng quân lính đông như kiến, một mình chàng chống cự không xuể. Cuối cùng chúng hò nhau lấy dây sắt trói chàng lại, chất củi đốt.

Ngọn lửa bốc cao, đỏ rực cả góc trời, chàng vẫn thản nhiên nhìn những lưỡi lửa liếm vào thân mình. Lửa cháy rần rật. Người chàng dần dần đỏ rực lên như sắt nung, ánh sáng tỏa ra sáng chói cả một vùng.

Bao nhiêu dây trói đứt tan, chảy ra nước hết. Chàng xông tới đám quân lính, dang rộng hai tay ôm chặt lấy chúng. Kẻ thù cháy bùng lên như mồi lửa. Chàng ôm cả nhà cửa, thành quách, lâu đài [2]. Cả kinh đô nước Prum chìm trong biển lửa.

Bọn lính độc ác thực hiện một kế cuối cùng: chúng liều chết vây bắt trói chàng, lấy một cây gậy sắt dài, uốn cong móc vào bụng chàng. Chàng trai ngã xuống như dòng thác Búc So đổ. Chàng chết vì đã quên không uống nước ở hồ thần. Thân hình chàng bốc khói, ngọn lửa căm thù còn cháy trong tim chàng, không sao dập tắt được.

Dân làng mãi mãi thương nhớ chàng trai. Họ đặt tên chàng là Dambri (Đam Bơ-ri) [3] tức chàng Rừng, người con của đất nước.

Ngày nay tới vùng Đắk Nông, ta vẫn còn thấy dòng thác Buk So hùng vĩ ầm ầm chảy, như hát vang lên mãi bản anh hùng ca [4] của dân tộc M’nông.


Chú giải

[1] Kinh thành: nơi đóng đô của vua chúa dưới thời phong kiến.
[2] Lâu đài: tòa nhà to lớn, đẹp đẽ.
[3] Damb’ri (Đam Bơ-ri): tiếng M’nông: Đam có nghĩa là chàng, Bơ-ri nghĩa là rừng núi. Đây là cách dùng hình ảnh quen thuộc đặt tên cho người dũng sĩ của bộ tộc, để tỏ lòng kính trọng, thân thiết.
[4] Anh hùng ca: bài thơ, bài văn, bài hát ca ngợi sự nghiệp anh hùng.

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Trí khôn của ta đây

Một ngày nọ, có con cọp rất lớn từ trong rừng sâu đi ra ngoài, nó trông thấy ở ngay thửa ruộng cạnh rừng có bác nông dân cùng con trâu mộng chăm chỉ cày cuốc...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Cái cân thuỷ ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả...

Thần sắt

Xưa có anh nông dân một mình sống ở cái lều ven rừng. Anh không có một tấc sắt nên làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi bằng đá, đẽo cây bằng gỗ, đào hố tra bắp bằng đầu que. Khổ sở hết chỗ nói, thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo...

Sự tích hồ Gươm

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...