Cổ, mu bàn tay và hai bên mặt của người già thường xuất hiện những đốm đen, to nhỏ khác nhau, đó là đồi mồi. Nó biểu hiện rằng cơ thể của người già suy lão. Những nốt đồi mồi gây khó chịu này thường xuất hiện sau lứa tuổi 50- 60, nhưng một số người ở tuổi trung niên cũng đã có.
Ở con người sau tuổi trung niên, nhiều hoạt động sinh lý bắt đầu "đi xuống dốc". Ví dụ, chức năng tuần hoàn máu giảm, khả năng hấp thu đào thải chậm, tế bào và các tổ chức dần dần thoái hóa, suy lão. Chất axit aliphatin không bão hòa trong thực phẩm sau khi bị ôxy hóa sẽ kết hợp với anbumin, hình thành những vết trầm tích "chất mỡ màu nâu hoặc đen" nằm lại trong tế bào. Dần dần, các tổ chức và tế bào bị suy lão không thể nào bài tiết những hạt màu đen hoặc màu nâu này được nữa. Chúng tích lũy lại dưới da, hình thành nên những nốt đồi mồi. Thực ra, những nốt này không chỉ xuất hiện trên mặt mà còn có ở tim, huyết quản, gan và các tuyến nội tiết.
Vậy có thể làm chậm hoặc giảm thấp sự hình thành các nốt đồi mồi không? Các nhà y học cho rằng, sự hình thành sớm hay muộn các nốt đồi mồi liên quan đến tính di truyền và tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng của con người. Để làm chậm hoặc giảm thấp sự hình thành đồi mồi, chế độ ăn uống của người già nên đa dạng hóa, tốt nhất nên phối hợp giữa mỡ động vật và thực vật theo tỷ lệ 1/2. Về mùa hè, không nên ở ngoài nắng lâu vì tia tử ngoại của ánh nắng làm tăng tốc độ suy lão của da. Hằng ngày nên xoa bóp mặt, mu bàn tay và mặt da của các chi trên để cải thiện sự tuần hoàn máu cục bộ. Điều này rất có lợi cho việc ngăn ngừa và làm chậm sự hình thành các vết đồi mồi.