Giấc mơ của phò mã

vinh quy bái tổ

Xưa có hai thầy khóa [1] cùng ở một làng. Một người tên là Thiện, người kia tên là Đoàn. Cả hai cùng văn chương lỗi lạc, cùng chữ đẹp như rồng bay phượng múa, lại cùng yêu một cô hàng xóm xinh đẹp. Một ngày kia, được biết nỗi lòng của hai thầy khóa, cô gái bảo: đến kì thi sắp tới, cả hai thầy cùng đi thi, ai đỗ cao hơn, nàng xin lấy làm chồng.

Khóa thi năm ấy, Đoàn và Thiện rủ nhau ra kinh đô để dự thi. Thi xong, họ hồi hộp trông ngóng ngày xướng danh. Nhưng tự nhiên năm đó, ngày xướng danh bỗng chậm trễ hẳn. Thì ra các chủ khảo cùng băn khoăn trước hai bài văn được ngang bằng điểm nhau. Hội đồng thi phải họp bàn lại để quyết định việc hơn kém. Nhưng khi soát lại thì không ai dám quả quyết bài nào hay hơn bài nào.

Quan chánh chủ khảo [2] đành dâng hai bài văn lên nhà vua để nhà vua ngự lãm [3], rồi tùy ý định đoạt. Lạ thay, nhà vua cũng không định đoạt được sự hơn kém của hai áng văn này. Cuối cùng, nhà vua bèn cho cả hai người cùng đỗ thủ khoa [4] rồi ban tặng mỗi người một chén rượu quý. Hai vị tân khoa [5] nhấp môi vào chén rượu và cũng mỉm cười vì nghĩ đến sự băn khoăn của cô hàng xóm khi hay tin cả hay thầy khóa cùng đỗ thủ khoa.

Thấy hai vị tân khoa mỉm cười, nhà vua lấy làm lạ bèn gặng hỏi. Thiện và Đoàn đành cúi đầu bày tỏ câu chuyện thách cưới của cô hàng xóm. Nhà vua thấy câu chuyện hay hay, ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

– Trẫm nghĩ ra cách này có thể khiến các khanh khỏi phải bối rối. Trẫm đang kén một phò mã để sánh duyên cùng con gái trẫm. Trong hai khanh, trẫm sẽ tuyển lấy một người.

Nói đoạn, nhà vua nhìn Thiện, hỏi:

– Ý khanh thế nào?

Thiện cúi đầu thưa:

– Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ: Công chúa là bậc cành vàng lá ngọc, còn thần là một kẻ nho sĩ, chỉ vì gặp may mà lọt tới bệ rồng. Thần đâu dám điên cuồng àm nghĩ tới người ở chốn gác tía, lầu son…

Nghe lời tâu của Thiện, nhà vua tỏ ý không bằng lòng, nhưng vẫn giữ nét mặt vui tươi. Ngài quay sang phía Đoàn, hỏi:

– Thế còn khanh nghĩ sao?

Đoàn bối rối tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, thần xin vâng lời bệ hạ để người bạn chí thiết của thần đây đạt được ước nguyện của mình.

Từ đó, Đoàn và Thiện mỗi người theo một ngả đường đời: Thiện trở về làng cưới cô gái láng giềng, sống cuộc đời giản dị, suốt ngày vịnh phú, ngâm thơ trong bóng tre xanh. Thơ phú của chàng dần dần được truyền tụng khắp dân gian. Còn Đoàn ở lại kinh đô, lấy công chúa, làm quan to. Được vua tin dùng, phò mã Đoàn ngày càng trở nên hống hách. Chàng gây bè kết cánh, dèm pha các trung thần khiến họ bị cách chức. Chàng khó chịu nhất là đi đến đâu cũng nghe thấy những trẻ mục đồng, những cô thôn nữ, những cụ già râu tóc bạc phơ… ngâm nga những câu thơ của người bạn mình khi xưa.

Hồi ấy, nhà vua tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, tinh thần không được sáng suốt như trước. Ngài sinh ra khó tính, hay cáu gắt. Một hôm, tỉnh dậy sau một giấc ngủ mê mệt, ngài thấy chốn hoàng cung lộng lẫy bỗng như tối tăm, bé nhỏ. Vì vậy, ngày nảy ra ý muốn đi du ngoạn một chuyến.

Chuyến du ngoạn làm nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của những người dân trong nước ngài tuy nghèo khó, vất vả nhưng thật là vui vẻ. Trên những cánh đồng ở chốn hương thôn, đâu đâu người ta cũng ngâm vang những bài thơ, bài hát mà nhà vua không biết là của một vị thủ khoa trước đây ngài đã cho đỗ ngang bậc với phò mã. Hóa ra người dân thường sống sung sướng hơn cả ngài – một ông vua lúc nào cũng đau ốm, gắt gỏng, buồn bã.

Trở về triều đình, nhà vua cho triệu phò mã Đoàn vào phàn nàn:

– Trẫm là vua của muôn dân, vàng bạc châu báu không thiếu thứ gì, vậy mà thấy mình không được sung sướng bằng những kẻ thường dân nghèo nơi thôn dã, lúc nào miệng cũng vui ca.

Nghe lời vua phán, phò mã tự nhận lỗi mình đã sơ ý để các thần dân khiến đức vua buồn bực. Chàng hứa từ nay sẽ không để đức vua bận tai, phiền lòng vì những bài ca, tiếng hát nữa.

Thế rồi, ngay hôm sau, khắp nước đâu đâu cũng ban bố lệnh cấm dân gian không ai được hội hè, vui hát. Từ bấy giờ, trên khắp đất nước vắng bặt những tiếng hát, lời ca. Những cánh đồng trở nên lạnh lẽo, những cánh rừng đượm vẻ buồn bã, âm u. Nhưng trăm họ dẫu buồn, nhà vua cũng đâu phải nhờ thế mà vui vẻ, sung sướng hơn lên.

Một buổi sáng, vừa lúc tan chầu, nhà vua thấy lính của ngài dẫn đến trước mặt ngài vợ chồng một nhà nho. Ngài nhận ra đó là vợ chồng thủ khoa Thiện. Vợ chồng chàng bị kết tội không tuân lệnh cấm, vẫn tiếp tục ngâm thơ, ca hát.

Nhà vua quát hỏi chàng Thiện:

– Vì sao ngươi dám chống lệnh ta, vẫn ca ngâm, xướng hát? Trẫm buồn bực thì bây tôi có nên yên hưởng sung sướng không?

Chàng Thiện bình tĩnh đáp:

– Thưa bệ hạ, nước nhà đang thái bình, muôn dân vui vẻ, nên mới hát ca. Đáng ra bệ hạ nên mừng mới tôn được công đức của ngôi rồng.

Nhà vua không biết nói thế nào, đành hạ lệnh bắt giam hai vợ chồng chàng Thiện. Chứng kiến cảnh tượng đó, phò mã Đoàn cảm thấy rất bất ngờ. Chàng thẫn thờ cả người vì tuy ghe tức với người bạn thân thuở trước, nhưng chàng không có ý hãm hại bạn.

Thế rồi, một hôm phò mã đi du ngoạn phố phường để xem dân gian làm lụng thế nào. Phò mã giật mình. Thiên hạ vẫn làm ăn chăm chỉ nhưng phố xá yên ắng, tẻ ngắt, người nào người nấy mặt mũi buồn thiu. Gặp một ông già râu tóc bạc phơ đang mài dao, chàng bèn gặng hỏi vì sao thiên hạ giờ như câm điếc cả vậy. Ông già bảo:

– Ngày trước, chúng tôi làm việc vui vẻ lắm. Vừa làm chúng tôi vừa hát ca cho quên nỗi mệt nhọc, công việc nhờ vậy thành ra nhẹ nhàng, cuộc sống trở nên dễ chịu. Nhưng từ ngày có lệnh cấm hát ca, ai nấy chẳng những không dám hát ca mà còn chẳng dám nói năng nữa. Người ta sợ nói ra nhỡ sơ ý phạm thượng đức vua hoặc phật lòng phò mã.

Phò mã níu tay ông lão, xin ông bảo cho biết bây giờ phải làm thế nào. Ông cụ giả điếc, ra công miết mạnh lưỡi dao trên đá. Phò mã cố níu tay ông già. Ông tức mình đẩy mạnh phò mã. Phò mã giật mình tỉnh dậy, người ướt đầm mồ hôi. Té ra là một giấc chiêm bao kinh dị.

Phò mã như người vừa sống dậy. Ngài lập tức thắp nến cho sáng rồi cặm cụi thảo sớ tâu lên nhà vua xin tha tội cho vợ chồng chàng Thiện và cho phép muôn dân được tự do vui đùa, ca ngâm như trước.

Thế là vợ chồng chàng Thiện lại tiếp tục sống cuộc đời thong tả, ung dung, tha hồ tự do ngâm thơ, đề phú. Dân gian khắp chốn thành thị, hương thôn bừng sống lại cuộc đời rộn ràng, náo nhiệt thuở xưa… Còn đức vua cũng cảm thấy lòng vui vẻ, tâm hồn thư thái khi ngài biết vui niềm vui của dân chúng.

 

Chú giải

Thầy khóa (khóa sinh): người học chữ nho thời xưa đã qua kì thi địa phương để kiểm tra trình độ.

Quan chánh chủ khảo: quan phụ trách kì thi.

Ngự lãm: (vua) xem.

Thủ khoa: người đỗ đầu kì thi.

Tân khoa: người mới thi đỗ.

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Viên ngọc ước của quạ

Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...