Hai bảy mười ba

Ngày xưa, ở huyện Hà-đông thuộc tỉnh Quảng có hai vợ chồng nhà nọ, chồng quen thói lấn lướt vợ, nhưng vợ cũng không phải tay vừa.

Một hôm nhà có giỗ. Người vợ nấu một nồi chè để cúng. Chè nấu xong, vợ lần lượt múc vào bát. Nhưng vì mâm ở bếp còn bận, nên vợ cứ hai tay hai bát bưng lên cho chồng bày lên bàn thờ. Cứ như thế, vợ lần lượt bưng đến bảy chuyến mới hết. Vợ lẩm bẩm một mình:

- Bảy chuyến vị chi là mười bốn bát.

Chồng xếp tới xếp lui mấy bát chè vào lòng mâm trên bàn thờ. Cuối cùng thấy thừa một bát, xếp gọn thế nào cũng không để lọt. Bụng bảo dạ:

- Chẳng lẽ lại đặt nó lẻ loi ra ngoài mâm. Thôi, sẵn dịp vắng vẻ không có ai, ta hãy nếm thử, chắc vợ mình cũng chẳng đếm đâu mà biết.

Nghĩ vậy nhân lúc vợ còn loay hoay sau nhà, chồng bèn lấy bát chè thừa đưa ra sau bàn thờ húp lấy húp để. Húp xong, hắn ra bể cạn rửa, rồi đi vào bếp úp cái bát sạch vào rổ. Đoạn trở lên nhà trên làm nốt công việc khác.

Đến chừng cúng xong, bưng mâm chè xuống, người vợ ngẩn ra khi thấy đếm đi đếm lại mấy lần vẫn cứ thiếu một bát chè. Vợ tự hỏi:

- Quái, chắc là chồng ta ăn, hay là trong khi xếp làm đổ mất một. Ta phải tìm cho ra lẽ mới được.

Nghĩ vậy vợ bèn hỏi chồng:

- Tại sao lại thiếu một bát chè?

Chồng làm ra vẻ tự nhiên:

- Ủa, mình bưng lên bao nhiêu thì tôi bày ra bấy nhiêu đó.

Vợ phân trần:

Tôi bưng lên cả thảy là bảy lần, mỗi lần hai bát, hai bảy mười bốn. Đầu đuôi là thế. Tại sao bây giờ chỉ còn mười ba?

Chồng không ngờ vợ đã có đếm hằn hoi, nhưng chẳng lẽ bây giờ lại nhận là mình ăn thì đâm ngượng.

- Nhận mình ăn cũng chẳng sao, nhưng có nhận thì nhận ngay từ đầu, để đến bây giờ đã muộn.

Bèn làm mặt giận:

- Tôi biết đâu đấy. Hay là mình nghi cho tôi ăn chăng?

Vợ không nhịn được:

- Còn gì nữa. Trong nhà lúc ấy chỉ có tôi với mình, con thì đi vắng. Vậy chẳng lẽ ai vào đây mà nuốt mất bát chè.

Đến đây chồng đỏ mặt tía tai, sừng sộ:

- Mày bảo tao ăn thì tang chứng đâu? À quân này láo!

Nói rồi chồng sấn lại. Vợ không xuống nước, nhất quyết đổ riệt cho chồng ăn vụng. Thế là một cuộc xô xát xảy ra giữa hai người, đi liền theo là mâm bát đổ vỡ, bàn ghế xiêu vẹo. Bữa giỗ vì thế không những mất ngon mà còn thiệt hại cả đơn lẫn kép.

* * *

Thấy mình nắm chắc phần đúng trong tay, không ngờ kết quả lại đến thế, người vợ vừa đau thân vừa giận đời, bèn phát đơn kiện lên quan.

Biết vậy, người chồng từ chỗ hung hăng chuyển sang lo lắng. Hắn nghĩ bụng:

- Nếu nó làm ra chuyện thì chuyến này không những xấu hổ với bà con làng xóm mà rồi đây còn khó ăn khó nói với con cái trong nhà!

Hắn bèn mang lễ vật lên lo lót quan, xin quan gỡ cho để khỏi "mất mặt". Nhìn món lễ vật hậu hĩ, quan gật gù:

- Được được, ta sẽ lo cho êm thắm.

Hôm ra trước công đường, sau khi nghe nguyên cáo trình bày, quan phán:

- Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này, hãy ngước mắt nhìn những đường đòn tay trên mái công đường mà xem. Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không ?

Vợ chồng cùng ngửa mặt lên nhìn. Chồng chịu là quan có tài. Nhưng vợ thì còn muốn cãi lại. Quan đập bàn phán tiếp:

- Thánh nhân có nói: "Phu xướng phụ tùy". Vợ chồng chúng bay hãy dẫn nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.

Nói rồi thét lính đuổi cả vợ lẫn chồng ra khỏi công đường.

Khi họ về đến nhà, bà con xóm giềng tới hỏi thăm. Giữa lúc người chồng hoa chân múa tay có vẻ thích chí, thì người vợ than:

Nực cười ông huyện Hà-đông,

Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba.

Không nghe tan cửa hại nhà,

Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng.

Người ta còn nói câu tục ngữ: "Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa" là do truyện trên mà ra.

Gái ngoan dạy chồng

Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...

Bò béo bò gầy

Ngày ấy vào thời vua Lê chúa Trịnh có hai vợ chồng một người nho sinh họ Lê. Nhân ngày cuối năm dắt nhau về thăm quê quán trong thành...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...