Ngày xưa, ở làng nọ, có một bác nông dân nghèo khổ, nhà ngay cạnh trang trại của chúa đất. Gia tài của bác chỉ có một con bò cái. Có lần, con bò chui vào bãi cỏ của chúa đất, chúa đất bèn bắt giết thịt. Vợ chồng bác nông dân đến bắt tên chúa đất đền. Hắn không những chẳng đền, mà còn sai đầy tớ trói bác lại đánh mười roi.
Vợ bác nông dân bàn với chồng viết đơn lên nhà vua kiện về nỗi uất ức của mình, nhưng hiềm một nỗi bác ta lại không biết chữ. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi bác nông dân cũng tìm được một cách. Thoạt tiên, bác kiếm một tấm ván lớn, bào thật nhẵn. Sau đó bác khắc tên mình lên ván tất cả câu chuyện bị ăn hiếp của mình. Con bò cái chui từ chỗ nào vào trang trại của chúa đất, túp lều nhà bác nằm ở đâu, tên chúa đất giết bò của bác ra sao… Cuối bức tranh còn có hình một người đàn ông nằm sấp trên chiếc ghế dài và cạnh đó là mười cái vạch thẳng diễn tả mười roi đòn mà chúa đất đã đánh bác.
Bác nông dân vác lá đơn của mình hăm hở lên đường đi kiện tên cháu đất. Đi qua một khu rừng rậm, bác nông dân gặp một người đi săn. Thấy người này chào hỏi, bác liền hạ “lá đơn kì lạ” xuống cho ông ta xem. Người đi săn xem mãi, nhưng vẫn không hiểu gì cả. Bác nông dân hơi bực mình, giải thích:
– Ồ, có vậy mà bác không rõ thì lạ thật. Tôi chả vẽ rò ràng đây là gì. Bác xem nhé: đây là túp nhà nhỏ bé của tôi, còn đây tức là trang trại của chúa đất và bãi cỏ nhà hắn. Con bò của tôi đây, cái hình này này. Nó chui qua đây để vào bãi cỏ. Nó bị chúa đất ăn thịt! Còn đây là tôi đấy! Lũ khốn kiếp trói tôi vào chiếc ghế dài này… đây nữa, mười roi đấy…
Nghe bác giảng giải xong, người đi săn bảo:
– Bây giờ thì tôi hiểu rồi! Bác đến trình nhà vua ngay đi. Nhất định bác sẽ được kiện!
Bác nông dân đến kinh đô, xin vào yết kiến nhà vua. Nhà vua ngồi trên ngai vàng, đầu đội vương miện vàng sáng lấp lánh, mình khoác chiếc áo choàng đỏ thắm. Hai bên từ phía ngoài vào có mười hai viên đại thần đứng chầu.
Bác nông dân đệ tấm ván lên cho viên đại thần thứ nhất xem để xin được xét xử. Nhưng nhìn vào lá đơn, viên đại thần không tài nào hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với bác. Các viên đại thần khác cũng không ai đọc nổi “lá đơn”. Họ nổi giận, định tống cổ bác nông dân ra ngoài. Nhưng nhà vua đã truyền cho bác nông dân được vào gần bệ rồng. Các viên đại thần chuyển “lá đơn” của bác nông dân đến cho nhà vua xem. Bác nông dân được gọi lại gần.
Nhà vua chăm chú nhìn vào tấm ván và hỏi:
– Đây là túp lều của nhà ngươi phải không? Còn đây là trang trại của chúa đất chứ gì? Bò của nhà ngươi đây, nó chui vào bãi cỏ của chúa đất ở chỗ này phải không? Nó bị chúa đất ăn thịt… rồi nhà ngươi bị đánh mười roi hẳn? Mười cái vạch thẳng này này?…
Bác nông dân thấy nhà vua đọc “lá đơn” của mình đúng quá, sung sướng quên cả mình đang ở đâu. Bác vỗ mạnh vào vai nhà vua, thích thú khen:
– Ồ, đầu óc thế mới gọi là tài giỏi chứ! Có đâu như mấy anh kia, ngốc hơn cả bò đực!
Nói rồi bác ta liếc nhìn khắp lượt mười hai viên đại thần của nhà vua. Nhà vua cũng sung sướng ra mặt vì đã tỏ rõ được sự thông minh của mình trước các viên đại thần – Vua mà lại! Nhà vua còn hứa hẹn với bác nông dân là sẽ xử phạt tên chúa đất, để hắn chừa thói ức hiếp bác ta.
Bác nông dân hớn hở vác “lá đơn kiện” kì lạ của mình ra về. Chẳng bao lâu, đã có chiếu chỉ của nhà vua bắt tên chúa đất phải xây cho bác nông dân một ngôi nhà mới, một chuồng bò, một chuồng lợn, một chuồng dê, chia cho bác ta một khoảnh ruộng và phải đền cho bác một con bò cái.
Bác nông dân phấn khởi nói với mọi người:
– Vua thế mới là vua chứ! Thật sáng suốt. Nhà vua xem một cái là hiểu ngay “lá đơn kiện” của tôi, còn các viên đại thần thì chỉ há hốc miệng ra thôi, chả hiểu cái khỉ gì. Thế mà nhà vua còn nuôi họ làm gì kia chứ?
Bác nông dân đã không nhận ra một điều: nhà vua chỉ hơn các đại thần ở chỗ ông ta chính là người đi săn đã gặp và chào hỏi bác trên đường.