Người lấy Ếch

Người lấy Ếch

Vào đời nhà Lê, có ông bà Trần Cao ngày rằm tháng bảy một năm nọ theo lệ thường mang vàng hương lễ vật tìm đến miếu Long Hải vương để làm lễ cầu phúc. Miếu này ở trên một ngọn núi sát bờ biển có tiếng linh thiêng. Lần này hai vợ chồng lại đưa cả con trai là Trần Sinh đi theo. Cúng xong, cả gia đình quây quần ở trước hiên miếu chuẩn bị ngủ lại để cầu mộng. Đêm ấy, Trần Cao mộng thấy một người mặt đỏ râu dài, oai phong lẫm liệt, mặc áo lụa, lưng thắt đai vàng, đến trước mặt mình mà bảo rằng:

- Ta là Long Hải vương trấn trị ở vùng này. Thấy người thành tâm ta rất vui lòng. Ta có đứa con gái nhỏ vốn có "túc duyên" với con trai ngươi. Nay con trai ngươi cũng đã khôn lớn, nên ta đến đây nói chuyện để cho đôi trẻ thành hôn được sớm. Nếu người cũng bằng lòng thì cứ cho người mang sính lễ đến miếu này, ta sẽ cho đưa dâu về nhà, không cần phải đón rước lôi thôi gì cả.

Trần Cao tỉnh dậy cho là mối nhân duyên lạ, vừa mừng vừa sợ, vội đem việc mộng kể lại cho vợ con biết. Nhưng mẹ con Trần Sinh không cho là việc có thực.

- Ồ! Mộng mị vô thường ông ạ. Âm dương cách trở làm sao con thần lại kết duyên được với con người kia chứ.

Mặc cho vợ nói, Trần Cao vẫn tin lời thần. Trở về nhà, ông sai người giết lợn đồ xôi và sắm sanh áo quần, trang sức cho cô dâu. v.v... y như chuẩn bị một đám cưới thật sự. Sau đó, đến giờ hoàng đạo ông cho người nhà mang tới miếu Long Hải vương đặt lên hương án khấn vái như lời ông dặn, xong việc, lại trở về nhà báo cho mình biết.

Quả nhiên vào khoảng chập tối, người nhà trở về mới chừng giập bã trầu, thì mọi người đã nghe tiếng đàn sáo nhã nhạc vang vang trước ngõ. Họ vội chạy ra xem thì đã thấy đám rước dâu có họ hàng và kẻ hầu người hạ rộn rịp, chỉ khác một điều là không phải người mà toàn là ếch. Ai nấy đang kinh ngạc thì kiệu hoa đã đặt trước cổng, trong kiệu bước ra một người con gái rất đẹp trang sức lộng lẫy. Cô gái có vẻ bạo dạn đi thẳng vào nhà, quỳ lạy ông bà Trần Cao mà thưa rằng:

- Con là Bạch Nga Long vâng lời vương phụ về giao hôn cùng chàng Trần Sinh, xin cha mẹ ngồi lên cho con làm lễ.

Lạy đoạn, cô gái rón rén lui ra chào hỏi mọi người rất đon đả. Hai ông bà Trần Cao thấy con dâu xinh xắn, lễ phép thì rất mừng, mới gọi Trần Sinh lại, hai người làm lễ gia tiên rồi đưa nhau vào buồng. Trong lúc đó người nhà của họ Trần dọn cỗ bàn, mời họ nhà gái ngồi lại ăn. Tuy là ếch, họ cũng ăn uống chẳng khác gì người. Đến quá nửa đêm họ nhà gái mới từ giã ra về, chỉ còn một số là thị tỳ thì ở lại hầu hạ cô dâu.

Sau khi lấy vợ, Trần Sinh được bố mẹ làm nhà cho ra ở riêng. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận. Nhưng Trần Sinh thấy người hầu của vợ toàn là ếch thì trong bụng không vui. Mỗi lần có khách, ếch nhảy nhót đi hầu trà nước làm cho chàng đâm ngượng với khách. Chàng chỉ muốn làm thế nào sớm tống được chúng đi cho rảnh mắt, nhưng vì nể vợ nên không nói gì.

Một hôm, nhân đi chợ thấy có người bán rắn, Trần Sinh mua luôn mấy con. Mang về, chàng giấu vợ, lẳng lặng thả rắn ở gầm giường. Khi lũ thị tỳ ếch thấy rắn thì kêu la om sòm, bỏ chạy toán loạn. Bạch Nga Long đỏ mặt khuyên chồng:

- Sao chàng lại độc ác với chúng nó thế? Nếu chàng không muốn cho chúng nó ở nhà này hầu hạ thiếp, thì cứ bảo cho thiếp biết để thiếp cho chúng nó về, chứ làm thế không nên!

Trần Sinh đang lúc giận dữ, thấy vợ nói thế, quay ra mắng luôn cả vợ. Hai vợ chồng to tiếng cãi nhau. Cơn giận đang muốn dịu đi, bỗng bốc lên bừng bừng, Trần Sinh quát:

- Nếu nàng muốn về ta cũng không cấm.

Nghe nói thế, Bạch Nga Long vội sai con hầu gói ghém tư trang rồi chờ đến chập tối, cả thầy lẫn trò dắt nhau đi mất.

Thấy vắng con dâu, hai ông bà Trần Cao đến nhà con hỏi duyên cớ. Trần Sinh kể lại cho bố mẹ nghe mọi việc xảy ra và nói:

- Con không thể nào sống mãi với một lũ ếch được!

Nghe đoạn, Trần Cao mắng chửi con trai hết lời. Sợ Long thần giận, hai ông bà lại sai biện lễ vật rồi ép Trần Sinh đến miếu Long Hải Vương để tạ tội.

Nhưng khi đến nơi, họ chỉ thấy mênh mông một trời một nước, chẳng còn núi non miếu mạo đâu cả. Cho là Long thần giận dữ mới làm ra thế, cả ba người sợ hãi, bèn lủi thủi quay về.

Lại nói chuyện Long Hải vương khi thấy con gái trở về thì nổi giận đùng đùng, quyết tìm dịp báo thù cha con nhà thông gia cho bõ ghét. Hôm cả nhà Trần Cao tìm đến. Long Hải vương không những không tiếp mà còn thừa lúc họ đi vắng, sai bộ hạ lẻn tới đốt nhà. Một ngọn lửa xanh tự nhiên bùng lên giữa nóc nhà họ Trần, gây nên nạn cháy khủng khiếp. Xóm giềng đổ tới cứu chữa nhưng ngọn lửa đã quá to, không thể dập tắt được. Thế là chỉ trong phút chốc tất cả tài sản của Trần Cao đều tiêu tan. Tin rằng đó chính là sự báo thù của Long Hải vương, ông bà Trần Cao đành gạt nước mắt đi vay mượn xóm giềng một số tiền, dựng tạm một cái quán bán nước sống cui cút qua ngày.

Một đêm sáng trăng, Trần Sinh mang cần ra sông câu cá. Chàng giật được lên một con ếch. Nhớ lại chuyện vừa xảy ra cho nhà mình, chàng bực bội quẳng ếch xuống sông. Lần thứ hai giật lên: lại một con ếch mắc vào lưỡi câu. Chàng lại ném trả lại mặt nước. Nhưng lần thứ ba cũng lại như lần trước. Lần này chàng bắt ếch bỏ vào giỏ đem về. Đến nhà, chàng treo giỏ lên đầu hồi rồi lên giường nằm, nhưng tiếng ếch kêu ồm ộp làm cho chàng không tài nào ngủ được. Tức mình, Trần Sinh trỗi dậy bắt ếch ra đánh. Càng đánh ếch lại càng kêu to. Bỗng chốc ếch tuột khỏi tay người, nhảy đi khắp nơi. Trần Sinh vội đuổi theo để chụp bắt. Ba lần bắt ba lần hụt, nhưng đến lần thứ tư chàng cũng chộp được. Thốt nhiên ếch trút lốt ra, hóa thành Bạch Nga Long. Thấy vợ xuất hiện đột ngột trong cánh tay của mình, Trần Sinh thẹn thò buông ngay ra, hai tay ôm lấy mặt không dám nhìn. Bạch Nga Long quỳ xuống, nói:

- Để cho cha mẹ chàng khổ, đó là lỗi tại thiếp!

Nói đoạn tìm đến bố mẹ chồng sụp lạy tạ tội. Ông bà Trần Cao đỡ dâu dậy an ủi, mọi ưu phiền trước đây bỗng nhiên trút sạch.

Rồi Bạch Nga Long đưa vàng của mình ra tậu đất làm nhà, dần dần cơ nghiệp của bố mẹ chồng lại được phục hồi, có phần vinh thịnh hơn xưa. Nàng còn đón thầy về cho chồng học tập. Về sau Trần Sinh đi thi đỗ trạng nguyên.

Sự tích con muỗi

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn...

Lọ nước thần - Ai mua hành tôi

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ...

Trí khôn của ta đây

Một ngày nọ, có con cọp rất lớn từ trong rừng sâu đi ra ngoài, nó trông thấy ở ngay thửa ruộng cạnh rừng có bác nông dân cùng con trâu mộng chăm chỉ cày cuốc...

Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...

Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con...