Nếu bạn đã có lần viếng thăm thành phố New Orleans xinh đẹp, chắc hẳn sẽ có ai đó hướng dẫn bạn đến khu kinh doanh lâu đời của thành phố này, nơi tập trung các ngân hàng, cửa hiệu, khách sạn và sẽ chỉ cho bạn thấy một pho tượng được dựng vào năm 1884, đứng sừng sững tại quảng trường nhỏ ở đây. Pho tượng tạc hình một người phụ nữ đang ngồi trên cái ghế thấp, tay ôm một đứa bé đang ngả đầu vào người bà. Người phụ nữ không mấy xinh đẹp và trang phục của bà khá giản dị. Bà mang một đôi giày vải, mặc váy trơn, trên vai quàng một cái khăn và đội một cái mũ rộng vành trên đầu. Bà có dáng người tầm thước, trông hơi mập. Khuôn mặt bà có nét điển hình của người Ái Nhĩ Lan với chiếc cằm vuông vức. Ánh mắt của bà thật đặc biệt, chúng nhìn bạn một cách nồng ấm, chứa chan tình cảm tựa như ánh mắt của một người mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình.
Có một số điều đáng ngạc nhiên về bức tượng này. Đó là một trong những pho tượng đầu tiên ở Mỹ được tạc để tôn vinh một người phụ nữ. Ngay cả tại châu Âu cổ xưa, có rất ít tượng đài được xây dimg để tỏ lòng tôn vinh phụ nữ, và nếu có, hầu hết chúng đều dành cho những nữ hoàng hoặc công nướng quyền quý, những người rất xinh đẹp và rất sang trọng. Nhưng pho tượng ở New Orleansnày thì hoàn toàn khác.
Pho tượng này thuộc về bà Margaret Haughery, nhưng chẳng ai tại New Orleans nhớ rõ cái tên đó. Họ chỉ nhớ bà là Margaret. Và đây là câu chuyện về bà Margaret và lý do tại sao người ta phải dựng tượng để tưởng niệm bà.
Margaret mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Bà được một cặp vợ chồng trẻ nhận làm con nuôi. Họ cũng nghèo khó và tử tế như cha mẹ ruột của bà. Margaret sống với họ đến lúc trưởng thành, lập gia đình và sinh một con trai. Nhưng không may, chẳng bao lâu sau chồng, rồi con bà lần lượt qua đời, để lại mình Margaret quạnh hiu. Tuy nghèo nhưng Margaret khỏe mạnh và giỏi giang. Bà không để đau buồn quật ngã, bà vẫn tiếp tục làm việc.
Bà ủi quần áo cho một tiệm giặt ủi suốt ngày từ sáng sớm đến tối mịt. Và mỗi ngày, qua song cửa sổ nơi làm việc, bà trông thấy những đứa trẻ ở trại mồ côi gần đó làm việc và chơi đùa. Một thời gian sau, một trận đại dịch xuất hiện ở thành phố, cưóp đi bao sinh mạng và làm cho số trẻ côi cút tăng lên. Trại mồ côi không đủ chỗ để chăm sóc các em, còn các em thì đang cần một chỗ dựa. Chắc hẳn không ai có thể nghĩ rằng một người phụ nữ nghèo hèn, sống bằng nghề giặt ủi, lại có thể trở thành một chỗ dựa thân ái mà các em bé bơ vơ đang cần đến. Nhưng Margaret đã nghĩ như vậy.
Bà đến thẳng trại mồ côi, nói rằng bà sẽ trích một phần lương của mình tặng cho trại và ngoài ra bà còn tình nguyện sống bên cạnh để chăm sóc các em.
Bà cố gắng làm việc chăm chỉ, và chẳng mấy chốc, từ số tiền lương dành dụm được, bà mua một cặp bò và một chiếc xe chở hàng nhỏ. Mỗi sáng, bà đánh xe đi giao sữa cho khách hàng và không quên xin những thức ăn còn thừa từ các khách sạn và những nhà giàu có trong thành phố về cho lũ trẻ đói lòng trong trại mồ côi. Vào những lúc khó khăn nhất, nhiều khi chính số thức ăn thừa thãi đó đã giúp các em ấm bụng.
Với khoản tiền bà Margaret kiếm được, mỗi tuần bà trích một phần mang đến tặng trại trẻ mồ côi. Sau vài năm số tiền ấy ngày một lớn. Do tính cẩn thận và giỏi giang, công việc kinh doanh của bà ngày thêm phát triển. Và dù vẫn cho đi, Margaret vẫn kiếm được nhiều tiền hơn và mua thêm nhiều bò. Cuối cùng, bằng số tiền tích lũy, bà xây một ngôi nhà dành cho trẻ em mồ côi.
Một thời gian sau, Margaret mua được một lò làm bánh mì, rồi bà chuyển sang nghề giao bánh mì. Và những đồng tiền kiếm được, bà vẫn đều đặn trích ra tặng cho trại mồ côi.
Rồi Cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ. Trong thời buổi loạn ly, bệnh tật và đầy sợ hãi ấy, Margaret vẫn đánh chiếc xe bò đi giao bánh mì. Bà luôn xoay xở để vừa giúp đỡ những người lính đói khát, vừa quan tâm đến những em bé mồ côi. Dẫu vậy, khi chiến tranh kết thúc bà cũng có đủ tiền xây một lò bánh mì lớn. Đến lúc này, không ai trong thành phố không biết đến tên bà. Trẻ em trong khắp thành phố yêu quý bà. Các doanh nhân tự hào về bà. Những người nghèo đến gặp bà xin lời khuyên bảo. Bà thường ngồi trước cửa văn phòng mình, trong bộ váy bằng vải dày và với cái khăn nhỏ quàng trên cổ, tận tình đưa ra lời khuyên cho tất cả những ai đến nhờ bà giúp đỡ, bất kể họ giàu hay nghèo.
Cuộc sống dần trồi cho đến một ngày, bà Margaret lặng lẽ qua đời. Lúc đọc di chúc của bà, người ta mới biết ngoài tất cả những gì bà đã hiến tặng, bà vẫn còn dành dụm được 30.000 đô la - một số tiền không nhỏ - và bà muốn tặng hết số tiền này cho tất cả các trại mồ côi trong thành phố, không phần biệt là trại của người da trắng, da đen, người Do Thái, người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Tin Lành. Margaret luôn nói “Tất cả đều là trẻ mồ côi như nhau”. Và bạn biết không, những ý nguyện cao đẹp của bà đã được ký bằng một nét gạch ngang thay cho tên của bà, vì Margaret chưa bao giờ biết đọc hay biết viết!
Khi hay tin bà qua đời, người dân New Orleans đã truyền tụng về bà rằng “bà là mẹ của tất cả những người mồ côi mẹ, là bạn của những người không có bạn bè. Sự thông tuệ của bà không trường học nào có thể dạy được. Chúng ta sẽ mãi mãi không được quên bà ấy”. Thế là họ tạc một bức tượng mang đậm những nét quen thuộc về bà đã để lại trong tâm trí mỗi người, lúc bà đang ngồi trước văn phòng riêng hoặc đánh chiếc xe bò đi chở hàng. Và ngày nay, pho tượng vẫn sừng sững ở đó, ngay giữa thành phố đông đúc người qua lại, thể hiện tấm lòng kính trọng của người dân New Orleans đối với người phụ nữ có trái tim vô cùng nhân hậu và cách sống giản dị tên là Margaret Haughery.