Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh (1521-1567), tại huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) có một người tên Thi Phục, sống chủ yếu bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa.
Một hôm khi đang trên đường trở về nhà, Thi Phục nhặt được một gói bạc nhỏ nằm giữa đường, bèn nghĩ: "Số bạc này tuy nhỏ nhưng nếu của người làm ăn ít vốn đánh rơi thì cả nhà họ sẽ không có nguồn sống, thậm chí tan cửa nát nhà". Nghĩ vậy nên Thi Phục quyết định đứng ở chỗ nhặt được bạc chờ người tới lấy. Nhịn đói nhịn khát nửa ngày trời mới thấy bóng dáng một vị thư sinh chạy tới.
Sau khi hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, Thi Phục bèn đưa số bạc lại trả cho người này. Vị hậu sinh vô cùng cảm kích, muốn lấy một nửa số bạc để cảm ơn Thi Phục nhưng Thi Phục quyết không nhận. Người này bèn mua trái cây, khẩn khoản mời Thi Phục dùng bữa, ông cũng từ chối, sau đó rời đi mà không để lại tên tuổi.
Khi về đến nhà, Thi Phục đem câu chuyện kể lại với vợ, vợ ông đã hoàn toàn đồng ý với cách làm của chồng và nói rằng: "Ông làm thật tốt quá!"
Hai vợ chồng ông không vì nhặt được bạc mà vui, ngược lại lại thấy an tâm khi trả lại bạc. Sau đó, Thi Phục hàng năm nuôi tằm đều thu được lãi lớn.
Có năm nuôi tằm, Thi Phục không tìm được nơi mua lá dâu, nên vô cùng lo lắng. Thi Phục bèn góp vốn, đi chung thuyền với 10 nhà khác qua sông tìm mua.
Khi ra đến bến sông thì trời đã tối, họ bèn neo thuyền tại một nhánh sông, chuẩn bị cơm nước để ngày mai khởi hành.
Trong lúc lên bờ tìm củi đun, Thi Phục tình cờ gặp lại vị hậu sinh năm xưa mất bạc. 2 người trò chuyện một lúc lâu, xem chừng rất tâm đầu ý hợp.
Thi Phục nói: "Do thiếu lá dâu tằm, nên ta phải qua núi Động Đình tìm mua".
"Trong vườn nhà đệ có trồng dâu, đến giờ không những đủ dùng cho gia đình mà còn thừa ra ra rất nhiều, vừa hay đủ dùng cho huynh. Những lá dâu này cứ như là vì huynh mà mọc ra vậy, phải chăng là sự an bài?", Chu Ân nói.
"Như hôm nay chúng ta gặp nhau, cũng là an bài", Thi Phục cười đáp.
Sau đó Chu Ân đưa Thi Phục về nhà mình. Vợ Chu Ân biết tin ân nhân đến bèn ra vườn bắt gà, chuẩn bị cơm canh để khoản đãi. Thi Phục ngăn vợ chồng Chu Ân lại mà rằng: "Cơm nước như vậy tôi đã vô cùng cảm tạ rồi, hà tất phải sát sinh!".
Vợ chồng Chu Ân nghe vậy liền khen Thi Phụng tấm lòng thật rộng lớn, bao dung với cả loài vật, và đã không bắt gà nữa. Sau đó 3 người dọn cơm ra giữa sân, ăn uống hàn huyên đến tận khuya mới thôi.
Vì nhà nhỏ, chỉ có một giường ngủ nên Chu Ân đã hạ một cánh cửa xuống, kê lên hai chiếc ghế dài để làm thành cái sập cho Thi Phục nghỉ ngơi.
Nửa đêm, khi Thi Phục đang thiu thiu ngủ thì đột nhiên con gà gáy ầm ĩ. Thi Phục nghe tiếng vội vàng trở dậy ra ngoài xem có chuyện gì. Ngay khi rời khỏi sập được 3 bước thì bỗng một tiếng long trời lở đất vang lên, Thi Phục quay lại thì thấy cánh cửa đã nát vụt, trên đó thấy có một vật to lớn đè xuống.
Chu Ân nghe tiếng chạy sang, nhìn thấy cảnh tượng đổ nát thì thất kinh: "Cái trục gác trên xà, không biết làm sao mà lại rớt xuống được? Có lẽ nào lúc ban ngày huynh xin tha mạng cho con gà, nên giờ nó cất tiếng gáy nhằm đền ơn cứu mạng chăng?".
Ngày hôm sau, Chu Ân đi thuê thuyền chở lá dâu về nhà Thi Phục. Người nhà nhìn thấy Thi Phục thì tỏ vẻ mừng rỡ nói, con thuyền chở đoàn người qua sông mua lá dâu gặp sóng lớn thì bị chìm, cả 10 người đều gặp nạn, duy chỉ có 1 người sống sót. May mà ông không ở trên đó.
Thoát chết hai lần trong gang tấc khiến Thi Phục cảm thấy thật thần kỳ, bèn quay sang nói với Chu Ân rằng: "Nếu không gặp hiền đệ và lưu lại, giờ này chắc ta cũng gặp nạn rồi".
"Đây đều là phúc báo cho sự lương thiện của đại ca lúc ngày thường, đâu có liên can gì đến đệ!", Chu Ân đáp.
Vợ chồng Thi Phục từ đó ngày càng vui vẻ hành thiện, phàm là việc tốt mà bản thân có thể làm được, đều dốc lòng thực hiện. Sau này con cái đầy nhà, lại ngoan hiền hiếu thuận, không đầy mười năm đã có cơ nghiệp trị giá nghìn vàng, giàu có nhất vùng.