Dù là khách du lịch hay thuỷ thủ có kinh nghiệm, mỗi khi ngồi tàu thủy qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, thường bị "hút hồn" bởi một ngọn núi có đỉnh phẳng lỳ như mặt bàn, thuộc loại núi cực hiếm trên thế giới.
Ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng có loại núi này. Vì sao chúng lại bằng như có ai gọt đẽo vậy?
Đó là do tầng nham thạch bằng phẳng phát triển mà hình thành. Trên đáy biển, đáy hồ và vùng đồng bằng rộng từ thời đại Thái viễn cổ, nước chảy đã làm lắng đọng nhiều tầng đất cát, bùn và đá cuội. Qua bao nhiêu năm tháng, những tầng đất tơi vụn đó dần dần tích tụ lại, ngày một dày, chắc, để rồi từng bước hoá thành tầng thạch quyển cứng rắn.
Sau đó vỏ trái đất xảy ra những vận động nhô lên một cách chậm chạp. Các tầng thạch quyển này từ đáy nước nâng lên tương đối ổn định, nên giữ được trạng thái bằng phẳng. Rồi trên tầng thạch quyển bằng phẳng đó xuất hiện những sông, suối lớn nhỏ. Các dòng nước này xói mòn dần theo các rãnh, hình thành những vùng núi hoặc gò đồi nhấp nhô. Nếu đỉnh của chúng là một tầng thạch quyển cứng rắn, khó bị xâm thực phá hoại thì sẽ giữ được trạng thái bằng phẳng lâu dài, còn hai bên dốc đứng như bức tường.
Tuy vậy, một số núi không có các điều kiện trên, nhưng đỉnh của chúng cũng bằng phẳng, xa trông như một cái bàn vuông. Có cái là do đá bazan nóng chảy từ núi lửa phun ra che phủ mà thành, có cái là do nham thạch kết tinh từ xa xưa, bị xâm thực phong hoá lâu dài mà thành.