Ngay từ nhỏ, tôi hay thầm ganh tị với vẻ đẹp của mẹ và những gì mẹ đạt được. Nhưng khi mẹ bị liệt ở tuổi 31 do u xương sống, thì cuộc đời chúng tôi đã thay đổi hẳn - lúc ấy tôi mới tròn 10 tuổi. Dường như chỉ qua một đêm thôi, sáng dậy mẹ thấy mình bất động trên giường. Còn tôi thì còn quá trẻ con nên không thể hiểu hết cái nghĩa mỉa mai của từ “khối u lành tính”, nhưng chẳng lành tính chút nào đối với mẹ tôi.
Trước đó, mẹ rất vui vẻ, thích giao du và thường mời khách đến nhà chơi. Mẹ cất công hàng giờ làm món thịt nguội và bày biện hoa tươi. Rồi trong lúc mọi người khiêu vũ rộn rằng thì mẹ lại tất bật lo sắp xếp chỗ ngủ cho những người bạn phương xa. Mà mẹ thích khiêu vũ lắm. Đến giờ, tôi vẫn nhớ bộ đồ dạ hội tuyệt vời của mẹ - váy đen và chiếc áo buộc dây làm nổi bật mái tóc vàng óng ả. Ngày mẹ đem về đôi giày gót cao màu đen, tôi cũng hồi hộp chẳng kém gì mẹ.
Tối đó, tôi không nói quá, mẹ là người phụ nữ đẹp nhất trên đời.
Tôi tin thứ gì mẹ cũng biết làm: chơi tennis (mẹ từng giành giải thưởng hồi học đại học), may vá (mẹ tự may tất cả quần áo cho chúng tôi), chụp hình (mẹ đã từng thắng ở cuộc thi quốc gia), viết lách (mẹ phụ trách một mục trên báo) và nấu nướng (đặc biệt là những món Tây Ban Nha cho cha).
Giờ đây, khi không thể làm những việc ấy nữa, mẹ đối mặt với bệnh tật cùng với lòng quả cảm và quyết tâm tương tự.
Những từ “tàn tật”, “vật lý trị liệu” đã trở thành một phần của thế giới mới, xa lạ mà chúng tôi vừa bước vào. Dần dần, tôi đã học cách chăm sóc mẹ, thay vì được mẹ chăm sóc. Rồi việc đẩy xe lăn đưa mẹ vào bếp đã thành thông lệ. Mẹ chỉ cho tôi nghệ thuật tỉa cà rốt, khoai tây và cách nhào tẩm miếng thịt bò nướng với tỏi tươi, muối và bơ sao cho ngon.
Lần đầu tiên nghe nói đến cây gậy, tôi liền phản đối:
- Con không muốn người mẹ xinh đẹp của mình dùng gậy đâu!
Mẹ chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Thế con thích mẹ đi bằng gậy hay không bao giờ đi nào?
Mỗi thành tích mẹ đạt được là một sự kiện đáng nhớ cho cả hai chúng tôi: nào sử dụng được máy đánh chữ bằng điện, lái xe có thiết bị tự động và lấy bằng thạc sĩ qua một chương trình đặc biệt.
Mẹ tìm hiểu tất cả mọi thứ về người khuyết tật và chính mẹ lập ra nhóm hỗ trợ mang tên Gia Đình Khuyết Tật. Một ngày nọ, mẹ đưa tôi và các anh đến cuộc họp mặt của hội. Chưa bao giờ tôi thấy đông người khuyết tật đến thế. Trở về, tôi trở nên trầm tư, cảm thấy mình vẫn còn may mắn. Nhiều người có tình cảnh rất thương tâm. Mẹ còn dẫn chúng tôi đến gặp những người bại não - chúng tôi không còn bị sốc nữa. Mẹ dạy chúng tôi cách giao tiếp với những người chậm phát triển trí tuệ. Họ có khi còn dễ mến hơn một số người “bình thường” khác. Cha tôi thì luôn yêu thương và đứng bên cạnh mẹ.
Nghĩ mẹ luôn chấp nhận hoàn cảnh với tinh thần lạc quan, tỉnh táo nên hầu như chẳng khi nào tôi thấy buồn hay phẫn uất về điều đó. Tôi không bao giờ quên cái ngày mà suy nghĩ tự mãn đó trong tôi tan như bọt xà phòng. Ấy là vào một dịp gia đình mở tiệc lúc tôi đã là thiếu nữ. Đúng lúc hình ảnh mẹ duyên dáng trong bộ đồ dạ hội, mang đôi giày cao gót đã phai nhạt trong tiềm thức tôi, thì tôi chợt bắt gặp mẹ ngồi ngoài cuộc vui, mỉm cười nhìn tôi và bạn bè khiêu vũ. Tim tôi như thắt lại trước khung cảnh tương phản với sự tật nguyền của mẹ. Thế rồi, hình ảnh mẹ tôi rạng ngời đang khiêu vũ bỗng ùa về trước mắt tôi.
Tôi tự hỏi không biết mẹ có cảm nhận giống mình không. Một cách vô thức, tôi tiến về phía mẹ, và, dù đôi môi mẹ đang mỉm cười nhưng tôi thấy mắt mẹ ngấn lệ. Tôi bỏ chạy về phòng, úp mặt vào gối khóc nức nở. Từ giây phút đó, tôi cảm nhận sức mạnh tinh thần của mẹ - dám chấp nhận hy sinh những thú vui mình yêu thích.
Lớn lên tôi làm việc trong môi trường cải tạo phạm nhân, và mẹ rất thích giúp đỡ tôi. Mẹ đề nghị được dạy cách sáng tác văn chương cho các học viên của tôi. Khi không thể đến nhà tù được nữa, mẹ vẫn thường xuyên viết thư cho họ. Một ngày nọ, mẹ nhờ tôi gửi thư cho một tù nhân tên Waymon. Mang máng nghĩ mình sắp biết thêm điều gì đó về mẹ, tôi xin phép mẹ đọc lá thư ấy trước. Mẹ đồng ý. Lá thư viết:
“Ông Waymon thân mến!
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lá thư của ông. Ông nói rằng cuộc sống sau những chấn song sắt thật khắc nghiệt. Tôi hoàn toàn thông cảm với ông. Nhưng khi ông bảo tôi không thể hình dung được cảnh sống bị giam cầm như thế nào thì tôi khẳng định là ông đã lầm!
Waymon ạ! Trên đời có nhiều kiểu tự do và nhiều dạng ngục tù. Vả lại, đôi khi chính chúng ta tự tạo ra nhà tù cho mình đấy chứ.
Ở tuổi 31, tôi bỗng mất khả năng đi lại. Tôi đã cảm giác như đất lở dưới chân mình. Tâm trí lấn cấn mãi ý nghĩ rằng, suốt phần đời còn lại mình sẽ bị giam cầm trong cơ thể mình, không còn được tự do đi lại, khiêu vũ hoặc ôm các con vào lòng nữa.
Vất vả lắm tôi mới chấp nhận tình trạng của mình, cố không đắm chìm trong sự buồn tủi. Biết bao lần tôi tự hỏi liệu cuộc đời này có còn đáng sống nữa không; luôn bị ám ảnh bởi hai chữ “tù đày” và tuyệt vọng vì những thứ quan trọng đối với mình đã mất đi.
Nhưng rồi một ngày kia tôi chợt nhận ra mình còn được quyền chọn lựa. Nên cười hay khóc khi gặp các con? Sẽ trở thành một người mẹ mẫu mực hay người mẹ chết héo trong tâm tưởng chúng? Nên nguyền rủa hay cầu xin Thượng Đế ban cho sức mạnh dựa vào niềm tin?
Tôi quyết định chừng nào còn sống, tôi vẫn phải nỗ lực; phải hành động tích cực; và cố mở rộng biên giới tinh thần để bù lại những hạn chế về thể chất.
Có nhiều dạng tự do, Waymon a! Khi chúng ta mất một tự do này, đơn giản ta phải tìm kiếm tự do khác.
Ông có thể nhìn trời u ám hoặc chân trời tươi đẹp qua những chấn song, ông có thể là tấm gương sáng cho lớp trẻ hay chịu hòa lẫn vào những kẻ xấu. Về phương diện nào đó, giữa tôi và ông đều cùng chung một cảnh ngộ, ông Waymon ạ!”
Đọc xong, tôi mới vỡ lẽ, những điều trước kia tôi coi là đương nhiên nay đã trở thành nguồn động viên bí ẩn và vô cùng mạnh mẽ.