Sự tích cây Gạo

Ngày xưa, xưa, xưa… có một chàng họa sĩ trẻ có tài. Chàng không chỉ có tài vẽ mà còn đoán được người mình vẽ đang lo nghĩ gì, mơ ước gì để vẽ ra.

Vua nghe tiếng, cho quan đi tìm mời về kinh để thử tài.

Lần đầu tiên gặp vua ở ngay trong cung, chàng họa sĩ rất xúc động.

Nhưng vua chỉ nhìn chàng rồi ngồi im. Quan đại thần ra lệnh cho chàng:

- Ngươi hãy vẽ cái điều nhà vua đang nghĩ!

Chàng họa sĩ trẻ ngẩng cao đầu nhìn vào một lúc lâu rồi vẽ ngay một cánh đồng lúa đang chín vàng. Vẽ xong, chàng dâng lên quan đại thần để nhờ quan dâng lên vua. Quan đại thần đón lấy bức tranh và hỏi:

- Sao nhà ngươi lại vẽ cảnh này?

- Thưa quan đại thần vì người ngồi trên ngai vàng không phải là đấng Thiên tử, mà chỉ là một bác nông dân Thiên tử cho phép ngồi để thử tài thần mà thôi. Bác nông dân dược triệu lên đây, nhưng lòng vẫn đang nghĩ về cánh đồng lúa chín chưa kịp gặt trước khi đi.

Hỏi “nhà vua” đang ngồi trên ngai vàng, “nhà vua” liền gật gật đầu nhận là chàng họa sĩ đã đoán đúng và vẽ đúng.

Quan đại thần liền thưởng cho chàng cốc rượu vua ban và bảo:

- Thôi thế là tài của nhà ngươi Thiên tử đã rõ rồi. Ngày mai, ngươi hãy trở vào đây để vẽ cho nhà vua.

Hôm sau chàng trẻ tuổi lại vào cung.

Vua ngồi trên cao, khẽ gật đầu khi chàng quỳ xuống lạy. Chàng họa sĩ bắt đầu ngẩng nhìn kỹ nhà vua để vẽ.

Chàng vẽ một cách chậm rãi và dâng lên một bức tranh có một bà cụ đang ốm, nằm cạnh một siêu thuốc.

Quan đại thần đón lấy tranh xem xong, hỏi:

- Sao nhà ngươi lại vẽ cái cảnh như thế này. Ta e sai mất rồi!

- Thưa quan đại thần, tôi đã vẽ rất đúng. Nếu sai tôi xin chịu tội.

- Nhà ngươi nói đúng là đúng như thế nào?

- Thưa quan đại thần, vì người ngồi trên ngai vàng cũng vẫn chưa phải là đấng Thiên tử. Đấy chỉ là một vị quan trong triều có mẹ ốm nên đang lo lắng chuyện thuốc thang cho mẹ. Xin quan đại thần cứ hỏi thử xem tôi đoán và vẽ có đúng không?

Một lần nữa, chàng họa sĩ trẻ đã đoán và vẽ đúng.

Quan đại thần thưởng cho chàng hai cốc rượu của vua ban rồi dặn chàng hôm sau vào cung.

Lần thứ ba chàng họa sĩ lại đến.

Chàng nhìn kỹ người đang ngồi trên ngai vàng rồi sụp xuống lạy. Vua tươi cười bảo quan đại thần hãy đỡ chàng dậy và chính vua ra lệnh cho chàng:

- Hỡi người họa sĩ trẻ tuổi mà ta rất có lòng yêu mến! Nhà ngươi hãy vẽ đúng cái điều mà ta đang lo nghĩ đi!

Chàng họa sĩ liền lấy giấy, bút, các màu phẩm ra vẽ ngay, tay bút như múa lượn trên tấm lụa căng thẳng, màu sắc như từ một thế giới nào ở xa hiện về.

Chàng vẽ xong thì vua cũng vừa bước xuống, đứng bên cạnh chàng, đỡ lấy bức tranh lên xem. Trong bức tranh, một ngôi đền cao lớn có nhiều tầng được trang trí đầy những bông hoa rực đỏ như những ông mặt trời nho nhỏ đang tỏa sáng và xen vào đấy là những con sáo mỏ vàng tươi, lông đen biếc như đang vừa nhảy vừa hót mừng.

Vua xem xong liền lắc đầu:

- Ta không ngờ nhà ngươi lại vẽ sai mất ý ta rồi! Chàng họa sĩ bình tĩnh thưa lại:

- Tàu bệ hạ, thần xin cam đoan là vẽ đúng. Nếu sai thần xin chịu tội chết.

- Sao nhà ngươi lại nói là nhà ngươi vẽ đúng?

- Tàu hệ hạ, lúc này ở biên ải, giặc ngoại bang đang rập rình muốn kéo sang cướp nước ta. Quán lính đang ngày đêm đào hào, đắp lũy để chặn đánh. Bệ hạ cũng đang đêm ngày lo nghĩ đến họ, cứ mong sao cho họ ăn no, mặc ấm có đủ sức để đánh giặc.

Nhà vua ngạc nhiên, lộ vẻ vui mừng:

- Như vậy là nhà ngươi đã đoán đúng ý ta. Nhưng sao nhà ngươi lại vẽ như thế này?

- Tâu bệ hạ, thần muốn xin phép bệ hạ được vẽ cái điều mong ước của bệ hạ. Chẳng đã có lúc bệ hạ nghĩ rằng: Sau khi ngăn chặn được giặc ngoại xâm, bệ hạ sẽ cho dựng một cổng khải hoàn để ăn mừng và ghi công những người đã quyết lòng bảo vệ đất nước. Thần xin phép được dâng lên bệ hạ cái ý mọn của thần là không nên dựng cổng mà nên xây một ngôi đền theo kiểu này cho nó vừa đẹp vừa trang nghiêm…

Nhà vua liền gật gật đầu:

- Như vậy là ta đã hiểu nhà ngươi. Ta khen nhà ngươi vẽ đúng, ta rất xúc động về tấm lòng của nhà ngươi.

Vua liền ra lệnh thưởng cho chàng ba chén rượu ngon và sau đó gả luôn công chúa cho chàng.

Mùa Đông năm đó, giặc ngoại bang ồ ạt kéo đến biên ải định tràn sang xâm chiếm nước ta. Quân sĩ một lòng quyết đánh đuổi giặc nên cuối cùng đã đánh thắng.

Nhà vua liền ra lệnh xây ngôi đền đỏ theo đúng như bức tranh chàng họa sĩ đã vẽ để làm lễ mừng công thật lớn.

Đền xây xong, quân sĩ và nhân dân trông thấy đều thấy nức lòng. Được mấy năm thì chàng họa sĩ phò mã ốm nặng rồi chết.

Nhà vua, công chúa cùng nhân dân thương tiếc vô cùng.

Nhà vua liền ra lệnh mai táng chàng ở bên cạnh ngôi đền đỏ để chàng luôn luôn được ở gần công trình nghệ thuật của mình.

Khoảng mười năm sau, bọn giặc ngoại bang lại đưa quân sang xâm lấn lần nữa. Lần này chúng vừa mạnh vừa đông hơn lần trước nhiều. Chúng tràn đến gần kinh vua, ngầm sai người phá sập ngôi đền đỏ, phao tin là mệnh trời đã định, lần này chúng sẽ đánh thắng, sẽ chiếm được kinh thành.

Nhưng đánh mãi, chúng không tài nào thực hiện được cải điều chúng đã nói.

Và một điều kỳ lạ đã xảy ra.

Ngay trên nền đổ nát của ngôi đền đỏ bị chúng ngầm sai người phá sập, chỉ một thời gian sau, có một cái cây kỳ lạ như từ đâu bay đến đậu xuống đây, cành mọc đầy hoa đỏ như những ông mặt trời nho nhỏ đang chiếu sáng. Cái cây nhìn từ xa rất giống ngôi đền ngày trước cũng tầng thấp, tầng cao, tầng cao hơn nữa, cứ nâng nhau lên cao thêm, cao mãi… Và khi hoa nở thì sáo đen mỏ vàng, chân vàng ở đâu cũng bay về đậu hót đầy cành.

Nghe được tin ấy, quân sĩ càng nức lòng đánh giặc. Ai cũng bảo: “Đúng là trời vẫn phù hộ vua ta”.

Chẳng mấy chốc, bọn giặc ngoại bang lại bị quét sạch sành sanh ra khỏi đường biên ải.

Nhà vua mừng lắm, cho xây lại ngôi đền đỏ rồi mở hội mừng công.

Một hôm nhà vua lên ngôi đền mới xây lại, đứng nhìn ra bốn xung quanh thì bỗng thấy cùng với ngôi đền mới xây lại này, xa gần, đâu đâu cũng có những cây hoa kỳ lạ, nhìn giống như những ngôi đền sống, hoa đỏ rực, sừng sững, uy nghiêm.

Cây hoa kỳ lạ đó, ngày nay là cây hoa Gạo đấy các em!

Đã cuối Xuân vào đầu Hè, lúc này hoa Gạo đang mùa nở. Cây nào cũng đang gợi nhớ lại người họa sĩ có tài, có lòng yêu nước, đã vẽ ngôi đền rực đỏ trong bức tranh của mình từ những ngày xưa… xưa… xưa...

 

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Miếng trầu kỳ diệu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận...

Lọ nước thần - Ai mua hành tôi

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...

Rạch đùi giấu ngọc

Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ, một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Thạch Sanh - Lý Thông

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống...