Sự tích cây Nhãn

sự tích cây nhãn

Ngày xưa… xưa.. rất xưa, có một tên ăn cướp, cướp được rất nhiều của, cất được rất nhiều nhà, mà vẫn chưa thỏa lòng tham. Hắn không chỉ muốn giàu, hắn còn muốn làm vua. Quạ Tinh có lần mách với hắn: “Muốn làm vua không khó, chỉ cần có một con mắt Rồng gắn vào mắt mình là được…”. Thế là hắn ta liền bảo Quạ Tinh:

– Vậy thì Quạ Tinh hãy đi tìm cho ta con mắt của Rồng! Ta lên làm vua, Quạ Tinh muốn gì, ta cho nấy…

Quạ Tinh vâng dạ nhưng chưa biết là sẽ tìm được mắt Rồng ở đâu.

Ở vùng đầu nguồn một con sông lớn kia, có một em bé nhà nghèo nọ, ngày ngày thường ra sông lấy nước về cho mẹ. Một hôm em bỗng nhặt được một quả trứng to: đó là một quả trứng Rồng. Rồng mẹ lần ấy để lạc mất một quả trứng mà không hay. Trứng bị nước lôi đi. Trứng ra gặp suối. Trứng xuống gặp sông. Trứng lọt vào đôi mắt của em bé. Hai bàn tay của em bé ôm trứng, mang chạy vội về nhà. Mấy ngày sau, trứng nở. Một con Rồng con chui ra. Em bé hoảng sợ. Rồng con liền nói với em:

– Tôi không phải là rắn đâu, tôi là Rồng con. anh cho tôi sống với anh. Tôi sẽ giúp ích cho mọi người. Em bé hỏi Rồng con:

– Mẹ Rồng đâu rồi? Rồng không đi tìm mẹ ư?

– Họ hàng Rồng có lệ hễ lạc đâu thì cứ tự lo sống ở đấy, anh cho tôi được chung mẹ với anh nhé!

– Được! – Mẹ em bé biết chuyện cũng đồng ý nhận Rồng làm con. Bà dặn:

– Hai anh em phải thương nhau thì mẹ mới vui lòng! Ngày ngày em bé và Rồng con ra tắm ở sông. Ngày ngày Rồng con lại tập phun nước. Rồng con bảo:

– Em tập phun nước để sau này, những ngày khô hạn, em bay đi lấy nước về phun giúp mẹ và bà con trồng lúa, trồng ngô. Em bé gật đầu.

Tối đến. Rồng con bay lên lưng chừng núi cao, tìm một đám mây để ngủ. Sáng sớm Rồng con lại bay về với mẹ và anh. Một hôm em bé và Rồng con đang tắm thì Quạ Tinh bay qua. Thấy Rồng con, Quạ Tinh đỗ lại trên một cành cây thật kín để nhìn. Quạ Tinh mừng lắm.

– Đúng là rồng chứ không phải là rắn! Chỉ có rồng mới phun được nước như thế kia! Nó mừng quá, bay về mách với chủ. Tên ăn cướp cũng mừng lắm. Nó bảo với Quạ Tinh:

– Vậy thì mày hãy đi móc trộm mắt của Rồng con về cho ta. Ta lên làm vua, mày muốn gì, ta cho nấy. Quạ Tinh bối rối một lúc rồi nói:

– Nhưng sức Rồng con còn bay nhanh, bay xa gấp mấy sức tôi. Vuốt nó lại sắc gấp mấy vuốt tôi. Chú phải cùng đi với tôi thì may ra mới trộm được mắt của nó.

– Nó bị móc mất mắt thì còn thấy gì mà bay đuổi theo mày được.

– Tôi chỉ móc mỗi lần được một mắt. Mà chủ cũng chỉ cần một con mắt rồng là đủ lên làm vua rồi…

– Thế ta phải làm gì?

– Rồng con ngủ trên một đám mây ở lưng chừng núi. Tôi móc được mắt thì thả ngay xuống cho chủ. Rồng con có bay theo đuổi, tôi sẽ bảo là không biết. Rồng con sẽ thôi không đuổi tôi nữa. Tên ăn cướp lo lắng:

– Nhưng nó sẽ bay tìm ta…

– Chủ cứ đón cho được mắt rồng, rồi chui vào một đám cây mây mà ngồi. Mây nhiều gai, Rồng con sẽ sợ, không dám chui vào đấy đâu. Tên ăn cướp vẫn chưa hết lo:

– Chẳng lẽ, ta lại cứ phải ngồi mãi ở trong đấy hay sao?

– Mất một mắt rồi, chỉ ngày sau, con mắt còn lại của Rồng con cũng sẽ hỏng nốt. Rồng con sẽ bị mù. Lúc ấy chủ cứ đàng hoàng ra về. Nhưng chủ nhớ là phải bọc mắt rồng trong rêu ướt thì sau này mới gắn vào mắt chủ được đấy!

– Ta nhớ rồi! Tên ăn cướp và Quạ Tinh ra đi.

Khuya đó, Rồng con đang ngủ ngon trên một đám mây trắng ở lưng chừng núi thì bỗng thấy đau nhói ở một bên mắt. Quạ Tinh đã dùng mấy móng chân sắc nhọn của nó, móc được con mắt bên phải của Rồng con rồi. Nó thả ngay con mắt sáng rực của Rồng con xuống cho chủ nó. Chủ nó liền đưa cái vợt lớn đan bằng tơ mỏng, đón lấy rất nhẹ nhàng như đón một ngôi sao rơi. Rồi lão ta cẩn thận bọc con mắt quý vào ngay trong một nắm rêu ướt và chui vào một bụi gai mây rậm rịt, ngồi im ở đấy. Ở trên này, Rồng con đang bay đuổi theo Quạ Tinh. Quạ Tinh vừa chạy trốn vừa hét to:

– Sao anh lại đuổi đánh tôi? Chính tôi thấy một con chim cắt to lớn nó vừa móc mắt của anh và bay vào trốn ở trong cái hang đá bên dưới kia kìa.
Rồng con nhìn vào chân, vào mỏ của Quạ Tinh, thấy không có gì ngỡ là Quạ Tinh nói thật. Rồng con quay lại. Chỗ con mắt bị móc mất, máu đỏ chảy ròng ròng. Tên ăn cướp ngồi im lặng trong bụi gai mây, thấy bóng Rồng con quay lại, sợ quá run lên cầm cập. Rồng con bay vào cái hang đá rộng. Cái hang trống không! Trời vừa sáng rõ, Rồng con đau quá bay đi gặp em bé ở bờ sông. Thấy Rồng con mất một mắt, máu chảy ròng ròng, em bé thương quá, ôm lấy Rồng con mà khóc:

– Sao thân em lại đến nỗi này?

– Em đang ngủ thì có một con chim đến móc trộm mắt em.

– Phải tìm cho được nó! Em bé chạy ngay về nhà xách cung tên, dắt thêm con dao nhỏ và cùng Rồng con ngược lên chỗ núi cao. Đến chỗ bụi mây gai, em bé chợt nhìn thấy tên ăn cướp đang ngồi thu lu trong ấy.

– Ông làm gì lại ngồi ở đây? Ông có thấy con chim cắt nào to lớn thường bay qua đây không?

– Có! Có! Nó vừa bay về ngả này! Tên ăn cướp vừa nói, vừa chỉ tay lên phía trên. Hắn sơ hở để con mắt rồng ở trên tay lóe sáng lên một tí. Em bé định đi, bỗng dừng lại:

– Ông cầm cái gì ở trong tay mà sáng lên như con đom đóm ấy?

– À! à! Đúng là mấy con đom đóm!

– Nhưng mùa này làm gì có đom đóm? Em bé liền cất tiếng gọi Rồng con lúc này vẫn đang bay ở bên trên.

– Rồng ơi! Mắt của em đây rồi!

Tên ăn cướp biết là bị lộ liền xách lưỡi rìu con lao ra. Gai mây níu hắn lại. Phải luống cuống một lúc hắn mới chui ra được. Hắn huơ cái rìu chém vào đầu em bé. Em bé nhanh mắt tránh khỏi và luồn qua tay hắn đâm một nhát vào nách hắn. Hắn rú lên. Suýt nữa thì hắn đánh rơi con mắt của Rồng con mà hắn vẫn giữ khư khư trong bàn tay kia.

– Rồng ơi! Hãy giúp anh giết chết tên này!

Tên ăn cướp hoảng hốt tháo chạy. Rồng con bay đuổi theo. Em bé đợi cho tên cướp chạy được vài bước thì giương cung lên, bắn một phát đúng vào sau ót nó. Nó lại rú lên và ngã sấp xuống. Con mắt Rồng văng ra, sáng rực lên như ngôi sao hôm, rồi mờ lịm đi liền sau đó. Em bé chạy lại, nhặt lên. Thôi hỏng mất mắt của Rồng con rồi! Con mắt của Rồng con đã lấm lem những đất và sạn. Em bé vội chạy ra suối rửa ngay, nhưng mắt Rồng con đã hỏng thật rồi. Rồng con cũng vừa bay đáp xuống suối, nằm bên cạnh em bé. Nhìn con mắt đã đục trắng, Rồng con buồn lắm nhưng Rồng con không muốn để anh mình phải khổ vì mình. Rồng con nói:

– Không lo! Em có bị mù thì đã có tiếng anh dẫn đường cho em bay. Với lại em thuộc hết mọi lối, mọi nẻo ở vùng này rồi! Em bé thở dài nói:

– Mẹ mà biết em hỏng mắt, mẹ sẽ buồn khổ lắm đấy!

– Anh đừng cho mẹ biết làm gì!

– Một vài ngày còn được, giấu mãi thì giấu làm sao! Nhưng này…

– Anh bảo sao…

– Em ngủ trên mây, sao tên ăn cướp kia lại có thể móc trộm mắt của em được?

– Ừ nhỉ! Thôi đúng là con Quạ Tinh kia rồi! Rồng con nói chưa dứt lời, một cái bóng đen bỗng từ trên cao lao xuống rồi vút bay lên. Con mắt Rồng bị hỏng đang để trên tảng đá biến mất trong chớp mắt. Như một luồng gió, Rồng con vụt đuổi theo. Lần này thì Quạ Tinh không còn cách gì để chối cãi và lẩn trốn được nữa. Rồng con lôi cổ Quạ Tinh về đặt trước mặt em bé và nói:

– Chính con quái này đã móc trộm mắt em cho chủ nó! Em bé nhìn con Quạ Tinh, rút ngay con dao sắc như nước và giơ lên. Bỗng em hạ xuống:

– Này con Quạ Tinh kia! Sao mắt Rồng con đã hỏng, mày lại còn cố cướp mang đi định để làm gì? Quạ Tinh run lẩy bẩy, đầu cúi lạy lia lịa và nói:

– Anh tha chết cho tôi, tôi sẽ nói…

– Mày nói đi! Quạ Tinh nhanh nhảu:

– Tôi nghe bà Tiên ở núi Ngũ Sắc bảo rằng: Mắt Rồng mới hỏng đem lăn đất, chôn sâu đúng một gang tay, mười ngày tưới sữa, mười ngày tưới mật, thì sẽ mọc thành cây. Cây sẽ kết quả. Trong hàng vạn quả, sẽ có hai quả có thể đem gắn lại cho anh rồng nào bị mù. Mắt rồng sẽ sáng lại như cũ. Em bé liền hỏi thêm:

– Chủ mày chết rồi, mày định mang con mắt rồng này về cho ai?

– Cho con chủ tôi! Vì con chủ tôi lên làm vua thì cũng như chủ tôi làm vua. Tôi muốn gì sẽ được nấy!

– Ta tạm tha chết cho mày, nhưng mày hãy vào mà sống trong cái lồng bằng gai này. Rồi gắng mà đợi đến ngày con của chủ mày lên làm vua!

Sau đó em vội vàng chạy về nhà nhờ mẹ đem con mắt bị hỏng của Rồng con lăn khe khẽ lên trên một lớp đất màu nâu thật mịn. Bà mẹ thương Rồng con lắm, cố lăn thật nhẹ nhàng. Biết mắt Rồng hỏng rồi mà mẹ cứ sợ mắt Rồng đau. Lăn xong, chính tay mẹ lại cẩn thận đem chôn sâu đúng một gang tay. Mười ngày liền, mẹ đi xin sữa của các bà mẹ trong vùng về tưới, mỗi buổi sáng mười giọt. Mười ngày sau, mẹ lại xin mật về tưới tiếp, mỗi buổi sáng cũng đúng đủ mười giọt. Một mầm cây liền đó bỗng mọc lên.

Trong lúc đó thì Rồng con đã hỏng mất con mắt bên kia và ngày ngày đã phải tập bay mò. Bay gần gần rồi bay xa hơn. Em bé từ dưới đất, chỉ đường cho Rồng con tập bay. Những ngày đầu, có lúc Rồng con bay nhầm, đâm cả vào cây, vào đá. Mãi rồi mới quen dần. Nhưng Rồng con vẫn thèm được nhìn thấy ánh nắng và trời đất, cây cỏ và dòng sông, nhất là thấy mặt mẹ mình, anh mình… Rồng con thèm vậy mà chẳng dám nói ra. Chỉ biết là càng ngày càng thấy thèm hơn.

Cái mầm cây mọc từ mắt Rồng lớn lên vùn vụt. Đúng mười hai tháng, cây ra quả. Quả lớn lên, nhìn rất giống con mắt của Rồng con khi đã lăn trên lớp đất mịn màu nâu. Quả sai đến hàng nghìn, hàng vạn. Một đêm cuối tháng Sáu, rất tối trời, em bé ra nhìn và thấy trong hàng nghìn, hàng vạn quả đó, có hai quả sáng bừng lên. Em hái xuống, bóc hết vỏ ngoài. Một đôi mắt Rồng trẻ tươi, sáng rực hiện ra. Em liền gọi Rồng con đến và gắn cho Rồng con. Rồng con liền có lại đôi mắt sáng và đẹp như ngày trước. Rồng con mừng quá nhìn em bé khóc ròng. Những giọt nước mắt của Rồng con thật là trong, trong như những giọt sương ở lưng chừng núi.

Năm đó, cả vùng bị khô cạn, Rồng con vừa kịp có lại đôi mắt sáng để nhanh nhẹn bay đi lấy nước về phun giúp bà con trong vùng trồng lúa, trồng ngô. Cả vùng đều vui mừng khôn xiết.

Ngoài hai quả quý đã hái rồi, những quả cây còn lại, lấy xuống, ăn rất thơm và ngọt. Và sau lần vỏ màu đất, cái cùi trong, bóc lấy cái hạt đen, cũng nhìn rất giống như mắt của Rồng. Quả ấy là quả Nhãn ngày nay.

Nhãn là tên gọi tắt còn gọi đủ là Long Nhãn. Long Nhãn nghĩa là mắt rồng! Và cũng vì trước kia, vào mùa hè, rồng hay phun nước giúp người nên khi nào thấy có nhiều Nhãn, các cụ thường hay bảo là năm ấy sẽ có nhiều mưa và có thể con nước sẽ lên to…

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Bò béo bò gầy

Ngày ấy vào thời vua Lê chúa Trịnh có hai vợ chồng một người nho sinh họ Lê. Nhân ngày cuối năm dắt nhau về thăm quê quán trong thành...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Duyên nợ tái sinh

Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về "ngồi" tại nhà...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...