Cao su loài cây thân gỗ, có thể cao tới trên 30m. Nhựa hay mủ màu trắng có trong các mạch ở vỏ cây. Khi cây được 5 - 6 tuổi đã bắt đầu có thể cho mủ, và cho năng suất cao nhất khi cây được 11 - 25 tuổi, cuối cùng sẽ ngừng sản sinh mủ khi đạt độ tuổi 26 - 32 năm. Gỗ cao su còn được dùng sản xuất đổ gỗ, được xem là loại gỗ thân thiện môi trường vì chỉ được khai thác khi cây kết thúc chu trình sinh mủ.
Một trong những nơi trồng nhiều cao su nhất chính là Tây Nguyên. Người dân Tây Nguyên gọi cao su là “vàng trắng” vì nó mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người trồng nơi đây. Tổng diện tích cao su đạt 64.036 ha, trong đó cao su khai thác 38.024 ha; sản lượng khai khác đạt 60.607 tấn, đạt 109% kế hoạch; năng suất bình quân 1,59 tấn/ha/năm. Tổng doanh thu đạt hơn 3.100 tỷ đồng, đạt 122,2% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 595 tỷ đồng. Nộp ngân sách hơn 212 tỷ đồng, đạt 117,4%. Thu nhập bình quân người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Để cây cao su có thể cho mủ tốt và có thời gian “cống hiến vàng trắng” lâu bền, một miệng cạo ngửa phải đạt độ sâu cách tượng tầng từ 1,1mm đến 1,3mm, nếu cạo cạn quá thì sẽ ra ít mủ, còn nếu cạo phạm gỗ sẽ khiến cây bị u lồi, vỏ tái sinh kém. Độ dày lớp dăm rơi ra phải chỉ từ 1,1mm đến 1,5mm, làm sao để một miệng cạo trong một năm chỉ mất tối đa 18cm vỏ cây. Độ dốc miệng cạo ngửa là 32 độ so với trục ngang. Đường cạo phải đúng độ dốc, miệng cạo phải tạo lòng máng vào thân cây để mủ không bị chảy tràn, vuông tiền, vuông hậu, không lệch miệng, không vượt ranh, không lượn sóng… Kỹ thuật cạo, con dao cạo của Việt Nam đã được đánh giá là vào hàng đầu thế giới hiện nay.
Trong 64.000 ha cao su ở khu vực Tây Nguyên, phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Từ những vùng đất hoang sơ, đất trống đồi trọc, hiện nay đã hình thành các khu thị tứ trù phú như thị xã Buôn Hồ, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Đức Cơ… với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, các cơ sở giáo dục và y tế được các công ty đầu tư không những phục vụ cho người lao động mà còn cho dân cư trong vùng, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, giúp cải thiện đời sống dân cư và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hiện nay, giá khai thác gỗ cao su già ở Tây Nguyên đang ở mức cao đã tạo nguồn thu không nhỏ cho người sản xuất khi vườn cây hết thời kỳ kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể trồng cao xu xen với các cây trồng khác, và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học. Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng cac-bon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Đây là loại cây thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác. Các nhà máy chế biến mủ và gỗ cao su phát triển đồng hành cùng với diện tích cây cao su góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội cho vùng Tây Nguyên, xóa đói giảm nghèo bền vững và mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn.