Tre, lúa nước và lúa mạch là họ hàng với nhau, đều thuộc loại thực vật một lá mầm. Lúa nước, lúa mạch đều nở hoa tùy từng giai đoạn, nhưng tre lại không thấy nở hoa. Tại sao vậy?
Điều này ta hãy tìm hiểu xuất phát từ chu kì sinh trưởng của loài thực vật có hoa. Loài thực vật có hoa từ khi gieo trồng cho đến khi nảy mầm, ra rễ, lớn lên, nở hoa, kết quả, cuối cùng là hạt, được gọi là đã hoàn thành xong một chu kì sinh trưởng. Có những cây trong vòng một năm hoặc chưa đến một năm đã hoàn thành chu kì sinh sống, sau đó cây chết; nhưng có những cây phải mất hai hoặc trên hai năm mới hoàn thành chu kì sinh sống của mình rồi chết; có những cây phải qua mấy năm sinh trưởng, rồi mới bắt đầu ra hoa kết quả, nhưng cây lại có thể sống nhiều năm. Tre mặc dù sống nhiều năm, nhưng không giống như các loài cây sống nhiều năm thường gặp. Trong cuộc đời tre không thể ra hoa kết quả nhiều lần mà chỉ ra một lần, sau khi kết quả cây sẽ chết, vì thế chúng thuộc loài ra hoa một lần.
Vậy tre lớn bao lâu thì mới ra hoa? Điều này chưa ai nói được rõ ràng. Bởi vì tre nói chung không ra hoa theo mùa như bình thường, nó chỉ ra hoa kết quả thật nhiều khi gặp điều kiện khí hậu bất thường để sản sinh ra thế hệ sau có sức sống mạnh mẽ, thích nghi với điều kiện môi trường mới. Có người đã thí nghiệm, họ che phủ để giảm lượng nước mưa thấm xuống bụi tre, hoặc đào đất bùn dưới bụi tre, khiến cho tre ở trong trạng thái khô hạn, kết quả là một số cây tre đã ra hoa. Nhà nông có câu “tre ra hoa là năm đại hạn” chính vì lẽ đó. Trước khi tre ra hoa thì mọc rất ít măng, thậm chí không mọc, lá khô vàng rụng xuống, sau khi ra hoa kết quả, chất dinh dưỡng đã bị sử dụng hết, dẫn đến cây bị khô héo mà chết.
Có lẽ bạn sẽ hỏi: Tại sao tre lại có tình trạng như vậy, ra hoa hàng loạt xong là chết hàng loạt?
Hóa ra, tre vốn là loài thực vật có thân chính nằm ẩn dưới đất, còn cây tre là nhánh mọc trên mặt đất, nhìn một bụi tre hay một rừng tre ta cảm thấy dường như không có liên quan gì với nhau nhưng những thân ở dưới đất lại đan xen vào nhau, vận chuyển chất dinh dưỡng cho nhau. Vì vậy sự ra hoa và chết của tre thường đi liền với nhau.
Tre ra hoa có thể là tổn thất đối với ngành sản xuất tre, người trồng tre không hề mong tre ra hoa, ngoài ảnh hưởng bất khả kháng của điều kiện tự nhiên, nói chung họ thường chăm sóc kỹ rừng tre, thường xuyên xới đất cho tơi xốp, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và đốn chặt đổi mới một cách hợp lý, khiến cho thời kỳ sinh trưởng của tre ở giai đoạn sản sinh chất dinh dưỡng cao nhất, đẩy lùi thời kỳ ra hoa của tre. Nếu phát hiện trong rừng tre có cây ra hoa, thì phải lập tức chặt đi và kịp thời xới đất, bón phân để hạn chế sự lan tràn tiếp tục của các cây còn lại.