Chúng ta thường thấy có một số cây già lâu năm, mặc dù thân rỗng nhưng cành lá vẫn xanh tươi. Thân những cây này bị rỗng không phải là do cấu tạo vốn có của nó, mà chủ yếu là do tác động của ngoại cảnh. Năm này qua năm khác thân cây sẽ to lên, lõi gỗ càng ngày càng khó thu được khí oxi và các chất dinh dưỡng khác, nên dần dần bị chết, ruột thân cũng từ đó bị mất tác dụng. Tổ chức chết này nếu thiếu các chất giữ nước, chất chống sự mục nát, thì một khi bị vi khuẩn xâm nhập hoặc bị thấm nước mưa từ những vết nứt ở thân cây, sẽ dần dần bị mục nát và thân cây rỗng dần. Có một số loài cây trồng đặc biệt rất dễ bị rỗng thân, như cây liễu già là một ví dụ.
Vậy cây làm thế nào để sống được khi bị rỗng thân?
Vì thân cây rỗng không phải là một bệnh nguy hiểm đối với thực vật. Trong cơ thể cây có hai tuyến vận chuyển rất bận rộn, các chất cần thiết cho hoạt động của sự sống đều nhờ vào trật tự sắp xếp của chúng tới từng phần của cơ thể. Lõi gỗ là tuyến vận chuyển từ dưới lên trên, nó đưa nước và các chất vô cơ khác từ phần rễ đã hấp thụ được tới lá cây; lớp vỏ dai trong biểu bì là tuyến vận chuyển từ trên xuống dưới, đưa các sản phẩm mà lá tạo ra được thành phần dinh dưỡng hữu cơ xuống cho rễ cây, hai tuyến này đều là những tuyến đa ống dẫn. Trên một thân cây rất khó đếm nổi số lượng các ống dẫn này, cho nên chỉ cần không phải là toàn bộ hai tuyến này bị hỏng thì sự vận chuyển vẫn bình thường. Thân cây mặc dù bị rỗng, nhưng đó chỉ là phần gỗ giữa lõi thân cây mà thôi, còn phần gỗ ở bên ngoài thì vẫn tốt, quá trình vận chuyển không bị cắt đứt, nên cây già lâu năm mặc dù bị rỗng lõi nhưng vẫn có thể sinh trưởng phát dục. Ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc có một cây táo tàu già cả trăm năm tuổi, thân nó rỗng có thể chứa một người khi muốn trú mưa và hàng năm vẫn ra quả đều.
Tuy nhiên nếu bạn bóc toàn bộ lớp vỏ cây của cây già rỗng đi thì vấn đề lại trở nên nghiêm trọng: cây nhanh chóng bị chết, do toàn bộ con đường cung cấp chất dinh dưỡng và nước đều bị đứt đoạn, phần rễ không được cung cấp chất dinh dưỡng nữa sẽ bị “chết đói”, một khi rễ bị chết thì lá cành cũng không có được nước và dễ dàng bị khô héo mà chết. Có một vị thuốc Đông y thường dùng gọi là đỗ trọng, dùng lá và vỏ cây làm thuốc, nếu bạn muốn lấy được nhiều thuốc, lại đem bóc hết lớp vỏ cây đi, thì kết quả là lấy được vỏ mà cây đã chết, như chuyện ngốc nghếch “giết gà lấy trứng” vậy. “Cây sợ bóc vỏ”, câu tục ngữ ấy không sai chút nào.