Nghe nói ba bốn con sư tử lớn cũng không địch nổi một con tê giác, bởi vì da tê giác dày cứng như thép, và chiếc sừng dài to như miệng bát, bất kì con mãnh thú nào bị tê giác húc thì đều toi mạng. Chẳng trách khi chúng nổi giận thì đến cả voi cũng phải tránh xa. Con vật hung bạo này lại cũng có "người bạn" tri kỉ của nó, đó chính là "chim tê giác" mà chúng ta nói đến. Đây là một loại chim nhỏ màu đen giống như chim hoạ mi.
Giữa chúng tại sao lại có thể trở thành bạn bè được nhỉ? Hoá ra, tê giác có lớp da dày cứng, nhưng giữa nếp nhăn trên da của nó lại rất mềm và mỏng, thường bị sự xâm nhập của kí sinh trùng và côn trùng hút máu, cảm thấy rất khó chịu. Tê giác ngoài trát bùn lên trên mình
để phòng chống côn trùng ra, còn dựa vào người bạn chim nhỏ bé này để giúp nó tiêu diệt côn trùng có hại. Chim tê giác đậu trên lưng của tê giác có thể mổ những kí sinh trùng trên những cơ thể tê giác, coi đó là thức ăn chính của mình. Cuộc sống hợp tác này, các nhà sinh vật học gọi là "cộng sinh", có nghĩa là hai sinh vật khác nhau dựa vào nhau kiếm sống, đôi bên cùng có lợi, không can thiệp lẫn nhau.
Ngoài ra, chim tê giác còn có một sự đóng góp đặc biệt đối với tê giác. Chim có thể kịp thời "báo động" cho người bạn của mình. Thì ra, khứu giác và thính giác của tê giác tuy nhạy cảm, nhưng thị giác lại rất tồi, nếu có kẻ địch tấn công ngược gió một cách nhẹ nhàng thì nó không thể phát hiện được. Khi gặp tình huống này, thì chim tê giác sẽ bay lên bay xuống liên tục để gây sự chú ý của "người bạn".
ở Châu Phi có một số người của bộ lạc gọi người thân yêu của mình là "tê giác của tôi", hoá ra họ ví mình với chim tê giác vậy.