Nói đến tàu thuỷ, người ta thường kinh ngạc thốt lên trước sự đồ sộ to lớn của con tàu vạn tấn. Tuy nhiên, từ những năm 60 của thế kỷ XX, trên mặt biển ở các nơi trên thế giới, đã xuất hiện một loại tàu khổng lồ siêu dài, nếu so sánh con tàu vạn tấn với nó thì giống như chiếc "thuyền ván". Con tàu khổng lồ trên biển đó chính là "tàu chở dầu siêu cấp".
Sự xuất hiện của tàu chở dầu siêu cấp là do sự tăng nhanh mạnh mẽ về lượng tiêu thụ dầu lửa và sự phát đạt của ngành vận tải dầu lửa trên thế giới. Lúc đó, dầu lửa với tư cách là nguồn năng lượng quan trọng nhất được phát hiện và khai thác rộng rãi, nhưng một lượng lớn dầu thường bị dồn ứ lại do khó khăn về vận chuyển, vì vận chuyển bằng đường sắt chỉ có thể tiến hành ở trên đất liền, còn vận chuyển bằng đường hàng không thì giá thành lại quá cao. Trước những năm 60, việc vận chuyển dầu lửa giữa các châu lục nói chung dựa vào các tàu dầu vài vạn tấn mà thôi. Đứng trước mâu thuẫn sâu sắc giữa nhu cầu về dầu lửa và chi phí vận tải, người ta nhận thấy rằng, đóng một con tàu siêu cấp trọng tải 20 vạn tấn rẻ hơn nhiều so với đóng năm con tàu bốn vạn tấn, thế là việc đóng các tàu chở dầu siêu cấp đã có cơ sở về mặt kinh tế. Những năm 60, Nhật Bản dẫn đầu trong việc đóng tàu chở dầu siêu cấp 20 vạn tấn đầu tiên trên thế giới, sau đó một số nước và tập đoàn tài chính có thực lực cũng gia nhập vào hàng ngũ kinh doanh và đóng tàu siêu cấp, ông vua tàu thuỷ nổi tiếng của Hy Lạp nhờ đó mà thu được lợi nhuận kếch sù.
Lượng chở dầu lớn chưa từng có là cơ sở giảm bớt chi phí vận chuyển dầu. Theo tính toán, nước Pháp chế tạo chiếc tàu dầu siêu cấp lớn nhất mang tên "Patilis" có trọng tải 54 vạn tấn, chi phí vận chuyển bình quân rẻ hơn 22% so với một con tàu siêu cấp khác có trọng tải 22 vạn tấn. Nhật Bản không cam chịu tụt hậu, họ cải tạo con tàu dầu mang tên "Người khổng lồ trên biển" có trọng tải 43 vạn tấn thành tàu siêu cấp 50,3 vạn tấn. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, khi mà tàu chở dầu siêu cấp phát triển thịnh đạt nhất, thì số lượng tàu chở dầu đã chiếm trên 2/5 tổng lượng tàu chở hàng, mà phần lớn nhiệm vụ chở dầu ở trong đó là một số tàu siêu cấp đặc biệt.
Lượng chuyên chở của tàu chở dầu siêu cấp đặc biệt lớn, do đó việc chứa dầu vào và hút dầu ra cần phải dựa vào các thiết bị tiên tiến tự động hoá mới hoàn thành được. Phần lớn các tàu dầu siêu cấp đều có trang bị hệ thống chứa dầu và hút dầu được điều khiển tự động. Các khoang của tàu chiếm phần lớn thân tàu. Để tránh cho dầu, một chất dễ cháy, bị lắc lư chao đảo trong quá trình vận chuyển gây nguy hiểm, khoang hàng thường được cách ly bằng một khoang cách ly. Đương nhiên các trang thiết bị phòng cháy vẫn không thể thiếu được. Phương thức cách ly khoang hàng còn có một điều ích lợi, đó là tiện cho việc phân biệt các loại dầu khác nhau, đẳng cấp và phẩm chất khác nhau.
Tàu chở dầu siêu cấp có một thời kỳ phát triển vàng son, nhưng vẻ bề ngoài đồ sộ của tàu cũng mang lại cho nó không ít vấn đề. Vì độ sâu ngậm nước của tàu chở dầu siêu cấp khá lớn, nên không thể lái vào nhiều cảng mà thường chỉ có thể neo đậu ở ngoài biển quốc tế rồi dùng loại tàu cỡ nhỏ vận chuyển vào cảng. Có khi tàu dầu siêu cấp chạy ở một số eo biển tương đối hẹp, còn gây ách tắc giao thông. Đi đôi với việc đa dạng hoá nguồn năng lượng toàn cầu và trào lưu sử dụng nguồn năng lượng sạch, tầm quan trọng của dầu lửa và tàu chở dầu siêu cấp cũng kém dần. Ngoài ra, các sự kiện rò dầu thường xuyên của tàu dầu siêu cấp xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng gây nên sự xung đột với nguyện vọng bảo vệ môi trường của con người. Do đó, sự phát triển trong tương lai của tàu chở dầu siêu cấp thật khó đoán trước được.