Một số đỉnh núi ở miền Tây Trung Quốc như Liên Sơn, Thiên Sơn núi Côn Lôn, Hymalaya thường có băng tuyết bao phủ giống như một cái mũ trắng, dù mùa hè cũng không tan. Ở vùng nhiệt đới có một số đỉnh núi cao quanh năm thường phủ đầy băng tuyết, đó là vì trên đỉnh núi cao nhiệt độ rất thấp, thời tiết rất lạnh.
Vì sao trên cao lại rất lạnh? Bởi vì núi càng cao, không khí càng loãng, nhiệt lượng ánh nắng chiếu xuống dễ thất tán. Cứ cao 100 m, nhiệt độ lại giảm xuống 0,6°C. Vì vậy đến một độ cao nhất định, nhiệt độ phải giảm xuống dưới 0°C, băng tuyết quanh năm không tan được. Độ cao giới hạn này gọi là đường tuyết. Càng gần hai cực Trái Đất, vị trí đường tuyết càng thấp, bởi vì khí hậu ở đó vốn đã rất lạnh, còn ở vùng nhiệt đới vị trí đường tuyết cao hơn.
Sau khi trên đỉnh núi chất đầy băng tuyết, ánh nắng Mặt Trời chiếu đến đó, vì bề mặt băng tuyết phản xạ ánh nắng rất mạnh, nói chung có thể phản xạ 50% - 90% lượng nhiệt, cho nên đại bộ phận nhiệt lượng bị phản xạ đi mất, khiến cho nhiệt độ ở đó giảm thấp, băng tuyết khó tan.
Cho nên ở những đỉnh núi vượt quá đường tuyết, quanh năm băng tích tụ. Đương nhiên cần phải có tuyết thường xuyên rơi xuống đó, hơn nữa trên đỉnh núi cần phải có bãi phẳng để có thể tích tụ được tuyết. Vì vậy thật ra không phải bất cứ đỉnh núi nào cũng đều có thể chứa tuyết. Ngay những đỉnh núi chứa tuyết kia cũng không phải là tuyệt đối quanh năm tuyết không tan. Khi ánh nắng Mặt Trời chiếu mạnh sẽ có một ít tuyết tan đi, mùa hè tan nhiều hơn, sau đó không lâu lại có tuyết rơi bổ sung. Vì vậy quanh năm vẫn giữ được tuyết và có thể hình thành sông băng chảy xuống.
Tục ngữ có câu: "Đóng băng ba thước, không phải là cái lạnh một ngày". Những cái mũ trắng trên các đỉnh núi cao hơn đường tuyết đều là tuyết tan chậm mà biến thành.
Khi tuyết vừa mới rơi xuống nó còn xốp và nhiều lỗ, đến khoảng 40% - 50% là lỗ trống. Những tuyết ở trên đỉnh núi cao hơn đường tuyết, ban ngày ánh nắng chiếu xuống, tuyết bề mặt tan dần, chảy vào những khe rỗng phía dưới, dồn hết không khí trong đó ra, đồng thời trọng lượng bản thân cũng tự ép tuyết xuống. Ban đêm nhiệt độ giảm xuống, tuyết và băng hoà vào nhau làm một, trong băng có tuyết, trong tuyết lẫn băng, đông cứng rồi lại tan ra cho nên các bông tuyết biến thành từng hạt băng mờ đục.
Về sau trên các hạt băng này lại phủ thêm một lớp tuyết mới, áp suất nén xuống càng chặt, các lỗ rỗng càng ít, nên lớp tuyết mỏng dần. Cứ thế thông qua đóng băng và tan chảy không ngừng, cuối cùng biến thành sông băng có màu xanh nhạt. Lâu ngày, lặp đi lặp lại từng tầng băng đè lên nhau, càng đè càng chặt, trở thành sông băng chảy xuống núi.
Khí hậu trên Trái Đất không phải là không thay đổi. Khi nhiệt độ toàn cầu giảm thấp thì đường tuyết cũng giảm thấp, những đỉnh núi có thể chứa tuyết tăng lên, quy mô sông băng mở rộng. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên thì tình hình ngược lại.