Khi đi đường bằng chân trần, mỗi người sẽ để lại dấu chân. Ở giữa dấu chân bao giờ cũng có hình khuyết mặt trăng. Hình khuyết này là đường cong lòng bàn chân của mỗi người. Con người sở dĩ có thể đi trên đường gồ ghề được chính là nhờ tác dụng của hình cong này. Trường hợp lòng bàn chân không có hình cong được y học gọi là chứng "chân bằng". Ở người bị chứng này, khi đi đường, thần kinh mạch máu ở lòng bàn chân bị dồn ép, có thể khiến bàn chân bị tê, đau và lạnh. Vì chân bằng, khi đi, các cơ lòng bàn chân không có lực đàn hồi, nên không thể đi xa, không thể đứng lâu, càng không có sức bật và không thể mang vác nặng. Vì sao lại sản sinh ra tật chân bằng?
Các nhà khoa học giải thích rằng: hình cung của lòng bàn chân là do xương gót, xương đốt bàn chân, xương mu bàn chân, xương đốt chân, xương chêm 1-3, xương mép ngoài bàn chân 1-5, dây chằng và các cơ tổ chức nên. Khi xương chân, dây chằng và các cơ bị khác thường, chân sẽ bị bằng. Ví dụ, thanh thiếu niên đang thời kỳ phát triển nếu đứng lâu, mang vác nặng lâu ngày, hay phải đi xa, nghỉ ngơi hoặc dinh dưỡng không đầy đủ, bàn chân sẽ mệt mỏi, dẫn đến tổn thương mạn tính, cơ bắp và dây chằng co lại, hình thành tật bàn chân.
Ngoài ra, nếu khớp xương mu bàn chân phát triển quá dài, xương mép ngoài bàn chân thứ nhất quá ngắn, xương chân sẽ bị dị dạng bẩm sinh. Việc phần chân bị giập hoặc gãy, bại liệt (ở trẻ em), viêm khớp dạng phong thấp đều có thể dẫn đến chứng chân bằng. Bố mẹ chân bằng thì con cái cũng thường có chứng chân bằng.
Thanh thiếu niên nên tham gia thể thao, đi bộ và đi xe đạp nhiều để đề phòng chứng chân bằng. Người đã có chứng chân bằng thì không nên đi dép lê mà nên đi giày có gót hoặc giày hiệu chỉnh. Cũng có thể đi chân trần nhưng mũi chân chạm đất, hoặc dùng bàn chân đạp lên bàn lò xo để tăng thêm lực của cơ bắp, đỡ cho cơ của hình cung lòng bàn chân.