Tục ngữ nói: "Không có gió thì không nổi sóng”. Trong điều kiện bình thường đúng là như thế. Nhưng có lúc mặc dù trên biển không có bão, nhưng sóng đặc biệt lớn, cao đến mấy mét, đột nhiên ập vào bờ, sau đó rút ra, có lúc thậm chí dâng lên mấy lần tạo nên sức phá hoại rất ghê gớm. Hiện tượng này gọi là sóng thần.
Vì sao lại có sóng thần? Nguyên nhân chủ yếu nhất là vỏ Trái Đất đáy biển bị gãy, có chỗ sụt xuống, có chỗ dâng lên gây nên chấn động dữ dội, sản sinh ra những đợt sóng đặc biệt mạnh, truyền mãi đến bờ biển hoặc eo vịnh, khiến cho mực nước dâng lên, đổ bộ lên đất liền, có sức phá hoại to lớn. Ngày 1 tháng 9 năm 1923 khi Nhật Bản phát sinh động đất, bờ biển bị sóng thần đổ vào, mấy trăm ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển. Sau khi sự việc xảy ra đáy biển gần đó không những gãy nứt mà còn bị chuyển dời rất nhiều, sự chênh lệch của phần dâng lên và phần sụt xuống đến 270 m, cho nên gây ra cảnh tượng sóng thần.
Khi đáy biển có núi lửa cũng gây ra sóng thần. Năm 1883 núi lửa trên đảo Klakto gần Kowa nổ ra, đáy biển đã nứt một rãnh sâu 300 m, gây nên đợt sóng cao hơn 30 m, hơn ba vạn người bị sóng cuốn trôi. Khi núi lửa xảy ra dưới nước còn khiến cho nước biển sôi lên, nước dâng từng cột làm cho cá và các sinh vật biển chết rất nhiều, trôi dạt đầy trên mặt nước.
Ngoài ra có lúc vì các chất trên sườn dốc đáy biển mất cân bằng mà sản sinh hiện tượng trượt dốc, cũng hình thành sóng thần.
Cũng có những sóng thần do gió gây nên. Khi có cơn lốc mạnh xảy ra trên mặt biển, khiến cho nước biển gần bờ dâng lên, tràn vào phá hoại gây tổn thất to lớn. Người ta gọi hiện tượng này là sóng thần vì bão, hoặc sóng thần khí tượng.
Nhưng không phải tất cả động đất đáy biển đều gây nên sóng thần. Nói chung sự xuất hiện sóng thần còn liên quan với hình thành địa mạo bờ biển nữa.