“Hồng Lâu Mộng” là một tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc. Theo nhiều nhà Hồng học (chỉ các tác giả chuyên nghiên cứu tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”), 80 hồi đầu của tác phẩm này do Tào Tuyết Cần sáng tác, còn tác giả của 40 hồi cuối là Cao Ngạc. Ý kiến này có đúng không? Các nhà toán học đã dùng toán học để phán đoán.
Dùng toán học để phán đoán tác giả một tác phẩm văn học đã có tiền lệ ở nhiều nước. Ví dụ ở Liên Xô trước đây đã từng có cuộc tranh luận: Liệu có phải Sôlôkhôv là tác giả bộ tiểu thuyết vĩ đại “Sông Đông êm đềm” không? Cuối cùng nhờ lí luận của phương pháp toán học thống kê người ta đã khẳng định chính Sôlôkhôv là tác giả của bộ tiểu thuyết này.
Chúng ta đã biết, từ xưa đến nay, mỗi tác giả đều có phong cách viết riêng. Ví dụ trong văn phong Trung Quốc cổ, có người thích dùng hư từ “chi”, “hồ”, có người thích dùng “giả”, “dã”. Dựa vào tần số xuất hiện của các từ nhiều hay ít người ta có thể nhận ra được các phong cách viết văn khác nhau của các tác giả, nhờ đó người ta nhận dạng được tác giả của từng tác phẩm.
Dựa vào lí luận đó, học giả Trung Quốc Lí Hiền Bình đã vận dụng 47 hư từ, tìm tần suất xuất hiện của mỗi hư từ trong từng hồi, thông qua các số liệu thống kê đã tìm ra đặc điểm phong cách viết của các hồi, và người tìm thấy kết luận của các nhà Hồng học là chính xác. Đây là lần đầu tiên dùng phương pháp toán học đã chứng minh cho ý kiến các nhà Hồng học.
Đây là kết quả được công bố trong bài báo “ý kiến mới về tác phẩm Hồng Lâu Mộng” đăng trong “Phục Đán học báo” của Nhà xuất bản Khoa học xã hội số tháng 3-1987. Đây là thành tựu nổi bật đầu tiên của việc vận dụng toán học để nghiên cứu văn học trong lịch sử văn học Trung Quốc.