Không nên uống nước lã là điều vệ sinh thường thức mà ai cũng biết, thế nhưng như thế cũng không có nghĩa mọi loại nước đun sôi đều nên uống. Thực ra có mấy loại nước đã đun sôi nhưng không nên uống, ví dụ nước đã đun sôi lâu trên bếp lò, nước đọng lại trên nắp nồi nấu cơm, nồi nấu thịt, nước sôi để cách đêm trên bếp có đun lại hoặc không đun sôi lại, nước sôi để lâu trong phích nước.
Vì sao các loại nước đã đun sôi này lại không nên uống? Vì trong nước thường có chứa vi lượng các muối natri hoặc các ion kim loại nặng như chì, cađimi… Khi nước đun lâu trong thời gian dài, nước bị bay hơi liên tục, nồng độ muối natri và các kim loại nặng trong nước đun sôi lâu sẽ tăng lên, hàm lượng natri tương đối lớn trong nước sôi khi vào dạ dày, muối natri sẽ bị khử một phần thành nitrit. Mà muối nitrit lại phá hoại công năng vận chuyển oxy của máu, làm tim đập nhanh, hô hấp khó, trong tình huống nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mệnh. Tương tự các ion kim loại nặng cũng có hại cho cơ thể.
Không nên uống nước lã, nhưng cũng không nên uống nước đun sôi lại, thế thì liệu uống nước tinh khiết hoặc nước cất có hợp vệ sinh không? Thực ra trong nước nói chung thường có chứa các nguyên tố canxi, magie…. là những nguyên tố rất cần cho cơ thể, hàm lượng canxi trong cơ thể người chiếm khoảng 1,38% là thành phần chủ yếu của xương và răng, duy trì được sự co giãn của cơ bắp, có tác dụng quan trọng cho sự đông máu. Magie chiếm khoảng 0,07% trọng lượng cơ thể, hơn 70% lượng magie tồn tại trong xương. Hằng ngày, mỗi người cần từ 0,3 - 0,5 g canxi. Hai loại nguyên tố này, một phần đi vào cơ thể bằng con đường nước uống. Từ đó có thể thấy việc chỉ uống nước tinh khiết hoặc nước cất là không tốt.
Thế thì nên uống loại nước đun sôi nào là tốt. Khi nước đun đến độ sôi, chứng tỏ nhiệt độ của nước đã đến 100°C, tuyệt đại đa số các vi khuẩn đã bị diệt. Nếu trong nước máy có quá nhiều khí clo, tốt nhất nên đun vài phút để đuổi khí clo. Với loại nước sôi này bất kỳ dùng để uống hay nấu cơm đều tốt.