Vị sứ thần thông minh

Được tin tiến sĩ Nguyễn Duy Thì sẽ dẫn đầu đoàn sứ thần Đại Việt sang nước Minh, vua quan nhà Minh bàn kế thử tài viên chánh sứ 35 tuổi, nổi tiếng tài cao. Tể tướng Minh triều bàn với vua Minh :

Muôn tâu Bệ hạ! Thần đã nghĩ được một kế mua vui. Thần sẽ cho đào một cái hố tròn thật sâu, trên bịt da thật căng để làm thành một cái trống lớn. Chờ khi sứ thần đến, sẽ sai người gõ thật mạnh, tiếng trống sẽ như tiếng động đất, chắc hẳn sứ thần và đám tuỳ tùng phải ngơ ngác, khiếp đảm, ngựa nghẽo sẽ kinh hoảng chạy tán loạn.

Vua Minh cả cười:

– Trò hay đấy. Nhưng trò vui phải có người xem. Ta sẽ cho quần thần mũ áo chỉnh tề ra đón như để tỏ lòng mến khách. Lại sai tất cả cung phi, thị tì ra xem để mua một trận cười.

Trong lúc vua quan nhà Minh đang bàn tính, Nguyễn Duy Thì và đoàn sứ thần Đại Việt chừng năm mươi người ngày đi đêm nghỉ, dầm mưa dãi gió, mệt mỏi rã rời. Con ngựa của Nguyễn Duy Thì đã kiệt sức, bước đi khấp khểnh, nhiều lúc ì ra không chịu tiến. Bởi vậy, chiều ấy, khi đoàn sứ thần đến kinh đô nhà Minh, ai nấy đều rất vui mừng.

Nguyễn Duy Thì xiết bao cảm động khi thấy vua quan nhà Minh cờ phướn rợp trời, ra nghênh đón. Đoàn sứ bộ vừa đi tới trước cổng thành thì tiếng trống đất kì quái vang dội dưới chân. Ai nấy kinh hoàng ngơ ngác. Con ngựa của Nguyễn Duy Thì vì quá sợ và mệt mỏi sau chặng đường dài, ngã qụy. Cả triều đình nhà Minh, từ vua quan đến cung tần mĩ nữ cười rộ. Nguyễn Duy Thì định thần rất nhanh, nói lớn:

– Cớ sao các vị lại cười? Thấy tiếng động lạ, tôi phải cho ngựa quỳ xuống để nghe xem đó là tiếng động đất hay là tiếng trống của ma quỷ chứ.

Đoàn sứ bộ Đại Việt sau câu nói của Nguyễn Duy Thì lập tức lấy lại vẻ tự nhiên, nói cười vui vẻ như không có việc gì xảy ra. Vua Minh thất vọng nói với quần thần:

Sứ thần An Nam quả là nhanh trí.

Mấy ngày sau, vua Minh thiết triều để sứ thần Đại Việt dâng cống vật. Tuy đã biết tài Duy Thì nhưng vua Minh vẫn chưa chịu buông tha ông. Hôm ấy, vua nghĩ được một câu đố hiểm hóc, liền hỏi Duy Thì:

– Ba người cùng đi một chuyến đò qua sông: Một người là vua, một người là thầy học, một người là cha. Đến giữa dòng thì gặp sóng lớn, con đò chẳng may bị đắm. Sứ thần ở trên bờ nhảy xuống cứu. Nhưng một mình không thể cứu được cả ba. Vậy sứ thần sẽ cứu ai ?

Nếu Duy Thì nể vua mà trả lời cứu vua thì sẽ bị buộc tội bất nghĩa, bất hiếu. Nếu trả lời là cứu cha sẽ bị khép tội bất trung, bất nghĩa. Còn nếu trả lời là cứu thầy học thì sẽ bị khép vào tội bất trung, bất hiếu. Nếu im lặng không đáp thì càng có cớ để buộc vào cả ba tội trên. Vua Minh chắc mẩm phen này thắng được sứ thần.

Nhưng Duy Thì không hề lúng túng. Ông vòng tay, thản nhiên đáp :

– Tâu Bệ hạ! Nếu chẳng may việc xảy ra như thế, thì thần sẽ tức khắc nhảy ngay xuống sống rồi tuỳ theo gặp người nào trước thì cứu người đó. Thần sẽ cố gắng lần lượt cứu được cả ba mới toại nguyện.

Vua Minh và cả triều đình thán phục, không ngờ tới câu trả lời hợp tình hợp lí mà chính họ cũng chưa hề nghĩ tới.

Lần khác, vua mời ông vào điện, hỏi:

– Trong các thức ăn, cái gì ngon nhất ? Trong muôn vật, cái gì quý nhất ?

Nguyễn Duy Thì trả lời ngay :

– Thức ngon nhất là muối trắng. Muốn món ăn đậm đà, ngon miệng, không có muối không thành. Vật quý nhất là sĩ phu. Hiền sĩ giúp đời có thể biến loạn thành trị, làm cho đất nước được phú cường.

Nghe Nguyễn Duy Thì đáp, vua Minh vô cùng sửng sốt. Từ chỗ tìm mọi kế để bắt tội viên sứ thần đến chỗ thực lòng quý trọng nhân cách, tài năng của ông, vua vui vẻ nói:

Khanh nói rất hợp ý ta. Khanh quả là người hiếm có đời nay.

Nhờ đối đáp trôi chảy, ứng xử khoan hoà mà vẫn bảo vệ được quốc thể, nên lúc về nước, Nguyễn Duy Thì được triều đình nhà Minh đưa tiễn chu đáo, lễ nghi trọng vọng.

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Thời Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Sự tích ông công ông táo

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau...