Vợ anh có bao giờ mệt mỏi vì anh không?

Khi Mariana đến nhà bạn gái chơi bài bi-rit-giơ hoặc đi thăm bà dì yêu quý, thì bao giờ cô ấy cũng để cho tôi một mảnh giấy nhỏ trên bàn ăn trong bếp. Trên mảnh giấy, vợ tôi thường ghi rõ mình đi chơi bao giờ về và để phần bữa cơm tối của tôi ở đâu. Phải thừa nhận rằng, ít khi tôi đọc những mảnh giấy đó, bởi vì nội dung hầu như lần nào cũng vậy. Còn về bữa ăn tối thì bằng cách này hay cách khác bao giờ tôi cũng tìm trên bếp hoặc trên tủ lạnh.

Hôm qua đi làm về, tôi trông thấy mảnh giấy nhỏ trên bàn, nhưng tôi chẳng để ý đến làm gì. Tôi còn mải xem có gì trong cái xoong trên bếp. Hóa ra đó là món súp đậu hầm với thịt lợn mà tôi vốn ưa thích. Thế là tôi quên bẵng mảnh giấy ấy đi. Bây giờ tôi mới đọc và sửng sốt như vừa bị sét đánh ngang tai:

“Em cảm thấy rất mệt mỏi vì anh, và quyết định bỏ hẳn anh đấy. Em đã lên tàu đi Nam Mỹ với người bạn tốt nhất của anh. Chúc anh khoẻ. Ký tên: Mariana”.

Đấy, tấn bi kịch bỗng nhiên đi vào cuộc sống của chúng tôi như vậy mà tôi không để ý gì đến thật, chẳng qua vì lười. Không để ý đến thật, vì tôi đã chén hết cả ba suất súp đậu hầm mà vợ tôi để lại, cũng chẳng thèm ngó đến mảnh giấy. Bây giờ khi đứng dậy pha cà phê uống, tôi bỗng nảy ra một ý muốn uống một cốc rượu cô nhắc. Tôi tin chắc rằng các bạn cũng chẳng từ chối một cốc rượu cô nhắc trong lúc này, nếu như vợ bạn cũng đi Nam Mỹ với anh bạn tốt nhất mà bạn vẫn tin cậy.

Nhưng chưa kịp mở nút chai thì bỗng nhiên nghe tiếng chuông reo ngoài cửa. Tôi ra mở cửa: đó là bà láng giềng Lac- xen.

– Hình như vợ anh không có nhà phải không? – Bà Lac-xen hỏi. Nếu như tôi biết sự thật, chắc tôi đã không trả lời rằng bây giờ vợ tôi có lẽ đang trên đường sang Nam Mỹ cùng với anh bạn quý nhất của tôi. Và bà Lac-xen đã có chuyện để nói với các bạn hoặc các bà láng giềng. Nhưng vì tôi không biết sự thật có phải thế không, nên tôi chỉ nói:

– Có lẽ vợ tôi đi uốn tóc hoặc cũng có thể là đang chơi ở nhà bà dì gần Bơ -rông -khơ.

– Ồ, tôi chỉ đem trả chị ấy cái dây thừng mượn hôm nọ để phơi quần áo. Xin cảm ơn anh chị – Bà ta đưa trả cái dây thừng và ra về.

Ngay lúc đó, tiếng chuông điện thoại lại réo lên. Tôi vứt cái thừng ấy và nhấc ống nghe.

– Chào cậu, Tô-max đây mà. E-na đã cho phép mình ngày mai đi săn, do đó mình mới định rủ cậu cùng đi. Ngày mai đã bắt đầu mùa săn thỏ rừng đấy. Cậu có đi được không? Mình sẽ đem theo rượu bia vì có khả năng chúng ta sẽ kiếm được khá đấy.

Đây mới thật là một đề nghị hấp dẫn. Chỉ có hoàn toàn chịu mất tự do hoặc cam chịu sống dưới gót giầy cao gót của vợ mới không nhận lời và cảm ơn Tô-max mà thôi. Nhưng cũng nói thêm vài lời phòng xa:

– Được rồi, nếu Mariana thả mình ra, thế nào mình cũng sẽ đi với cậu.

– Sẽ thả thôi – Tô-max nói không tin tưởng lắm. Nhưng nhớ đừng bỏ quên súng ở nhà nhé! Không lại như năm ngoái đấy. Nhớ không? Cậu mang theo cả một két bia, nhưng cái chính là súng đạn thì cậu lại quên.

Thật là một chuyện nực cười mà tôi ngượng suốt cả năm. Lần này thì tôi phải sắp sẵn ra không có lại quên mất.

Tôi vào trong phòng cầm khẩu súng ra, nhưng bỗng cảm thấy có mùi khí đốt thoát ra ngoài. Chắc là vừa rồi do lắm chuyện phải suy nghĩ, nên tôi đã mở bếp định đun nước pha cà phê nhưng lại quên không châm lửa. Tôi vừa toan quay vào bếp, thì bỗng thấy cửa xịch mở. Theo thói quen, tôi vội cất chiếc dây thừng đi trước. Vì Mariana không thể chịu nổi khi thấy dây thừng vứt loằng ngoằng dưới chân như rắn bò. Thế là tay cầm súng săn tôi vội mở cửa.

Đúng là vợ tôi thật. Mariana đưa mắt nhìn khẩu súng săn trong tay tôi rồi bỗng rú lên. Cô ta chạy vội lại ôm lấy cổ tôi, vừa hôn tôi, vừa run rẩy nói:

– Khổ quá, em chỉ định đùa thôi mà. Em chỉ định thử xem anh có hay đọc những mảnh giấy em để lại không. Ai ngờ anh lại tưởng thật và lại định tự tử bằng một viên đạn hay sao?

Bỗng cô ta lại trông thấy chiếc dây thừng:

– Giời đất ơi! Lại đến nỗi này nữa! Thế anh lại định treo cổ tự tử nữa à! – Cô nàng càng ôm chặt lấy tôi ra vẻ hối hận, định nói gì nữa. Nhưng bỗng ngửi thấy mùi khí đốt sặc sụa từ trong bếp đưa ra, cô ta lại càng tru tréo lên – Không, không! Lại còn thế này nữa. Anh yêu quý của em, anh yêu quý. Từ rày em không bao giờ làm như thế nữa.

Thế là sau đó, khi tôi ngỏ lời muốn đi săn với Tô-max ngày mai, cô ta đồng ý ngay, không dám can ngăn hoặc phàn nàn gì nữa.

Còn tôi thì sau chuyện xảy ra, hay vì phấn khởi quá, hôm sau tôi đã đi săn với Tô-max, nhưng lại mang theo cần câu chứ không phải súng. Chẳng là hôm qua vợ tôi đã giấu biến ngay khẩu súng và chiếc dây thừng đi rồi.

Mẹ và cuộc hành trình của bạn

Khi bạn bước chân vào thế giới này, mẹ đã ôm bạn trong tay. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc như một nữ thần báo tử.

Chén ánh sáng

Chuyện kể rằng mỗi đứa trẻ khi chào đời đều được ban tặng một chén Ánh Sáng hoàn hảo. Nếu bạn biết chăm chút, từ chén Ánh Sáng đó sẽ mọc lên sức mạnh và bạn sẽ làm được nhiều điều thật có ích.

Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già

Nước Mỹ. Năm 1971.

Điều nên làm

Đầu giờ học tuần sau, vị giáo sư hỏi có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện của mình hay không. Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời. Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên. Anh ta trông có vẻ xúc động lắm.

Cô bé Almie Rose

Khi còn đến hai tháng trước lễ Giáng sinh, cô con gái Almie Rose chín tuổi của chúng tôi mới bảo rằng cô bé muốn có một chiếc xe đạp mới. Nhưng gần đến Giáng sinh, dường như cô bé quên bẵng ước muốn đó.

Bài học từ trò chơi ghép hình

Ai trong chúng ta cũng đà một lần thử sức với trò chơi ghép hình. Và với những kinh nghiệm từ trò chơi rất đơn giản ấy, chúng ta đã áp dụng được những gì vào cuộc sống?

Không cần xem chữ ký

Tôi là nhà phân tích chữ viết chuyên nghiệp. Trong khi tài năng độc đáo này được xem là một sự bảo đảm vẻ mặt tài chính, nó lại tác hại đến cuộc sống tình cảm của tôi!

Không ai sánh được với anh…

Khi bạn gái của bạn sóng đôi cùng một anh chàng to cao, bảnh trai như người mẫu, hẳn bạn sẽ giật mình. Lo là phải chứ, vì anh ta có vẻ ngoài ăn đứt mình còn gì…

Có phải cháu sẽ chết ngay bây giờ

Một bé gái mắc phải một bệnh rất hiếm gặp. Để có cơ hội được cứu sống, cô bé cần được truyền máu của cậu anh trai năm tuổi - cũng mắc phải căn bệnh ấy nhưng lại sống được nhờ cơ thể cậu bé có thể tự sản sinh được một loại kháng thể.