Bình tĩnh trước những ngã rẽ cuộc đời
Từ nhỏ tôi vẫn nghĩ, học giỏi sau này sẽ hết khổ, nhưng cuộc đời này không có cái gì là tuyệt đối cả.
Trong đời mình, tôi thấy dần dần khái niệm “giỏi = sung sướng” được thay bằng nhiều khái niệm khác mà trong trong đó không có chữ “giỏi”.
Cha mẹ tôi đều là thương binh. Lòng dũng cảm, sự hy sinh họ không thiếu. Tuổi thiếu thời của họ là những năm tháng trong chiến tranh trên dọc dải Trường Sơn, là những tháng ngày đói khổ, sốt rét, chất độc hóa học….
Hòa bình lập lại, đổi mới, cái xã hội cần lúc này không phải là xương, máu của những người con của Tổ quốc sẵn sàng ngã xuống cho đất mẹ thân yêu nữa, những thứ mà cha, mẹ tôi luôn có sẵn.
Với đồng lương ít ỏi của gia đình, với thương tật của cha, mẹ, với đứa em trai bị mắc chất độc da cam, tuổi thơ của tôi là những tháng ngày đi bán vé số, đi làm thuê, đi nhặt rác…
Có những ngày mưa, tôi và mẹ đội mưa để đi lục trong từng túi rác những thứ tuy mọi người vất đi nhưng ở một nơi nào đó người ta sẽ tái chế lại. Một số người thấy vậy ra xua đuổi mẹ con tôi vì họ sợ lục rác ra hôi thối cửa nhà họ.
Lúc đó tôi nghĩ, phải học giỏi vì cha mẹ. Mẹ luôn nói học giỏi sẽ sung sướng, cái khái niệm “giỏi = sung sướng” nó như nguyên tắc, quy luật trong đầu và tôi xem nó là mục đích sống. Cố gắng đạp xe đi học 24km mỗi ngày, tôi cũng vượt qua cấp ba.
Ngày đi thi đại học, tôi mặc một cái quần tây cũ mà mẹ xin đứa con trai của bạn mẹ. Nó quá rộng, tôi phải kéo móc quần vào nấc nịt đầu tiên bên phải cho nó vừa nhưng lại làm cho cái quần bị lệch đi. Ai cũng nhìn tôi với ánh mắt khác lạ.
Vượt qua nỗi mặc cảm, tôi vẫn đậu hai trường, một đại học và một cao đẳng. Tôi đăng ký học cao đẳng chỉ vì lý do thời gian học ngắn hơn.
Ba năm cao đẳng tôi đã trải qua những tháng ngày tự nuôi sống bản thân. Để giảm chi phí, việc đầu tiên phải tập là bỏ ăn sáng.
Những ngày đầu tiên khá vất vả, nhìn người khác ăn mà thèm đến chảy nước miếng, bụng thì cồn cào. Kế đến là tập ăn những thứ khác ít chi phí hơn để thay cho cơm như bột sắn dây, mì gói và tôi luôn tự nhủ “ăn qua bữa, sống qua ngày” và “ăn để sống chứ không phải sống để ăn” .
Rồi tất cả cũng qua.
Tôi bắt đầu kiếm việc làm thêm, việc đầu tiên là nấu ăn cho những đứa bạn học gia đình có điều kiện hơn. Tôi tự đi chợ, nấu cơm, nấu đồ ăn, rửa chén cho 4 đứa cùng phòng để có thể được ăn hai bữa miễn phí. Sau đó tôi đi dạy kèm và đi phụ quán nhậu với muôn vàn những khó khăn, cực khổ tưởng như sẽ làm tôi chùn bước.
Rồi những tháng ngày đó cũng qua. Tôi ra trường với tấm bằng khá. Lúc đó nhiều người sẽ nghĩ, với vốn kiến thức của mình, với nền tảng gia đình tôi sẽ có quãng thời gian sung sướng hơn đúng như ước nguyện. Nhưng không, cuộc đời này nó vẫn thế, tôi vẫn lận đận và càng ngày tôi càng cay đắng nhận ra rằng không chỉ cha, mẹ đã sai lầm trong suy nghĩ mà tôi cũng sai.
Nhưng rồi cái gì mà kéo dài nó cũng tạo thành thói quen. Tôi chấp nhận sự thật, sự bất công và sống chung với nó. Nhưng cuộc đời này không hẳn như thế, càng nhẫn nhịn càng bị chèn ép.
Nước mắt tôi rơi, đó không còn là những giọt nước mắt của ngày xưa khi cùng mẹ đi nhặt rác bị người ta xua chó ra đuổi. Nước mắt của tuổi thơ nó nhanh đến, nhanh đi, bây giờ là nước mắt của người đàn ông 30 tuổi, nó cay đắng, nó chảy ngược vào tim, nó gào thét trong sự bất lực.
Tôi là con người sẵn sàng hy sinh. Tình yêu đối với ai đó là thứ rất linh thiêng không gì đánh đổi được nhưng tôi cũng đã hy sinh vì nó không phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.
Một người vợ xinh đẹp, có công ăn việc làm thì rất tốt đấy nhưng đó không phải là người sẽ chăm sóc cha, mẹ mình người đầy thương tật khi già yếu. Tôi đã lựa chọn một tình yêu cho hoàn cảnh của mình chứ không phải cho bản thân và trái tim mình.
Các bạn trẻ, cuộc sống hôm nay của các bạn hơn tôi rất nhiều. Hãy tận dụng nó, cuộc đời sẽ đưa các bạn đến những ngã rẽ, hãy bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn con đường cho mình.