Chiếc bình vàng
Xưa kia, đã lâu lắm rồi, có một ông vua rất độc ác.
Vua chỉ sợ mỗi một điều: đó là tuổi già.
Ngày nào cũng vậy, vua ngồi hàng giờ trước gương soi, ngắm nghía mình. Thoáng thấy một sợi tóc bạc, vua nhuộm đen ngay. Trên mặt hằn một nếp nhăn, vua vội xoa bóp, nhằm xóa tan vết tích. Vua thường bảo:
– Ta còn khỏe, còn trẻ thì mọi người vâng lệnh ta, kinh sợ ta. Nhưng nếu ta già yếu, chẳng còn kẻ nào tuân lệnh ta nữa.
Để khỏi trông thấy cảnh già nua tuổi tác, nhà vua ra lệnh giết tất cả những ông già.
Khắp nơi trên đất nước, bà già, con trẻ, thanh niên, phụ nữ lũ lượt kéo về kinh đô van lậy nhà vua tha chết cho chồng, hoặc cho bố.
Nhưng nhà vua vẫn lòng trơ như đá.
Cuối cùng nhà vua cũng bực bội với những lời than khóc ai oán kia. Vua phái quân lính về các phố phường, thôn xóm, loan báo tin lòng nhân đạo của nhà vua.
Đi hết một đoạn đường, họ lại ghìm cương ngựa, ghé mồm vào loa kêu gọi:
– Nghe đây! Nghe đây! Hoàng đế vĩ đại và nhân từ ban cho các ngươi một ân huệ: Kẻ nào lấy được cái bình vàng rơi dưới đáy hồ, trước cung vua, sẽ cứu mạng cho cha già và được giữ cái bình làm phần thưởng. Nhưng kẻ nào không lấy được cái bình lên, chẳng những không cứu được cha già, mà cũng lại bị chặt đầu như cha già vậy! Chỉ được thử một lần thôi! Một lần thôi! Nghe cho rõ ! Bắt đầu từ ngày mai! Đấy, ý muốn của Hoàng đế vĩ đại!
Vừa dứt lời, các thanh niên nam nữ đã nườm nượp kéo về phía cung điện nhà vua. Ai cũng muốn đến trước tiên để lấy cái bình lên mà cứu mạng cha già. Mọi người đều nghĩ rằng cuộc thử thách ấy quá dễ đối với những người bơi, lội giỏi.
Bờ hồ cao và dựng đứng. Chỉ hơi cúi mình xuống đã có thể thấy rõ dưới đáy hồ trong vắt một cái bình vàng rất đẹp.
Nhưng…chín mươi ngày trôi qua. Và chín mươi chàng trai khôi ngô bị đầu lìa khỏi cổ, vì chẳng ai lấy được cái bình vàng dưới đáy hồ trong leo lẻo kia.
Lúc bấy giờ có một chàng trai tên là Asker.
Asker yêu quý cha vô cùng. Khi thấy cha bắt đầu già, anh vội đem cha vào rừng ẩn náu. Anh dựng một túp lều khuất sau mấy tảng đá, giấu cha già vào đó. Chiều chiều, chờ khi mặt trời vừa lặn, anh lén lên núi thăm cha và mang thức ăn lên.
Một chiều nọ Asker im lặng, âm thầm ngồi cạnh cha rất lâu. Ông già hỏi:
– Con trai yêu quý và hiếu thảo của cha! Có điều gì làm con phiền muộn?
Asker kể lại cuộc thử thách của nhà vua cho cha nghe, và hỏi ý kiến cha: Đêm ngày con luôn nghĩ đến cái bình vàng. Con càng nghĩ con càng không hiểu. Tại sao khi đứng trên bờ nhìn xuống, cái bình hiện rõ mồn một, hầu như chỉ cần với tay là nắm được. Ấy thế mà khi có ai lặn xuống, mặt nước rung rinh và cái bình tan ngay; hình như đáy hồ đã nuốt chửng nó vậy!
Ông già im lặng ngồi nghe con nói. Ông trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu rồi hỏi:
– Con này, trên bờ hồ, ngay chỗ in bóng cái bình, có cái cây nào không?
– Thưa cha, có đấy ạ. Trên bờ ngay chỗ cái bình, có một cây cổ thụ rất to, cành lá rườm rà.
– Con hãy nhớ kỹ xem, cây có soi bóng xuống nước không?
– Thưa cha có đấy ạ.
Người cha tiếp tục:
– Con hãy nhớ xem, cái bình có nổi rõ trên bóng cây dưới nước không?
– Đúng đấy ạ, cái bình nổi rõ trong bóng cây xanh dưới nước.
– Vậy con hãy nghe kỹ điều cha dặn. Con cứ trèo lên cây. Chính ở đấy con sẽ tìm thấy cái bình của nhà vua.
Nhanh như chớp, chàng trai vượt núi về nhà. Và vừa sáng tinh mơ, anh ra mắt nhà vua, xin phép đến phiên mình được thử thách.
Vừa đến nơi anh đã cất tiếng, hầu như reo lên:
– Kính thưa đức vua vĩ đại, xin người giữ lời đã hứa. Lần này nhất định tôi lấy được cái bình vàng.
Nhà vua cả cười;
– Được! Để rồi xem!
At-ke đến ngay bờ hồ, rồi không chần chừ và đáng lẽ lao mình xuống nước như bao chàng trai trước đây, anh đến gần cây cổ thụ, cẩn thận trèo lên.
Đám đông đứng vây quanh hồ rú lên vì kinh ngạc và thương hại. Ai cũng cho là anh chàng sợ quá hóa điên.
Trong lúc mọi người mải bàn tán, Asker đã trèo lên tới ngọn cây. Ở đấy, lẫn trong cành lá, có treo một cái bình vàng giống hệt cái bình dưới đáy hồ.
Thì ra người ta đã treo ngược cái bình để bóng nó in hình một cái bình dưới đáy hồ.
Chàng trai tháo cái bình và đem xuống dâng lên Vua. Nhà Vua vô cùng ngạc nhiên:
– Ta khó lòng tin rằng nhà ngươi thông minh như vậy. Có thật chính nhà ngươi nghĩ cách lấy cái bình không?
Asker trả lời:
– Không ạ. Một mình tôi, không bao giờ tôi có thể nghĩ ra. Nhưng tôi có cha già. Tôi đã giấu cha tôi vào ở trong rừng. Chính cha tôi đã đoán biết được chỗ đặt cái bình.
– À ra thế! Nhà vua trả lời và trầm ngâm suy nghĩ: “Người già quả thật là thông minh và giàu kinh nghiệm. Người ở một nơi, cái bình ở một nơi, không hề lại gần hồ, ấy thế mà biết được”.
Vua ra lệnh tha cho tất cả các cụ già.
Và từ đấy, ở đất nước này, các vị già lão được toàn dân kính trọng. Khi một người tóc bạc da nhăn đi qua, mọi người đều nhường bước và kính cẩn cúi chào.