Chuyện phiêu lưu của người đan chiếu
Ngày xưa, trong một thành phố nọ, có rất nhiều người sinh sống, giàu có, nghèo có, thợ lành nghề có, thương gia ngay thẳng có, nhưng cũng có nhiều người lười biếng, vô căn vô cội như trong bất kỳ thành phố nào khác. Mặc dù có sự khác biệt nhau thật đấy, nhưng cư dân trong thành phố, những người lo làm ăn đầu tắt mặt tối, chứ không phải những kẻ vô công rồi nghề, đều nhất trí với nhau rằng quanh thành phố đang có nhiều chuyện đáng ngờ xảy ra.
Chuyện một thương gia đi ra một làng vùng ven, rồi chẳng bao giờ trở về không còn là chuyện hiếm nữa. Lần nọ có người trở về, mắt tròn xoe vì sợ hãi, mặt mày tái mét, chân tay run lẩy bẩy, và đáng ra ông ta đi chơi ngắm cảnh hay đi dự lễ ở ba mươi ba ngôi đền của vị nữ phúc thần Canh nông (Cannon) theo dự kiến, thì ông ta lại ở miết trong nhà, đến nỗi xóm giềng không sao hỏi được điều gì ngoài việc ông lắc đầu từ chối. Chắc người này đã gặp chuyện gì kinh khủng lắm, cho nên không ai có thể làm cho ông hé môi.
Buổi tối, khi bà con xóm giềng tụ tập tại các phòng trà để hút ống vố, thì những chuyện đoán già đoán non lại nổ như bắp rang. Người ta nói hình như có một bọn cướp hoành hành tại các vùng ngoại ô, vì người ta nghe nói như thế, nhưng rồi chẳng có ma nào mất mát cái gì hết; luôn luôn chỉ có chuyện kỳ lạ khủng khiếp. Và những người đã chứng kiến tận mắt chuyện kỳ lạ, thì lại không thể làm chứng cho chuyện này, vì họ chẳng bao giờ trở về.
Vào thời ấy, có một người thợ đan chiếu trẻ sống ở thành phố. Anh ta có tay nghề cao, hơn nữa lại rất thông minh, sáng ý. Anh đi khắp nơi để sửa chữa chiếu trải nền nhà. Nhưng anh thích đan chiếu mới theo kích thước. Khi có người giàu lên muốn khoa trương nhà mới, họ đều mời anh thợ trẻ có tay nghề cao này. Không ai có ngón tay khéo léo như anh và cũng không ai mang đến gia đình người ta sự vui vẻ như anh. Anh biết tất cả những ca khúc mới, biết nhiều chuyện hấp dẫn. Và phải nghe anh đóng tuồng mới thấy thích! Anh có biệt tài bắt chước rất giống các nghệ sĩ sân khấu, những nghệ sĩ được nhiều khán giả mến chuộng. Chẳng mấy chốc mà anh chàng thợ dệt chiếu được mọi người say sưa thích thú, mời anh đến làm suốt ngày. Không những anh chỉ nổi tiếng ở khu phố của mình hay trong thành phố thôi đâu, mà ở những làng mạc xa xôi, người ta cũng thường mời anh đến làm.
Thế là anh trở thành người can đảm hiếm hoi, vì đã dám đi ra khỏi dãy tường thành kiên cố của thành phố. Anh thường phải băng qua đồng ruộng, mồm hát vang những bài hát vui tươi. Thế mà chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra cho anh hết; có lẽ vì anh luôn mồm hát to hay cũng có lẽ chưa bao giờ anh có ý sợ sệt.
Thỉnh thoảng anh tự nhủ: “Chắc bà con lối xóm đã tưởng tượng ra đủ điều để có chuyện mà kể quanh mâm rượu đấy thôi. Hay có lẽ họ không muốn đi xa về các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Còn ta, vì thường ra khỏi thành phố, nên ta chưa bao giờ gặp ma”.
Một hôm, có người ở làng xa mời anh đến. Người ta nói với anh:
– Công việc này chắc phải kéo dài đến hai ngày mới xong.
Nhưng mới quá xế trưa thì anh đã xong việc, cho nên anh quay về nhà. Bầu trời không một gợn mây, ánh nắng chiếu chói chang. Trời nóng như thiêu như đốt, khiến cho chim chóc cũng ngừng hót; chỉ có anh thợ trẻ cứ vui vẻ tiến bước, sung sướng vì được lợi nửa ngày.
Anh tự nhủ: “Ít ra thì mình cũng phải đi xem hát mới được, đã lâu rồi mình chưa đặt chân đến đấy. Và biết đâu mình còn dư thì giờ để đấu láo với xóm giềng quanh mâm rượu cũng nên”.
Anh suy nghĩ liên miên, đến nỗi không nhận thấy mây đen kéo đầy trời, rồi thình lình trời tối thui tối mò. Trời tối đến độ anh không nhìn thấy bàn tay để trước mặt nữa.
Anh lại tự nhủ: “Trời nóng bức như thế này thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy chuyển mưa. Mưa giông thôi. Miễn là mình về đến thành phố trước khi trời mưa là được”. – Anh mò mầm đi trong bầu trời tối thui. Nhưng, sao thế này nhỉ! Đáng lý trước mắt anh là con đường quen thuộc, thì nay bỗng nhiên là một cánh rừng. Bầu trời càng trở nên tối thêm, tất cả đều im lặng hoàn toàn và chung quanh cảnh vật trông có vẻ nặng nề một cách kỳ lạ.
“Mình lạc đường ư? Thật lạ lùng quá!”. Anh chàng dệt chiếu hoang mang. Anh đi theo con đường này một lát, rồi lại đi theo con đường khác, nhưng không thể nào tìm đường ra được. Bỗng nhiên, anh chợt thấy như xa xa có ánh đèn.
Phải đến chỗ có ánh đèn kia hỏi thì mới biết mình đang ở đâu, anh tự bảo rồi lại bước nhanh thêm. Một lát sau, anh đến một cái chùa nhỏ. Mặc dù anh nghe có tiếng người nho nhỏ ở bên trong chùa, nhưng không ai trả lời anh cả. Anh bèn đẩy cửa. Ở giữa chùa, một nữ sư già đầu trọc đang ngồi trước cái bàn thấp, trên bàn có quyển kinh đang mở ra. Khi anh thợ dệt chiếu đi vào, hình như bà sư già không nghe, vì bà không quay lui. Anh đợi một lát, ho húc hắc, vẻ khó chịu.
Tôi xin lỗi đã làm phiền bà. Tôi đi ra phố thì gặp phải giông bão. Trời tối quá nên tôi bị lạc đường. Xin bà cho phép tôi ngồi đây để đợi hết mưa.
Bà sư già gật đấu ra vẻ bằng lòng; anh thợ tháo dép và cái túi xách trên tay ra rồi đến ngồi trên một góc chiếu. Không khí quá yên lặng khiến anh vẫn không trút được sự căng thẳng đang đè nặng trong lòng. Anh cảm thấy có chuyện gì lạ lùng đáng sợ đang rình rập mình.
Bà sư lẩm bẩm tụng kinh. Chàng thanh niên nhìn quanh như muốn nói chuyện để phá tan sự lo lắng đang ngự trị trong lòng mình; nhưng bà sư vẫn mải miết say mê với cuốn kinh. Cho nên, ngồi một lát, anh lấy ống vố, nhồi thuốc, hút.
“Dù sao thì có việc mà làm cũng đỡ buồn”, anh nghĩ, rồi không chú ý, anh để một dúm tàn thuốc rơi xuống chiếu.
Bà sư có vẻ tức giận, ngẩng đầu lên.
-Xin lỗi bà, – chàng dệt chiếu xin lỗi, vừa đưa tay hất hết tàn thuốc lên. – Tôi sơ ý làm dơ chiếu. Vì giông bão to quá nên tôi không chú ý. Xin bà đừng sợ, tôi không làm bẩn chiếu nữa đâu.
Anh lại ngồi yên không động đậy, chốc chốc mới cẩn thận hít ống vố một hơi. Anh hút hết thuốc trong ống vố mà không rơi một dúm tàn nào nữa, và trời vẫn tối thui tối mò. Anh bèn đưa mắt nhìn quanh, rồi nhìn vào chiếc chiếu, anh thấy nó bị sờn một chỗ.
“ Sẵn đang ở đây, mình sẽ sửa lại chiếu cho bà sư này, làm thế ít ra cũng tỏ được lòng biết ơn của mình”. Anh nghĩ.
Anh mở túi xách lấy ra một nắm chỉ, vuốt cho thẳng. Ngay khi ấy, bà sư thôi đọc kinh, đưa mắt dữ dằn nhìn anh.
Không có gì đâu, xin bà cứ tụng niệm tiếp, – anh kính cẩn nói. – Tôi không thích cảnh ngồi không nhàn rỗi, và trong lúc chờ đợi cho hết mưa bão tôi muốn chữa lại chiếc chiếu này.
Bà sư lại nhìn anh với ánh mắt dữ tợn, nhưng không nói gì mà vẫn tiếp tục tụng niệm nho nhỏ. Chàng thợ dệt lại tiếp tục công việc. Anh cầm mấy cọng chiếu bị tua lôi lên.
Bỗng nhiên cả ngôi chùa rung động và bà sư la lên một cách đau đớn:
Ôi, khủng khiếp quá!
Bà đừng sợ hãi như thế, – chàng thanh niên trấn an. – Vì bão tố cả thôi; cơn bão này có vẻ dữ dội khủng khiếp quá. Nhưng xin bà đừng sợ, chẳng có gì phải lo âu cả, ngôi chùa này chịu đựng bão tố lớn gấp mấy như thế này cũng dư sức. Bà đừng sợ!
Khi bà sư đã bình tĩnh trở lại, anh thợ dệt nhìn túm sợi chiếu rách trên tay. Bỗng anh hoảng sợ, và nhớ lại những chuyện người ta đồn đại trong thành phố. Trên tay anh là một nắm lông dài màu xám có lốm đốm trắng.
“Mình không khoái chuyện này tí nào cả!” Anh tự nhủ – Đây là lông chồn hương. Tại sao lông chồn lại nằm trên chiếu này?
Anh vội lấy trong túi xách ra một cái kim khâu da thật dài, anh lấy đà rồi đâm mạnh qua chiếu chiếu, cái kim xuyên qua chiếc chiếu và anh nghe có tiếng kêu thất thanh vang lên trong không khí. Ngôi chùa và bà sư biến mất, người thợ thấy mình đang ngồi trên một bờ ruộng, hai chân để trần và trên tay cầm cây kim. Mặt trời chiếu sáng, bầu trời không một gợn mây. Ngạc nhiên, anh thợ đưa mắt nhìn quanh. Ngay chỗ có ngôi chùa, anh chỉ thấy một vũng máu, từ đó có một vết máu dài. Theo vệt máu lần đi, anh đến trước một cái hang thật sâu. Trước cửa hang, một con chồn hương thật lớn đang nằm chết.
Thì ra ma quỷ đã làm nên những trò ảo ảnh này, – anh thợ tự nhủ. – Những gì người ta nói đâu phải lời đồn! – Chuyện xảy ra đúng lời họ nói đấy chứ, may không thì tí nữa mình đã lâm nguy rồi.
Kể từ hôm đó, các vùng ngoại ô thành phố lại được yên ổn, dân chúng có thể đi làm mà không lo sợ gì. Trước kia họ bị bó buộc phải ở trong nhà bao nhiêu, thì bây giờ họ lại càng hay ra ngoài bấy nhiêu. Cho nên, không có một thành phố nào mà dân cư chỉ quanh quẩn trong nhà ít hơn cư dân trong thành phố của chúng tôi.