Hai ông cháu
Xưa có một ông cụ già nua tuổi tác, mắt mờ, tai nặng, chân tay run lẩy bẩy. Khi ngồi ăn, cụ cầm thìa không vững, đánh đổ xúp ra khăn bàn; xúp rơi ra cả ngoài miệng. Con trai và con dâu thấy thế lấy làm tởm, tống cụ ra ngồi một xó sau lò sưởi và lấy thức ăn vào bát sành cho cụ ăn. Mà nào có cho cụ ăn no!
Mỗi khi cụ liếc mắt về phía bàn ăn, cụ lại rầu rầu nét mặt, rơm rớm nước mắt.
Một hôm cụ run tay, đánh rơi cái bát xuống đất, bát vỡ tan. Cô nàng dâu mắng nhiếc cụ, nhưng cụ chỉ nín lặng, thở dài. Chị ta mua cho cụ cái bát khác bằng gỗ chỉ đáng vài xu. Từ đó, cụ phải ăn bằng chiếc bát ấy.
Cách đó ít lâu hai vợ chồng thấy đứa con trai lên bốn tuổi ngồi ghép mầy mảnh gỗ ở dưới đất.
Bố hỏi con:
- Con làm gì đấy, con?
Đứa bé đáp:
- Con làm cái bát để cho bố mẹ ăn khi con lớn lên.
Nghe conai vợ chồng lặng lẽ nhìn nhau một lúc, rồi cùng òa lên khóc đưa ông cụ lên ngồi ở bàn. Thế là từ đó, họ lại để cụ ngồi ăn cùng bàn, nhỡ ông cụ có đánh đổ ít xúp ra bàn cũng chẳng nói gì nữa.
Câu chuyện cho ta thấy một điều rõ ràng là: "Nước mắt chảy xuôi". Bố mẹ nào cũng yêu con mình nhất. Nếu con cái đối xử không đúng với bố mẹ già thì khi về già con cái sẽ đối xử lại như thế.