Làm sao để nhận ra được các sao chính xác khi xem bản đồ sao?
Xem mặt tròn của bầu trời là hình chiếu mặt bằng thì bản đồ biểu thị vị trí, độ cao và hình thái của các sao gọi là bản đồ sao. Nó là một trong những công cụ cơ bản của quan trắc thiên văn. Trên bản đồ sao phải có toạ độ, đa số các bản đồ sao đều dùng kinh tuyến và vĩ tuyến để thể hiện vị trí của các sao. Độ sáng của các sao dùng cấp sao biểu thị. Từ xa xưa người ta chia mấy nghìn ngôi sao dùng mắt thường thấy được thành sáu cấp. Cấp sáng nhất là cấp 1, có khoảng 20 sao, tiếp đến là sao cấp 2, tối hơn là cấp 3, cấp 4, cấp 5. Sao cấp 6 dùng mắt thường khó lắm mới thấy được. Cứ kém hơn một cấp thì độ sáng giảm đi khoảng 2,5 lần. Cấp 1 sáng hơn cấp 6 khoảng 100 lần.
Nhận ra các ngôi sao không khó, nhưng một lúc không nên nhận nhiều và nhanh quá. Mỗi lần nên nhận ra một ít, nhưng đã nhận ra thì cố gắng đừng quên để lần sau nhận những ngôi sao khác và phải nói ra được tên của nó. Phương vị trong bản đồ sao quy ước như sau: bắc phía trên, nam phía dưới, đông bên trái, tây bên phải. Nếu xác định sai phương hướng thì khi xem bản đồ khó mà tìm được các sao. Để xác định phương hướng, người xưa đã chia các ngôi sao trên trời thành từng nhóm và dùng những đường tưởng tượng để nối các ngôi sao trong nhóm lại, gọi là chòm sao. Bầu trời được chia tất cả thành 88 chòm sao. Mỗi chòm sao có hình dạng nhất định và đặt cho nó những tên khác nhau. Ví dụ "chòm Đại Hùng", "chòm Tiểu Hùng", "chòm Lạp Hộ", "chòm Mục Phu", "chòm Tiên Vương", "chòm Tiên Nữ" v.v. Nghe những cái tên đẹp đẽ này khiến cho ta nảy sinh sự tưởng tượng phong phú, hy vọng nhờ đó mà nhận ra các chòm sao trong bản đồ sao được nhanh hơn.
Ví dụ vào khoảng nửa đêm tháng 3, nhìn lên bầu trời ta sẽ phát hiện trên đỉnh đầu có bảy ngôi sao sáng, hình dạng giống như một cái muôi lớn, cán hình cong của nó chỉ về hướng Đông nam. Ta gọi đó là sao Bắc đẩu. Căn cứ bản đồ sao sẽ rất dễ tìm ra sao Bắc đẩu trên không. Sao Bắc đẩu là sao chủ yếu trong chòm Đại Hùng. Nhận ra sao Bắc đẩu thì bạn có thể nhận được cả chòm sao. Thuận theo hướng cái chuôi của sao Bắc đẩu về phía Nam, bắt đầu từ sao cuối cùng trên cán sao Bắc đẩu kéo dài một khoảng bằng sao Bắc đẩu ta sẽ được một ngôi sao mầu đỏ da cam rất sáng, đó chính là sao Đại giáp của chòm sao Mục phu. Tiếp tục đi theo hướng này tìm về phía Nam cách sao Đại giáp bằng cự ly sao Bắc đẩu có một ngôi sao sáng mầu xanh, đó là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiên nữ, gọi là sao Giác túc nhất. Cùng một chòm sao, cứ cách nửa tháng sau, nhưng sớm hơn 1 h, bạn sẽ thấy nó nằm đúng vị trí như nửa tháng trước. Ví dụ 1 h sáng ngày 1/3 bạn thấy vị trí chòm sao đó ở đâu thì khoảng 11 h đêm ngày 1/4 bạn sẽ nhìn thấy nó đúng ở đó.
Căn cứ vào bản đồ sao, bạn sẽ lần lượt tìm ra được các ngôi sao sáng, dựa vào hình dạng của các ngôi sao cấu tạo nên, bạn sẽ lần lượt nhận ra các chòm sao, tức là bạn đã đạt được mục đích nhận ra các ngôi sao trên bản đồ sao.