Lấy oán trả ơn

MôRôXuKê (Morosouké) đang trên đường đi đến một vùng xa xôi của nước Nhật. Anh ta còn trẻ, cha mẹ mất hết, tứ cố vô thân, bạn bè cũng không, cho nên không có ai dìu dắt anh ở nơi kinh kỳ, hay giúp anh xây dựng một cơ ngơi để sinh sống. Anh đã học nghề thầy thuốc với các danh y, cho nên tay nghề cũng vững vàng, lại thêm có lòng thương người, nhờ thế mà anh có nhiều khách chỉ trong một thời gian rất ngắn. Thế nhưng, sống trong một thành phố rộng lớn mà đơn thân độc mã thì cũng chẳng làm nên sự nghiệp gì vẻ vang. Sống trong một xã hội xô bồ, giàu và nghèo, kẻ thông thái và người ti tiện, thầy thuốc giỏi và lang băm, thì chỉ những ai có tiền và quyền thế mới ngóc đầu lên được để tìm cho mình một con đường tiến thân. Mà MôRôXuKê thì lại không có tiền mà cũng chẳng có chỗ dựa, cho nên anh phải quyết định đi đến thành phố khác để lập nghiệp, ở nơi chưa có thầy thuốc, vì chỉ có ở đó, anh mới dễ dàng thi thố nghề nghiệp của mình.

Trời đang tiết xuân. Nhưng dòng sông từ núi cao đổ xuống ào ào, cuồn cuộn, gầm thét sủi bọt trắng xóa. Bỗng một cơn bão lớn ập xuống dâng nước cao thành những ngọn sóng khổng lồ như những ngôi nhà, nhấn chìm tất cả những gì trên đường nó chảy qua. Trong giây phút nguy nan, MôRôXuKê bám được vào một cánh cửa gỗ vừa bị cơn bão đánh bật ra khỏi nhà và dòng nước đang cuồn cuộn lôi nó đi. Đeo vào cánh cửa, người thầy thuốc trẻ thả mình trôi theo dòng nước, đưa mắt nhìn những vật trôi quanh mình.

Bỗng anh nghe có tiếng kêu cứu rất khẩn thiết: “Cứu, cứu! Tôi bị chết chìm! Cứu tôi với, tôi sắp bị chết chìm rồi!”. Gần cánh cửa anh níu, có một người đàn ông đang cố hết sức chống chọi với dòng nước xoáy sắp dìm anh ta xuống. Không nghĩ đến chuyện mình có thể bị nước cuốn đi, MôRôXuKê liền nắm lấy người sắp chìm, kéo anh ta đến bên cạnh mình. Người đàn ông vừa được thoát nạn liền cám ơn ân nhân rối rít:

Ôi, ân nhân, tôi biết ơn ông suốt đời, từ rày về sau, tôi sẽ làm tôi tớ cho ông. Xin ông hãy xem tôi như kẻ tôi tớ trung thành của mình. Tôi sẽ theo ông đến bất cứ nơi đâu và sẽ nhớ mãi sự can đảm và lòng nhân lành của ông cho đến chết. Tôi chỉ là một người thợ đóng thùng nghèo khổ, nhưng hai bàn tay tôi từ rày về sau chỉ dùng để làm việc cho ông, chỉ để phục vụ ông thôi.

Miệng luôn luôn cám ơn không ngớt, anh ta ôm cứng tấm cửa, sợ sệt nhìn nước xoáy tròn cuồn cuộn chảy. Người thầy thuốc rất tế nhị, anh làm ngơ trước lời cám ơn không

ngớt của người thợ đóng thùng, anh chỉ để tâm đến việc thay đổi hướng đi của chiếc thuyền tình cờ này. Chiếc thuyền hình như đang trôi trên một cánh rừng, vì lác đác đây đó nhô lên những đọt cây trên mặt nước, và bỗng anh thấy trong dòng nước xoáy, một con cáo đang ra sức vùng vẫy. Người thầy thuốc không một chút ngần ngừ. Ông nghiêng người thật xa hầu như muốn rơi ra khỏi cái bè để với tay đến con cáo.

Người đóng thùng hoảng hốt la lên:

Trời ơi, ông làm cái gì thế? Ông hãy thả con cáo ra đi; cánh cửa sẽ lật nhào và cả hai sẽ chìm xuống nước mất. Hy sinh hai mạng người để cứu một con cáo thì quả là vô nghĩa!

Người thầy thuốc không để ý đến những lời của anh ta, anh cứ kéo con cáo ra khỏi vùng nước xoáy. Thế là cả ba ở trên một cánh cửa thật khó bề chở cho nổi. Nhưng may thay là cánh cửa có vẻ được đóng rất chắc chắn, nếu không thì có lẽ nó không chịu nổi sức nặng của ba mạng và sẽ chìm mất.

Nước tiếp tục dâng cao và chẳng mấy chốc người ta chỉ thấy toàn là nước mênh mông vàng khè. Bỗng, gần bên chiếc bè có những vũng nước xoáy. Một con rắn khổng lồ quay cuồng trong nước và sắp bị nhấn chìm. Lại một lần nữa, người thầy thuốc không đắn đo suy nghĩ anh ta vớt con rắn lên bè, mặc cho người thợ đóng thùng càu nhàu than van, tiên đoán rằng thế nào họ cũng chết cả lũ vì con rắn.

Người thầy thuốc cương quyết đáp:

Nếu chúng ta có chỗ cho ba mạng, thì ta cũng có một chỗ cho con rắn này chứ! Con rắn cũng là một sinh vật, và tôi không thể không giúp nó được.

Nước đã ngập mấp mé cánh cửa, nhưng nó vẫn không chìm và nói gì đi nữa thì con rắn cũng có chỗ trên tấm ván.

Đoàn sinh vật kỳ lạ ngồi chen nhau trên tấm ván cứu hộ, mặc cho dòng nước cuốn đi. Cơn bão từ từ dịu xuống và nước bắt đầu hạ thấp. Cuối cùng, cánh cửa mang người thầy thuốc, người thợ đóng thùng, con cáo và con rắn mắc cạn trên đường băng qua cánh đồng. Họ ngồi đợi một hồi nữa cho nước rút hết mới lên đường đi đến thành phố gần đấy nhất. Con rắn và con cáo đi theo người cứu mạng chúng một đoạn ngắn, rồi chia tay, chúng bày tỏ lòng biết ơn sâu xa:

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên công lao ông đã cứu sống chúng tôi; nếu có dịp, chúng tôi sẽ đền đáp công lao ấy.

Trên đường vào thành phố, người thợ đóng thùng cũng cam đoan với người thầy thuốc là anh ta sẽ theo làm công suốt đời để tỏ lòng biết ơn.

Họ nghỉ qua đêm tại nhà một người giàu có, và được biết quanh vùng này không có một thầy thuốc nào cả.

Vậy thì tôi sẽ ở lại đây, trong thành phố này, tôi sẽ chữa bệnh cho dân chúng – Người thầy thuốc quyết định – Đi đâu cho xa nữa chứ?

Người chủ giàu có đề nghị anh ở lại nhà của ông ta:

Nhà tôi rộng rãi mà lại ít người, còn thừa rất nhiều chỗ. Anh cứ ở đây. Khi nào kiếm đủ tiền, anh hãy trả cho tôi. Còn nếu không muốn nợ nần phiền phức, thì cứ chăm nom sức khỏe cho gia đình tôi để trừ nợ là được.

MôRôXuKê nhận lời đề nghị của chủ nhà. Anh làm bảng hiệu treo lên cho cả thành phố biết bắt đầu từ ngày nào thầy thuốc MôRôXuKê mở phòng mạch tại nhà ông HátSiÊMông (Hatchíemon). Bệnh nhân khắp thành phố đều đổ xô đến khám. MôRôXuKê là người rất dễ mến, anh chịu khó lắng nghe những lời than vãn của mọi người. Ngoài ra, vì anh có tay nghề cao – dù sao đi nữa thì anh cũng xuất thân ở trường của các lương y tài giỏi – Cho nên tiếng tăm của anh không mấy chốc mà vang khắp các vùng quanh đấy, bệnh nhân từ các làng xa xôi đều đến xin khám bệnh.

MôRôXuKê trở nên giàu có, trả tiền cho chủ nhà, xây cất một ngôi nhà thật lớn tại trung tâm thành phố và sống hạnh phúc, chuyên chú hoàn toàn vào nghề nghiệp.

Người thợ đóng thùng cũng đi theo MôRôXuKê vào lập nghiệp trong thành phố. MôRôXuKê không muốn nhận sự đền ơn của anh ta, và nói rằng anh ta không cần phải phục vụ mà hãy làm nghề để sinh sống. Rồi vận may cũng đến với anh ta. Chẳng bao lâu sau, anh ta có xưởng thợ riêng và xây được một ngôi nhà khang trang tân kỳ ở ngoại ô. Nhưng trái ngược với MôRôXuKê, anh ta không thoả mãn cuộc sống. Lòng ganh tỵ cứ luôn dày vò, khiến anh ta không được vui. Thành công của người đã cứu mạng mình không để cho anh ta yên ổn, và gã thường hằn học nói:

Cả hai chúng tôi đến đây không một đồng xu dính túi, thế mà bây giờ quí vị thử nhìn xem, gã thầy thuốc đến đâu rồi. Có lẽ hắn ta có quá nhiều tiền bạc không biết làm gì cho hết. Đó là chưa kể đến ngôi nhà lớn, đẹp, ở ngay giữa trung tâm thành phố đấy.

Lòng ganh ghét lớn dần lên, đến độ nó làm tiêu tan hết lòng biết ơn. Tên thợ đóng

thùng mất ăn mất ngủ, bỏ bê công việc, rồi một hôm, không chịu được nữa, hắn đến tìm quan thị trưởng thành phố.

Hắn nói với thị trưởng:

Thưa quan, xin quan tha lỗi, nếu tôi đã quấy rầy làm phiền ngài; nhưng tôi đến đây để báo cho ngài biết là ngài cần phải lưu tâm đến gã thầy thuốc MôRôXuKê. Hắn ta là người rất nguy hiểm, đã gây hại không những cho bệnh nhân mà cả cho thành phố nữa.

Hắn ta chữa bệnh chỉ nhờ vào phép phù thủy mà thôi, và thưa quan, hắn ta đã dùng tà thuật để chữa bệnh. Không biết ngài có thấy kỳ lạ không về trận lụt lớn vừa qua, một trận lụt đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, thế mà có một cánh cửa của một ngôi đền trôi đến bên hắn ta thật đúng lúc. Rồi tiền bạc hắn ta có nữa, có lẽ cũng đã đến với hắn ta bằng nguồn đen tối, mờ ám. Không có phép phù thủy, thì chắc có lẽ không bao giờ hắn ta lại thu được nhiều tiền bạc nhanh như thế.

Quan nghe thế liền khiếp sợ, vì ngài muốn tránh xa tà thuật và phép phù thủy. Nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho thành phố, thì nhà vua sẽ không trừng trị bất kỳ một ông thầy thuốc nào mà chỉ trừng trị quan cai trị thôi. Cho nên ông ra lệnh cho cảnh sát đến nhà người thầy thuốc, bắt anh bỏ tù. Người thầy thuốc khiếu nại mấy cũng vô ích, không ai nghe anh hết, ngoài ra, người ta cũng không nói là anh bị bắt vì tội gì.

Tin người thầy thuốc danh tiếng đáng yêu bị bắt loan ra rất nhanh, nhưng phải mất đến mấy tuần tin ấy mới đến tai con cáo. Khi hay tin chẳng lành xảy đến cho người cứu sống mình, cáo ta tìm con rắn để hỏi ý kiến.

– Người cứu sống chúng ta đã gặp đại họa, – cáo nói. – Chúng ta phải giúp ông ấy thôi.

Chúng suy nghĩ thật lâu, cuối cùng mới tìm ra được biện pháp. Con rắn lân la đến gần người để nghe ngóng tin tức về MôRôXuKê, và tại sao người ta bỏ tù anh. Khi đã hiểu được nguyên do rồi, chúng mới tìm kế được.

Sự bí mật của con người khó mà giữ kín được, cho nên con rắn biết hết mọi chuyện, rắn biết người thầy thuốc phải ngồi tù là vì bị ghép tội làm phù thủy.

Khi hai con vật biết được tên kẻ đã làm mất danh dự của người thầy thuốc, chúng bèn nói với nhau:

– Lòng biết ơn của hắn mới đẹp làm sao! Nhưng làm sao chúng ta đến gần ông quan

thị trưởng của thành phố được? Hơn nữa ai lại muốn thương lượng với rắn và cáo chứ?

Chúng bàn với nhau thật lâu, đưa ý kiến rồi bác bỏ, mãi chúng mới tìm ra biện pháp.

Buổi tối, rắn đến nhà ông thị trưởng, rồi nằm trốn dưới hành lang bằng gỗ dẫn vào vườn, nơi mà tất cả người trong nhà thường để dép. Rắn đợi ở đấy, nằm cuộn tròn lại từ chiều tối. Cuối cùng, đến giờ quan thị trưởng có thói quen đi dạo trong vườn. Ngài đi ra hành lang, vừa đưa bàn chân chỉ mang một chiếc vớ mỏng để tìm dép thì rắn tiến tới, thốp vào ống chân ông ta rồi bò đi thật nhanh.

Quan thị trưởng hét lên một tiếng, rồi nằm vật xuống nền nhà. Ống chân sưng vù, cả người lên cơn sốt trầm trọng. Nghe tiếng kêu, gia nhân chạy đến. Họ mang ông lên giường, đắp vải ướt lên, nhưng vô ích. Cái chân vẫn cứ sưng phồng lên, quan la hét vì đau đớn suốt ngày đêm.

Trong lúc ấy thì cáo làm gì? Khi hội ý với rắn để tìm cách tiếp xúc được với người, cáo nhớ ra bà cô già của mình có viên ngọc thần. Viên ngọc này cho phép người ta biến hóa thành bất cứ thứ gì mình muốn.

Trong khi rắn bò ra phố cắn ông thị trưởng, thì cáo chạy nhanh về nhà cô. Cáo phải làm thật nhanh để đến thành phố trước khi quan thị trưởng ra lệnh cho mời các danh y và mời các nhà sư thông thái ở các thành phố gần đấy. Nó chạy mất hai ngày đêm. Sáng ngày thứ ba, khi có được viên ngọc rồi, nó đến thành phố. Đến đây, nó biến thành một nhà sư thuyết giáo già, đi du ngoạn trước nhà ông thị trưởng.

Người nhà quan thị trưởng nghe tin có một nhà thuyết giáo đến thành phố, liền vội vã đi mời vị uyên bác vào khám cho bệnh nhân.

Nhà sư thuyết giáo nhìn cái chân sưng húp với vẻ nghiêm nghị rồi nói: hình phạt giáng vào ông, vì ông đã ra một quyết định bất công. Không, không được, tôi chắc không giúp anh được rồi!

Quan thị trưởng hỏi nhà thuyết giáo bây giờ có cách gì để giúp ông ta. Ông ta nói nếu cái chân được chừa lành, ông ta sẽ hủy ngay quyết định bất công đó.

Tôi không biết cách gì hết, nhưng trong nhà lao có một người duy nhất có thể giúp ông được thôi. – Ông ta chỉ nói thế, rồi bỏ đi.

Thế là quan thị trưởng nhớ ra ông ta đã cầm tù thầy thuốc MôRôXuKê. Có lẽ nhà sư

thông thái ám chỉ đến người thầy thuốc này khi nói đến quyết định bất công. Lập tức, ông ta cho cảnh sát đến nhà tù đem người thầy thuốc đến.

MôRôXuKê hoảng sợ khi thình lình thấy cửa ngục mở và cảnh sát ập vào nói với ông:

– Ra mau, đừng chậm trễ!

Trong đầu của MôRôXuKê chỉ có một ý tưởng duy nhất, là họ đến tìm mình để giết.

Tôi vô tội mà! Tôi không làm gì hại đến ai hết! – Người thầy thuốc la lên, nhưng không ai nghe anh ta hết; người ta xô đẩy anh, dẫn anh đến bên quan thị trường.

Đến trước mặt quan, người thầy thuốc tội nghiệp hết sức lo sợ, đầu cúi xuống, van xin:

Thưa quan thị trưởng xin quan rộng lượng xét lại, tôi không biết mình có tội gì hết. Nhưng thay vì nghe lời lên án, anh lại nghe giọng quan thị trưởng cầu khẩn van xin:

MôRôXuKê, tôi đã phạm sai lầm với anh. Xin anh vui lòng giúp cho, tôi không thể nào chịu đựng nổi những cơn đau đớn như thế này nữa.

Người thầy thuốc không để cho quan cầu xin lần hai, anh nhìn cái chân sưng húp, rồi vừa để bàn tay lên gót chân nóng đỏ là vết sưng húp biến mất. Cơn sốt hạ xuống và những cơn đau giảm dần.

Quan thị trưởng hết sức vui mừng; ngài thả người thầy thuốc ra, thưởng cho anh nhiều tiền bạc, và vì đã biết kẻ bày ra tất cả chuyện đau đớn này, ngài ra lệnh bắt tên thợ đóng thùng thay vào chỗ người thầy thuốc trong ngục.

Chuyện ác thường xuất phát từ người ác, – quan phát biểu như thế; và chúng ta còn nói thêm như thế này nữa: – Làm người thì không nên vô ơn bội nghĩa.

Xem thêm