Người con gái Thần Rắn
Về phía Nam suối Ngọc có cái miếu cổ, hư sập rồi không ai chữa lại. Dựa bên miếu có cây đào to lớn, cành lá um tùm. Trong miếu có hang, hang sâu thăm thẳm. Dưới hang có một con rắn to lớn không biết ngần nào. Rắn sống lâu năm, linh thiêng hóa hình người được. Cây đào bên miếu sống cũng lâu và cũng thiêng. Mỗi năm đến cuối mùa đông, bắt đầu mùa xuân, khi hoa đào đua nở, thì trong những cành sây bông hiện ra một giai nhân đẹp tươi như hoa đào; cứ mỗi đêm ca hát trước miếu.
Mãn mùa xuân, lúc hoa tàn, cánh hoa đào rơi trước gió, người ấy biến mất, chờ mùa xuân sang năm lại ra.
Chốn ấy hoang vu, không ai lai vãng. Có người bảo đấy là ổ trăn, vì họ thấy mang máng nhiều sọ người nằm trong bụi rậm. Có hôm mưa giông người ta gặp một con rắn lớn dị thường bò trước miếu, hoặc khoanh tròn dưới gốc đào, lúc tạnh thì biến mất. Từ đấy họ sợ thêm, và lần lần quanh miếu thành một khu rừng nhỏ, không dấu chân người. Bấy giờ cuối mùa đông, cây cỏ đâm chồi, trên nhành đào lấm tấm lộc non. Khi xuân đến, hoa điểm hồng mơn mởn.
Một đêm nồng, giai nhân hiện ra tha thướt. Nàng cất tiếng hát. Rắn thần đang yên giấc thức dậy lắng nghe. Đêm Trong, ngàn sao lóng lánh, từng trận gió thoảng rải hương ngào ngạt. Thần rắn nhìn giai nhân nhởn nhơ bên những cành đào, lòng thần hồi hộp. Rồi uốn thân mình, thần hoá một trang thanh niên tuấn tú. Chàng là một tài tử, tiếng sáo véo von, nhịp nhàng với lời ca thanh tao của giai nhân…
Từ đó hai người quen biết nhau, thân mật nhau rồi trở nên vợ chồng. Mùa xuân năm ấy hoa đào lộng lẫy hơn các hôm khác. Đêm đến, trong không uyển chuyển tiếng yêu đương của chàng và nàng. Những chim én đưa thoi, dệt thời gian lẹ làng và thấm thoắt. Sang hè, cuộc ái ân tạm ngừng. Giai nhân tuy buồn về nỗi tạm biệt chàng, nhưng vui tươi bày tỏ cùng chàng một mầm hy vọng. Rắn thần dẫu bịn rịn khúc chia ly, nhưng khấp khởi mừng thầm vì ái ân đã kết quả. Rồi một tia nắng nồng, một ngày nồng nực làm héo những đáo hoa cuối mùa. Luồng gió nồm thoảng nhẹ, rải trên bờ cỏ úa vàng bao cành hoa đẹp. Giai nhân từ biệt thần rắn và biến theo vẻ đẹp cây đào.
Mùa xuân năm sau, hoa đào nở rất ít nhưng màu sắc đậm đà. Thần rắn trông chờ giai nhân, và, một tối đầu mùa xuân nàng trở về. Sắc nàng kém tươi nhưng thâm thuý. Nàng sinh một gái, xinh đẹp hồng hào. Thần rắn vui mừng khôn xiết, nhưng một cái buồn tự đâu xâm về chiếm lấy tâm linh chàng. Giữa mùa xuân, trong lúc cây cỏ xanh tươi, trăm hoa đến lúc dậy thì dưới ánh vàng ấm áp, giai nhân than thở cùng chàng:
– Thiếp không dè ái ân của đôi ta đến đây kết thúc. Thiếp không còn sống nữa để cùng chàng sum họp và nuôi con, ái tình đã đem cho thiếp tất cả nhan sắc và đẹp đẽ của sự sống. Ăn ở với chàng được một mụn con, đó là kỷ niệm êm đềm trong đời hai ta. Chàng sống lâu vì chàng là sức mạnh. Chàng sẽ ở lại săn sóc con thơ. Thiếp là sự đẹp rất mong manh, ái tình đã làm cho thiếp thêm xuân nhưng cũng làm cho thiếp chóng tàn. Bây giờ thiếp chết, nhưng thiếp còn để dấu vết nhan sắc lại cho con. Chàng nuôi con hết lòng, đó cũng như chàng tỏ tình còn mến thiếp. Nhưng thiếp xin nhờ chàng một điều: lúc con khôn lớn, chàng nên căn dặn nó, đừng lâm vào vòng ái ân mà kiếp sống phải ngắn lại. Nếu nó muốn sống đời đời kiếp kiếp, trẻ mãi, vui tươi mãi, thì phải xa lánh ái tình.
Nói xong, nàng khóc rất lâu, trao con cho thần rồi biến mất. Hôm sau, những hoa đào tàn rụng. Cây đào khô héo lần rồi chết. Thần rắn chắt chiu nuôi con thơ, dấu tích của người yêu quý. Ngày ngày chàng vào rừng xa tìm sữa đem về. Ngày qua, nàng lớn khôn; đúng mười sáu năm thì nàng đẹp đẽ và thông minh hơn loài người. Nhan sắc nàng chính là nhan sắc của mẹ ngày xưa; nhưng trong nhan sắc ấy ẩn vẻ huyền bí của cha. Thông minh của nàng là thông minh của loài Rắn. Đôi mắt của nàng trong như trời quang không mây. Cái nhìn nàng chính cái nhìn thôi miên thu cả tâm hồn người và vật của tổ tiên loài rắn để lại. Miệng nàng cười xinh đẹp như hoa đào. Nàng đi tha thướt, yểu điệu, uyển chuyển. Tất cả tính nết và sắc đẹp của cha mẹ, nàng đều thọ lãnh.
Thần rắn thấy con lớn khôn và xinh đẹp thì lo âu. Ngày ngày dặn con chơi quanh nơi miếu, không được đi xa. Thần lo sợ nàng bị ái tình quyến rũ. Thần chưa dám ngỏ cái sợ ấy cho con biết, cùng nói lại lời trối của giai nhân cho con nghe. Thần cũng không nói câu nào với con mà có lẫn hai tiếng ái tình vào, vì thần biết hai tiếng ấy có sức mạnh vô ngần. Ngày ngày nàng quanh quẩn bên miếu, tâm hồn ngây thơ và chất phác.
Hàng ngày, thần rắn ra sức tìm thức ăn về cho con. Cực nhọc, nhưng thần vẫn sung sướng vì thấy con chóng lớn và khôn ngoan. Nhiều lần suýt chết với thú dữ trong rừng, thần trở về buồn rầu, gương mặt còn in nét sợ. Nhưng khi thấy nàng chạy đến mừng rỡ, nói những lời ngây thơ, thần bỗng quên tất cả ưu tư, trở lại vui vẻ, nô đùa với con.
Một buổi chiều, trời mưa tầm tã, thần quảy thức ăn về xong, hồi tưởng đến ngày xưa… Thuở ấy, thần hống hách oai linh, không ai dám phạm đến tên tuổi. Thú dữ, người vật thảy đều xa lánh. Thần rất khoẻ mạnh, không biết mệt nhọc là gì. Nhưng từ lúc yêu cho đến bấy giờ, linh tính phai dần, để san sẻ cho con. Ngày trước, thần muốn đi đâu, chỉ uốn mình hoá gió bay đi. Bây giờ phép ấy không linh nghiệm. Thần đã mất thiêng. Nhưng mất phép màu nào, thì con thần được thêm một đức tính. Cảm nhận bấy nhiêu, thần tự an ủi: Dẫu sao, ta sẽ còn sống mãi mãi, bởi đứa con ta?
Cứ như thế mà ngày tháng trôi đi. Rồi một hôm, thần mệt nhọc, biết mình sắp chết. Thần gọi con lại bên mình trối rằng:
– Con chắc không biết ta là ai và mẹ con ở đâu. Ta xưa là rắn, rất công phu luyện tính mình. Trải mấy trăm năm lao khổ, tính mới được linh và hoá được làm người. Ta phải trau dồi trong mấy trăm năm lòng ta trong sạch, trí ta sáng suốt để hơn cả mọi người và thành thần. Ta ước ao sống đời đời kiếp kiếp dung dưỡng tính tình, nhưng vì ta yêu mà sự sống phải bớt lại để trao sự sống cho con.
Mẹ con trước kia là cây đào, cùng trải mấy trăm năm chất chứa tinh hoa, gộp cả nhan sắc từ đời nào mới hoá hình người được. Rồi cũng vì yêu, mà đem cả vẻ đẹp san lại cho con để phải bỏ mình. Chúng ta đều vì yêu mà chết, vì con mà hy sinh tất cả thông minh, tất cả vẻ đẹp của chúng ta. Ngày ấy, lúc mẹ con sắp mất, có lời trối này mà cũng là lời trối của ta. Con là kết quả ái tình của một thần linh và một nhan sắc tuyệt trần. Con là một giai nhân của những giai nhân trong đời, một thần linh trong những thần linh. Đời con sẽ là đời của mẹ con và của ta hợp lại. Nhưng nếu con muốn giữ vẹn toàn đức tính, con phải xa lánh tình yêu đi; gương mẹ con ngày trước và của ta bây giờ đủ cho con thấy xa…?
Nói xong, thần rắn thấy lòng bứt rứt, giãy giụa. Một lát sau lăn lộn dữ dội, biến hình rắn hổ mang mà chết… Nàng thương tiếc khôn xiết, đem thây cha chôn cạnh gốc đào. Từ ấy nàng ghê tởm ái tình. Nàng không biết là gì, nhưng cũng nguyện trước mồ cha mẹ, hễ gặp ái tình chốn nào sẽ tiêu diệt đi. Nhan sắc và thông minh của nàng quyến rũ các loài vật. Những con ong về đóng ổ nhả mật cho nàng, những chim trĩ, gà rừng đẻ trứng và để nàng bắt làm thịt. Sự sinh sống như vậy mà dễ dàng, sung sướng. Ở mãi một nơi, nàng thấy bực dọc muốn đi xa, tìm cảnh mới, muôn dịp tìm ái tình để trả thù cho cha mẹ, nàng hoá một bà cụ già, đầu tóc bạc phơ xuống kinh đô, hỏi thăm ái tình ở đâu. Những người nghe hỏi đều mỉm cười chế nhạo. Họ bảo nhau:
– Đã già từng ấy tuổi mà còn đi tìm thú nguyệt hoa.
Nàng thấy họ chế nhạo mình, tưởng rằng ái tình không có đây, và mình tìm một việc không có cho nên họ cười. Nàng đi nơi khác, thay hình một trang thanh niên tuấn tú. Gặp đoàn thiếu nữ đang chuyện trò với nhau, vui cười thích chí, nàng đến gần hỏi có biết ái tình không. Bọn ấy cả thẹn, đôi má mỗi người đều ửng hồng, họ nhìn nhau e lệ, rồi tản lạc bỏ nàng đứng đấy. Hoài công tìm kiếm, nàng trở lại chốn cũ, và nản chí tưởng không cách gì gặp được ái tình.
Một buổi chiều, nàng ra bờ suối ngọc, ánh chiều rọi trên dòng, gió mát từng chặp thoảng qua, nàng nghe lòng lâng lâng bát ngát. Một đôi chim song song, bay về phương xa, tận chân trời, rồi khuất trong làn sương; nàng cảm thấy buồn vơ vẩn, một thứ buồn nhẹ nhàng và vô cớ, nương theo gió theo mây, để tràn thấm vào tâm tư nàng.
Từ đấy không đi đâu nữa, chiều đến, nàng chỉ ra nhìn làn nước suối để lắng nghe cái cảm giác ấy, như ru như cám dỗ. Nàng không biết cảm giác ấy là gì, nàng thấy ngày một lẻ loi, và lòng mang mang khát khao thèm thuồng. Đôi khi nàng hổ thẹn với nàng, nhưng có lúc, dường táo bạo hơn nữa, nàng trông chờ…, nhưng nàng cũng không rõ mình trông chờ sự gì nữa.
Bỗng một buổi chiều gần tàn. Vòm trời phương Tây trong như nước biếc, tha thướt một vài áng mây hồng. Mặt trời đã khuất lâu rồi, nhưng chót vót mấy ngọn thông cao, còn nhuộm một ít điểm vàng của ngày sắp tắt. Gió thổi, cành lá đong đưa. Nàng nhìn màu chiều biến đổi trên dòng như mọi ngày. Bỗng nàng e thẹn tránh núp vào một khóm lau để xem. Một thanh niên dắt một bầy trâu xuống bờ bên kia uống nước. Thanh niên an nhiên cởi trần, tắm vào dòng mát.
Chàng lội bơi nô đùa, tưởng chốn ấy vắng vẻ, không còn giữ gìn lo sợ điều gì. Nàng nghe má nóng bừng, muốn quay đi. Nhưng chàng trai có một hấp lực gì, khiến nàng đứng yên một chỗ để trộm nhìn chàng. Tắm xong, chàng dắt trâu đi. Cảnh đẹp, chàng ngồi trên lưng trâu lấy tiêu ra thổi. Tiếng tiêu uyển chuyển trong không khí tịch mịch. Nàng nhìn chàng đến lúc khuất đằng sau những nẻo quanh, nhưng thanh âm vẫn trầm bổng du dương trong không khí, lòng đê mê phập phồng, nàng khóc lúc nào cũng không hay.
Từ đó, như hẹn với dòng nước, cứ chiều đến, chàng trai ấy trở lại suối tắm mát. Khi trời còn sớm, chàng ngồi trên bờ xanh lấy tiêu ra thổi. Ở bên này, nàng vẫn lắng nghe cái âm thanh kỳ diệu ấy như cám dỗ nàng, và gợi cho nàng một cảm giác say mê. Thế rồi một hôm nàng gặp chàng trai, vì nàng cảm thấy tiếng tiêu của chàng mỗi ngày thêm thiết tha, quyến luyến. Nàng không cần giấu thân thể nàng được nữa. Hai người yêu nhau, nhưng nàng vẫn ngây thơ, không biết mình đang yêu, chỉ cảm nhận mơ hồ đang chiều theo một sự kích thích nào của cơ thể. Nàng rất ưa cái sức khoẻ cuồng bạo của Chàng, cái luồng điện ngây ngất của chàng truyền sang người nàng. Những đêm trăng sáng, trong như ngọc, chàng lại với nàng, thổi tiêu cho nàng nghe, rồi cả hai mê nhau đắm đuối. Một đêm như thế, nàng nằm trong lòng thanh niên, nhìn chàng và hỏi:
– Sao chàng mạnh khoẻ vậy?
Chàng thanh niên cười đùa mà đáp:
– Ta mạnh khoẻ vì muốn sống lâu dài.
Rồi chàng khẽ nâng mặt nàng lên, nhìn đôi mắt trong. Nàng lim dim đê mê chờ đợi… Lúc tỉnh, chàng còn thiêm thiếp ngủ, nàng mệt nhọc thấy mình oán hận sự gì. Nhìn lại chàng, nàng đột nhiên nhớ lời của chàng đã thốt trong cơn âu yếm, và liên tưởng đến lời trối của cha; chàng muốn sống lâu dài, cha mẹ nàng cũng muốn sống lâu dài. Nàng nghe mình yếu ớt vì mệt mỏi; cái yếu ớt do sức mạnh của chàng gây ra. Nàng bỗng sợ hãi cái sức cuồng bạo ấy đã làm giảm sức nàng. Nàng nghĩ đến cái họa ái tình, và cho cái sức mạnh của chàng là ái tình đáng ghê kia vậy.
Một áng mây qua, làm mờ ánh sáng trăng. Bóng tối trùm lên gương mặt thanh niên. Một hình ảnh tiều tuỵ hiện ra trước mắt, nàng sực nhớ đến cái chết của cha. Nàng ngồi phắt dậy, lần tay vào mái tóc lấy một mũi kim dài và sắc của cha nàng để lại, chích sâu vào ngực của chàng. Chàng thanh niên rú lên: – Nàng làm gì thế?
– Thiếp giết ái tình.
Mũi kim truyền nọc độc của loài rắn vào mạch máu. Mắt thanh niên hoa lên, cả người chàng mềm nhũn. Rất khẽ, chàng bảo nàng trong một hơi thở: – Không, nàng giết ta chớ không giết được ái tình.
Lòng nàng không yên. Chiều chiều nàng vẫn ra bờ suối trông chàng, vì nàng không tin chàng đã chết. Nàng chỉ giết ái tình. Trong gió chiều, nàng còn vẳng nghe tiếng sáo của chàng. Lắm lúc ở bên này nhìn sang bờ bên kia, nàng mơ thấy chàng cởi áo, rồi nhảy vào dòng suối. Làn nước nổi sóng và bọt trắng tung toé trên dòng. Nhưng, đó chỉ là bông lau bị gió hốt rải trên mặt nước.
Nàng trở lại chốn đêm xưa, một mùi hôi tanh xông lên. Thây chàng thanh niên túa ra những đường nước vàng mà từng đám ruồi đáp xuống. Đôi mắt chàng chỉ là hai hố sâu, lúc nhúc những ký sinh trùng. Nàng quay đi, ghê tởm cái chết của ái tình. Nhưng còn chàng thanh niên xinh đẹp kia, chàng không thể chết, vì chàng không phải ái tình. Trong gió chiều, nàng còn vẳng nghe tiếng sáo của chàng. Chàng trai ấy không bao giờ trở lại, và nàng cũng không thôi trông mong. Một hôm, ngồi nhìn dòng nước, hồi tưởng chuyện đêm xưa, nàng bỗng nghe ngóng. Một tiếng người êm ả rót vào tai nàng: – Không, nàng giết ta chớ không giết được ái tình.
Nàng run lên sợ hãi. Một luồng gió nhẹ lướt qua, khóm lau nghiêng đầu về một phía. Nàng bịt tai chạy trốn để không nghe lời kỳ dị ấy. Nàng hãi hùng, tưởng tượng ái tình còn đeo đuổi, hãm hại nàng. Nàng bỏ chốn cũ, lìa mồ mả đi lang thang. Nàng tìm nơi nào có thể không còn nghe tiếng kêu gọi tha thiết ấy. Nàng tìm khắp nơi, và lúc đi tìm, nàng nhận thấy người nàng đổi khác. Dạ dưới của nàng mỗi ngày một lớn thêm. Có người bảo nàng có thai, nàng lắc đầu không hiểu, và không biết họ bảo gì. Nàng cảm nhận mỗi ngày, đức tính của cha mẹ để lại kém sút lần, và không rõ những đức tính ấy san sẻ về đâu. Nàng bớt nhanh nhẹn, bớt vui tươi như ngày còn nhỏ, sức mạnh kém thuở nàng gặp chàng thanh niên.
Một hôm, uống nước trên sông, nước trong in bóng nàng. Nàng bỗng rú lên ngạc nhiên. Nàng không còn vẻ đẹp lộng lẫy ngày trước. Dòng nước lặng lẽ bảo nàng: đôi má hóp, đôi mắt lờ đờ, đôi môi lợt lạt. Nàng ôm mặt khóc rưng rức như trẻ con.
… Mấy tháng sau, một hôm nhớ cha mẹ, nàng trở về thăm mả cũ. Cảnh điêu tàn. Nàng bùi ngùi nhớ lời dặn của cha mẹ ngày xưa. Nàng lưỡng lự không biết có theo lời dạy của cha mẹ nàng không; sau rồi nàng quả quyết rằng có, và không bao giờ nàng bị ái tình quyến rũ. Hơn nữa, nàng đã giết ái tình và rửa thù cho cha mẹ.
Đêm ấy, nàng thấy trong người đau tức, không sao chịu nổi. Nàng rên xiết lăn lộn. Đến khuya, trăng mờ, hệt như đêm xưa, nàng khát nước, ôm bụng lần ra bờ suối. Uống xong, mệt lả người, nàng gục xuống bờ cỏ, rồi ngất đi. Sáng hôm sau, một lữ khách qua đấy nghe tiếng trẻ khóc, bèn vạch lau đi tìm. Trên nỗng cỏ, một đứa bé hồng hào vừa lọt lòng, nằm khóc vì khát sữa. Cạnh đứa nhỏ, một con rắn – lưng điểm những chấm hồng xa trông như lấm tấm Hoa đào – nằm khoanh thiêm thiếp. Nơi bụng con rắn, đứt một lằn dài. Lữ khách sợ hãi, cầm đòn đập chết con vật, rồi vội vã bồng đứa bé đi.