Ông vua và anh thợ giày

Ngày xưa, tại kinh đô [1] một nước nọ, có một người thợ đóng giày rất nghèo. Anh khâu vá giày suốt ngày mà chỉ đủ ăn.

Một hôm, nhà vua muốn biết trong kinh đô mọi người sống ra sao. Tối hôm đó, vua bèn đóng giả một người dân thường và đi ra phố. Nhà nào cũng ngủ cả, chỉ có gia đình anh thợ giày còn thức. Vua liền vào.

Anh thợ giày không biết là ai nhưng vẫn niềm nở mời khách ngồi vào bàn cùng ăn cơm. Vua hỏi:

– Tôi muốn biết anh làm nghề gì?

– Thưa bác, tôi là một người thợ giày tầm thương, cả ngày làm lụng vất vả, được bao nhiêu tiền là mua gạo nuôi cả nhà. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.

– A! Thế nếu người ta đóng cửa hàng của anh thì anh làm thế nào?

Anh thợ giày trả lời:

– Ai có quyền đóng của hàng của tôi, chỉ trừ nhà vua. Nhưng tôi chắc nhà vua không điên rồ như vậy.

Nhà vua ra về. Sáng hôm sau chợt có lệnh ban ra: “Bất cứ cửa hàng nào cũng phải đóng cửa trong ngày hôm nay”.

Các của hàng đều phải đóng cửa. Đến tối, nhà vua lại đóng giả dân thường, đến thăm anh thợ giày xem anh ta làm gì. Nhưng anh thợ giày vẫn vui vẻ như hôm qua.

Thấy có khách đến, anh reo lên:

– A! Bác vẫn mạnh khỏe đấy chứ? Mời bác vào đây.

Vua ngồi xuống bên bàn và hỏi:

– Sao hôm nay anh cũng kiếm được đủ ăn cả ngày thế?

Anh thợ giày nói:

– Nhà vua thật đáng ghét. Nhưng tôi ra phố gánh nước thuê, nên vẫn kiếm ăn được. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.

Nhà vua về và sáng hôm sau cho gọi anh thợ giày vào cung [2]. Vì vua mặc áo mũ dát vàng ngọc [3] lấp lánh nên anh thợ giày không nhận ra người khách hôm qua.

Vua trao cho anh thợ giày một thanh kiếm và bắt đứng gác ở cổng thành. Đến gần tối, vua cho anh về và bắt sáng mai lại phải đến gác.

Về nhà, anh thợ giày lo vợ con đói, liền tháo lưỡi kiếm của vua đem bán để lấy tiền đong gạo. Anh đẽo một lưỡi kiếm gỗ tra vào cán và vẫn để vào bao để treo như cũ.

Tối hôm đó, vua lại cải trang [4] ra thăm anh thợ giày.

Anh thợ giày nói với khách:

– Hôm nay, ông vua ngốc bắt tôi đi gác. Tôi lo không kiếm ra tiền thì cả nhà đói. Sau tôi nghĩ: “Không đời nào nhà vua lại sai tôi dùng kiếm để chém ai cả, nên tôi đã bán đi và đẽo một thanh kiếm gỗ thay vào. Nhà vua ngu ngốc biết sao được trong bao kiếm có cái gì”.

Sáng hôm sau, anh thợ giày vẫn phải gác ở cổng thành. Nhà vua gọi một người hầu ra và quát mắng. Sau vua truyền lệnh đem chém người hầu đó. Vua gọi anh thợ giày vào và bắt anh chém đầu người hầu.

Anh thở giày thở dài, rồi nói:

– Tâu bệ hạ [5], tên hầy này là người ngay thật. Xin bệ hạ tha cho hắn.

Vua quát:

– Không phải thương cho hắn. Ngươi hãy chém đầu hắn ngay trước mặt ta.

Anh thợ giày nói:

– Nếu người hầu đây không phạm tội gì thì xin lưỡi kiếm này sẽ biến thành lưỡi gỗ.

Anh rút kiếm ra và lưỡi kiếm sắt biến thành lưỡi kiếm gỗ thật.

Nhà vua đành chịu thua anh thợ giày. Vua truyền tha cho người hầu và cho anh thợ giày về nhà làm ăn như cũ.

 

Chú giải

[1] Kinh đô: thành phố trung tâm, nơi vua chúa ở trong thời phong kiến.
[2] Cung: chỗ vua ở.
[3] Dát vàng dát ngọc: (áo mũ) đính vàng, đính ngọc vào cho sang trọng, đẹp đẽ.
[4] Cải trang: ăn mặc khác đi để mọi người không biết về mình.
[5] Bệ hạ: từ chỉ nhà vua khi các quan xưng hô với vua.

Xem thêm