Vì sao có bệnh "cận thị giả"?
Con mắt bình thường khi nhìn xa không cần điều tiết, khi nhìn gần mới cần điều tiết.
Mắt cận thị có thể chia thành hai loại:
- Cận thị thật, còn gọi là cận thị trục: Xảy ra do độ dài phía trước và phía sau của nhãn cầu (còn gọi
là đường kính trước, sau) vượt quá độ dài bình thường 24 mm.
- Cận thị giả, còn gọi là cận thị có tính công năng: Xảy ra do thói quen sử dụng mắt không đúng quy tắc. Ví dụ đọc sách lâu, đọc hay viết dưới ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu, cự li sách và mắt quá gần, vừa đi đường vừa đọc sách, đọc khi đi tàu xe, tư thế ngồi đọc và viết không đúng... khiến cho cơ mắt ở trạng thái điều tiết quá căng thẳng.
Thủy tinh thể trong mắt giống như một thấu kính lồi, ta thường bắt nó lồi về phía trước tối đa để thích ứng với nhu cầu. Cơ mắt giống như dây chằng, nếu thường xuyên ở trạng thái kéo căng, nó sẽ dần mất đi tác dụng đàn hồi. Cơ mắt vì phải điều tiết căng thẳng nên sinh ra mệt mỏi, thậm chí co giật, dẫn đến giảm thị lực, sinh ra cận thị.
Để tránh bệnh "cận thị giả", cần kịp thời uốn nắn thói quen dùng mắt không hợp lý, nhờ bác sỹ nhãn khoa chỉ ra những phương pháp điều trị thích hợp để xóa bỏ tình trạng căng thẳng của cơ mắt, khiến cho thị lực được cải thiện và trở lại bình thường. Sự xử lý này cần được tiến hành kịp thời. Nếu để lâu, phần trong của mắt và nhãn cầu sẽ biến đổi, biến thành "cận thị thật".