Vì sao hình thành sông băng và núi băng?
Trên Trái Đất ở một số vùng núi và hai cực quanh năm đều khoác áo trắng. Ở vùng núi, vì địa thế cao, không khí loãng, nên nhiệt độ thấp, còn ở hai cực vì nhiệt lượng ánh nắng Mặt Trời ở đó rất ít cho nên khí hậu quanh năm giá lạnh. Bốn mùa đều đóng băng. Tổng cộng diện tích quanh năm bị băng bao phủ là 16 triệu km2, trên 90% là ở hai vùng cực. Những băng tuyết này tồn tại dưới dạng sông băng.
Vì sao lại gọi là sông băng? Đó là vì mặc dù băng rất rắn, nhưng dưới tác dụng của trọng lực, nó vẫn chảy chậm chạp từ cao xuống thấp. Tốc độ chảy của sông băng nói chung một ngày đêm là 1 m, có những sông băng cá biệt ngày đêm có thể chảy hơn 20 m. Chúng đều có quy luật chung là băng càng dày, độ dốc càng lớn, nhiệt độ càng cao thì tốc độ chảy càng nhanh. Băng cấu tạo thành sông băng khác với băng thông thường, nó không phải được đông kết từ băng đơn giản mà là từ tuyết. Khi ánh nắng chiếu xuống giữa các lớp tuyết, chúng tan ra một ít, sau đó đông kết lại, đầu tiên kết thành tuyết ở dạng hạt, tiến thêm một bước mới kết thành băng. Loại băng này hơi nhẹ hơn băng bình thường, gọi là băng của sông băng.
Sông băng ở trên các đỉnh núi gọi là sông băng ở núi cao, còn sông băng ở hai vùng cực gọi là sông băng đại lục. Hầu như toàn bộ đại lục ở Nam Cực đều chìm ngập dưới lớp băng dày trên nghìn mét.
Diện tích sông băng ở Nam Cực chiếm trên 85% toàn bộ diện tích sông băng. Theo tính toán tổng thể tích sông băng có khoảng 28 triệu km3. Đặc điểm của loại sông băng này là độ dốc không lớn, nó chỉ có độ nghiêng ở mép ngoài và hình thành những lưỡi băng kéo dài ra biển. Ở các dốc bờ biển, băng thường phát sinh nứt gãy, đồng thời phần băng chìm xuống biển được nước biển nâng lên, làm cho lưỡi băng bị gãy chất thành núi băng. Có lúc núi băng nổi trên biển gặp phải những lưỡi băng, hai bên đều bị gãy, hình thành núi băng mới. Hình dạng của núi băng chủ yếu là hình mặt bàn hoặc hình góc nhọn, những khối băng lớn có thể giữ lâu từ 2 - 10 năm nổi trên mặt biển hàng trăm mét. Bộ phận nổi trên mặt biển này chỉ chiếm khoảng 1/7 thể tích toàn khối băng. Những người đi biển ở các cực, khi húc phải núi băng thường xảy ra nguy hiểm, có lúc tàu bị đánh đắm. Con tàu Titanic nổi tiếng chính là húc vào núi băng mà bị đắm.