Vì sao kem chống nắng lại chống được nắng?
Mọi người đều biết cánh tay trần phơi dưới ánh nắng Mặt Trời sẽ bị nóng và đỏ lên. Nếu thời gian phơi nắng kéo dài sẽ bị rộp da, rất đau rát. Các ngư dân, các thuyền viên trên biển thường có nước da đen bóng, người ta thường gọi là da rám nắng, da sẽ trở nên đen, thô hơn, da bị lão hoá sớm hơn lứa tuổi. Đó là do các tia tử ngoại trong ánh nắng Mặt Trời gây nên.
Tia tử ngoại tuy có khả năng sát trùng, nhưng cũng có tác hại đối với tế bào sừng trên bề mặt da, nhẹ thì làm xuất hiện các vết mẩn đỏ, bỏng rát, nặng thì xuất hiện các rộp nước, thậm chí tạo thành vết màu nâu, vết tàn hương ác tính, gây ung thư da… Kem chống nắng có thể giúp người ta đỡ bị hại da dưới ánh nắng Mặt Trời, đặc biệt rất có ích cho những ai làm việc dài ngày dưới ánh nắng Mặt Trời.
Trong kem chống nắng thường có một phần dầu, một phần nước, còn có chất chống nắng. Chất chống nắng là chất có khả năng hấp thụ hoặc phản xạ tia tử ngoại. Loại chất chống nắng được sử dụng sớm nhất là các loại bột mịn, các chất rắn như kẽm oxit, titan đioxit, bột hoạt thạch (bột tan) bột cao lanh… Chúng đều có khả năng phản xạ tia tử ngoại nên có tác dụng chống nắng. Về sau người ta còn dùng các chất chống nắng có khả năng hấp thụ tia tử ngoại. Đa số các chất chống nắng loại này là những hợp chất hữu cơ có khả năng hấp thụ mạnh các tia tử ngoại. Ví dụ hợp chất este amino benzoat butyl. Hợp chất này có thể hấp thụ đến 100% tia tử ngoại chiếu lên da. Đây là hợp chất chống nắng lý tưởng.
Điều hết sức kỳ diệu là người ta tìm thấy một số loại cành cây, lá cây, trái cây, khi đem ngâm chiết bằng nước, ta có thể thu được dịch chiết có khả năng hấp thụ mạnh tia tử ngoại. Ví dụ có thể dùng dịch chiết từ dưa leo, thân cây lau, chế tạo kem chống nắng, nước chống nắng có hiệu quả tốt. Những người làm việc dài ngày ở ngoài trời cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da.