Bạn đã xem qua bộ phim "Gió mưa Giáp Ngọ"? Hoặc đã đọc qua các sách "Sự biến Mậu Tuất" và "Cách mạng Tân Hợi" chưa?
Giáp Ngọ, Mậu Tuất, Tân Hợi đều là tên gọi của năm. Phương pháp ghi năm như thế gọi là ghi năm theo can, chi.
Vì sao lại gọi là ghi năm theo can, chi? Muốn hiểu vấn đề này trước hết ta phải bàn về phương pháp ghi năm hiện nay.
Ngày nay ta đang dùng cách ghi năm theo Công nguyên. Hiện nay trên thế giới nói chung dùng phương pháp ghi năm này, nó lấy ngày ra đời của chúa Giesu để tính. Trung Quốc thời cổ đại có hai phương pháp ghi năm. Một phương pháp là ghi năm theo năm niên hiệu của Vương triều phong kiến. Ví dụ niên hiệu Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) gọi là Trinh Quan. Ông làm Hoàng đế năm 627. Năm đó gọi là Trinh Quan nguyên niên. Huyền Trang năm 629 đi Tây Tạng lấy kinh, năm đó là năm Trinh Quan thứ 3. Lại ví dụ Hoàng đế Tư Tông (Chu Do Kiểm) là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Minh có niên hiệu là Sùng Trinh. Năm Sùng Trinh mất là năm Sùng Trinh thứ 16. Cách ghi năm như thế đòi hòi phải rất quen thuộc các triều đại và niên hiệu của các Vương Triều phong kiến, nên tính toán rất phiền phức. Hơn nữa gặp phải phương pháp ghi năm không thống nhất, ví dụ thời Tam quốc ba nước Nguỵ, Thục, Ngô mỗi nước đều có niên hiệu riêng, vậy phải theo cách ghi năm của nước nào? Do đó phương pháp ghi năm này rất không tiện lợi.
Trung Quốc cổ đại còn có một cách ghi năm khác tương đối khoa học, gọi là ghi năm theo "can, chi". Can, chi là tên gọi chung của Thiên Can và Địa Chi. Giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý, 10 chữ này gọi là Thiên Can; tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi, 12 chữ này gọi là Địa Chi. 10 Thiên Can và 12 Địa Chi lần lượt phối với nhau, như Giáp Tý, ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, v.v. hợp thành 60 tổ, tuần hoàn sử dụng, gọi là "Lục thập hoa giáp tý". Phương pháp ghi năm như thế, cứ mỗi 60 năm tuần hoàn một lần để phối với niên hiệu của các Vương triều, cách nhau 60 năm sẽ rất rõ ràng và dễ tính toán. Ví dụ phong trào Duy Tân năm 1898 được gọi là Sự biến Mậu Tuất; năm 1911 Tôn Trung Sơn lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ gọi là Cách mạng Tân Hợi; năm 1894 thuỷ sư bắc dương mở trận hải chiến với quân xâm lược Nhật gọi là Hải chiến Giáp Ngọ.
Năm 1961 là năm Tân Sửu, năm 1971 là năm Tân Hợi, năm 1981 là năm Tân Dậu, v.v, cứ sắp xếp như thế ta biết được: nếu thiên can của năm trước giống thiên can năm sau thì đó là cách nhau 10 năm, còn địa chi năm sau và năm trước giống nhau, ví dụ Giáp tý và Bính tý là cách nhau 12 năm. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60 cho nên hai chữ Thiên can và Địa chi của các năm hoàn toàn giống nhau thì nhất định là chênh nhau 60 năm. Cách ghi năm này tuy chưa hoàn toàn thuận lợi như phương pháp ghi năm theo Công nguyên, nhưng vì trong lịch sử Trung Quốc dùng rất nhiều cho nên ta cần tìm hiểu.
Về cầm tinh chúng ta quen gọi, đó là lấy địa chi để tính. Mỗi quan hệ tương ứng của nó là: tý-chuột, hợi - lợn, tuất - chó, dậu - gà, thân - khỉ, mùi - dê, ngọ - ngựa, tỵ - rắn, thìn - rồng, mão -mèo, dần - hổ, sửu - trâu. Cho nên thói quen trong cuộc sống trên thực tế cũng lấy cách ghi năm theo can chi để dùng.