Bài học thức tỉnh con người từ một con bò

“Có những thứ từng là ‘chân lý’ của bạn, nhưng nó chưa bao giờ đúng. Chỉ đơn giản là nó được bạn rút tỉa từ những kinh nghiệm thiếu cơ sở… mà bạn không nhận ra”.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông thầy giáo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm. Ông muốn truyền cho một trong số các học trò của mình các bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc và thịnh vượng. Vốn biết những khó khăn và rào cản quá nặng nề mà nhiều người gặp phải trên con đường mưu cầu hạnh phúc, ông nghĩ rằng bài học đầu tiên là nên giải thích cho mọi ngưòi hiểu vì sao nhiều người chỉ sống cuộc đời bình bình và tầm thường.

Xét cho cùng, ông giáo nghĩ, có quá nhiều người, cả nam lẫn nữ dường như không thể vượt qua các trở ngại ngăn cản họ thành công và đành bằng lòng sống một cuộc đời thiếu hụt và khốn khó. Ông giáo biết rằng để một người trẻ tuổi lãnh hội được bài học rất quan trọng này, người đó nên tận mắt chứng kiến chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho phép sự tầm thường chi phối cuộc đời mình.

Để dạy được những bài học quan trọng này, ông giáo quyết định cùng vói người học trò của mình lên đường đi đến một ngôi làng nghèo khổ trong vùng. Cảnh khổ đau và hoang tàn bày ra khắp nơi, và cư dân ở đó có vẻ như đã phó thác cuộc đời mình cho số mệnh.

Ngay khi đến nơi, ông giáo yêu cầu ngưòi học trò tìm giúp mình một gia đình nghèo nhất trong khu vực. Đó sẽ là nơi họ tạm trú qua đêm. Đi bộ một lúc thì họ ra đến rìa thị trấn. Và ở đó, giữa mênh mông, hai người dừng chân trước một căn lều nhỏ tồi tàn rệu rã nhất mà họ từng nhìn thấy.

Cái cấu trúc sắp sụp đổ này nằm ở ngoài rìa xa nhất của một nhóm nhỏ vài căn nhà vùng thôn quê. Hiển nhiên là căn lều này thuộc về một gia đình nghèo khó nhất làng. Những bức vách đứng đó như chỉ nhờ vào phép lạ, đe dọa sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào. Nước thấm qua cái mái nhà tạm bợ vốn trông chẳng có sức đâu mà che chắn được thứ gì, và đủ mọi thứ rác rưởi được gom góp lại chất dựa vào các bức vách của ngôi nhà càng làm tăng thêm vẻ rệu rã.

Chủ nhà được một chú nhóc con báo động về sự có mặt của hai vị khách lạ, đã bước ra và chào đón nhiệt tình.

“Xin chào, ông bạn quý!”

Ông giáo đáp lễ: “Không biết ông có vui lòng cho hai kẻ bộ hành mệt lả này tá túc một đêm ở đây không?”

“Ở đây chật chội lắm, nhưng nếu các vị không ngại gì thì chúng tôi xin mời”.

Khi hai thầy trò bước vào trong, họ thật sự sốc khi nhìn thấy một không gian tí tẹo, không rộng hơn mười lăm thước vuông, là nơi ở của tám con người. Bố, mẹ, bốn đứa con và hai ông bà cụ cố gắng hết sức để nhường mỗi người một chút khoảng trống trong tình trạng tù túng chật hẹp này. Những thân hình nhếch nhác và gầy gò một cách đau đớn cùng với quần áo rách rưới là bằng chứng rõ ràng của sự thiếu thốn phô bày cuộc sống hằng ngày của họ. Những gương mặt buồn bã và dáng vẻ lòm khòm cho thấy rõ sự bần cùng không chỉ đã chiếm lĩnh cơ thể họ, mà còn ăn sâu vào tâm hồn họ.

Hai vị khách không cưỡng được cái nhìn xung quanh, trong lòng tự hỏi liệu trong cái nơi khốn cùng này còn có thứ gì đáng giá không. Chả có gì!

Tuy nhiên, khi bước ra ngoài, họ mới nhận ra mình đã lầm. Thật đáng kinh ngạc vì gia đình này còn có một thứ tài sản bất thường – khá đặc biệt trong hoàn cảnh này…một con bò.

Con bò thì chẳng có gì đáng nói, nhưng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của họ có vẻ như chỉ xoay quanh con vật này.

“Cho bò ăn đi”.

“Đừng để nó khát”.

“Buộc nó lại cho chắc”.

“Đừng quên dẫn nó đi ăn”.

“Vắt sữa bò đi!”.

Vậy đó, ta có thể thấy con bò giữ một vai trò quan trọng trong gia đình này, mặc dù chút sữa ít ỏi do nó cung cấp chỉ đủ để họ sống vật vã qua ngày. Tuy nhiên, con bò có vẻ phục vụ một mục đích lớn hơn: Nó là thứ duy nhất giữ cho họ khỏi rơi vào đường cùng.

Ở một nơi mà mọi thứ đều khan hiếm, việc sở hữu một tài sản có giá trị như vậy đã mang lại cho họ sự ngưỡng mộ, nếu không muốn nói là sự ghen tị, từ những người hàng xóm. Và ở nơi đó – trong chỗ bẩn thỉu và nháo nhác đó – hai thầy trò đã đặt lưng xuống nghỉ qua đêm.

Sáng hôm sau, trước khi bình minh kịp ló dạng, hai thầy trò lặng lẽ lên đường một cách thận trọng để không đánh thức những người khác. Người học trò nhìn lại, như muốn một lần nữa ghi nhận vào tâm khảm khung cảnh tồi tàn đó. Từ trong thâm tâm, anh hoàn toàn không hiểu được vì sao thầy lại dẫn mình đến đây.

Tuy nhiên, trước khi ra đến đường cái, ông giáo già thì thầm:

“Đã đến lúc cho con biết cái gì đã đưa chúng ta đến cái nơi tồi tàn này”.

Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi của mình, họ đã chứng kiến một cuộc sống hầu như hoàn toàn bị ruồng bỏ, nhưng người học trò vẫn chưa hiểu được lý do khiến gia đình đó lại sống cực khổ đến vậy. Vì sao họ lại ra nông nỗi này? Điều gì đã buộc họ phải ở lại đây?

Ông giáo đi chầm chậm về phía con bò đang bị buộc vào một cái cột hàng rào lung lay cách căn nhà chưa đầy hai mươi thước. Khi còn cách con bò khoảng một bước chân, ông giáo già rút ra một con dao găm mà ông mang theo bên mình. Người học trò cảm thấy hoang mang. Khi ông giáo giơ tay lên, anh như chết điếng khi nhận ra điều thầy mình sắp làm. Anh ta hầu như không tin vào mắt mình khi ông giáo già đưa lưỡi dao cứa ngọt một đường ngang cổ con bò. Vết cắt chí mạng làm cho con vật ngã quỵ.

“Nhìn xem thầy đã làm gì?”, anh đau đớn hỏi ông giáo bằng một giọng thì thầm vì sợ đánh thức mọi người. “Làm sao thầy lại có thể giết chết con vật tội nghiệp đó chứ? Đây là loại bài học gì mà có thể khiến cho gia đình đó phải lâm vào cảnh suy sụp hoàn toàn? Đây là tất cả những gì họ có. Rồi họ sẽ ra sao?”

Chẳng chút xao động vói thái độ đau khổ của người học trò và làm ngơ trước những thắc mắc của anh ta, ông giáo bỏ đi, để lại cảnh tượng hãi hùng phía sau, bàng quang trước thảm cảnh mà gia đình đó sẽ phải đối mặt khi mà họ đã mất đi con bò. Anh học trò bước theo sau, trong lòng vẫn còn nhiều khúc mắc, và họ tiếp tục lên đường.

Còn cái gia đình đó bị buộc phải đối mặt vói một tình trạng bấp bênh, đầy rẫy những khó khăn và khả năng bần cùng hơn nữa. Trong suốt những ngày sau đó, anh học trò bị ám ảnh không thôi vì ý nghĩ khủng khiếp rằng cả gia đình đó sẽ chết đói hết nếu họ không có con bò. Liệu anh còn có thể rút ra kết luận nào khác từ sự mất mát nguồn sống duy nhất của họ? Trong nhiều tháng sau, anh lúc nào cũng ray rứt với những ý nghĩ này và với cảnh tưọng của buổi sáng đau buồn hôm ấy.

Một năm qua đi và một buổi chiều nọ, ông giáo già gợi ý họ trở lại ngôi làng đó xem thử chuyện gì đã xảy ra với gia đình kia. Chỉ một gợi ý nhỏ về một sự kiện dường như đã đi vào quên lãng nhưng cũng đủ để đánh thức trong lòng người học trò cái ký ức sống động về bài học mà, cho đến tận bây giờ, anh vẫn không thể nào hiểu hết.

Một lần nữa, đầu óc anh học trò lại chìm ngập trong những suy nghĩ về gia đình khốn khổ kia và vai trò mà anh đã tham gia trong phần số của họ. Chuyện gì đã xảy ra với họ? Họ có sống sót qua cái đòn nặng nề đó không? Họ có bắt đầu nổi một cuộc sống mới không? Liệu mình có thể giáp mặt với họ sau những gì mà thầy đã làm?

Mặc cho những ý nghĩ rối beng trong đầu, người học trò bất đắc dĩ nhận lời và miễn cưỡng tham dự chuyến đi có thể làm sáng tỏ sự việc đã khiến anh phải khốn khổ cả năm qua.

Sau nhiều ngày, hai người đến ngôi làng cũ. Họ tìm kiếm căn lều năm trước trong vô vọng. Cảnh vật xung quanh trông vẫn như xưa, nhưng chẳng thấy bóng dáng cái nơi tồi tàn mà họ đã qua đêm ngày ấy đâu cả, thay vào đó là một căn nhà xinh xắn vừa mới được xây dụng trên nền đất cũ. Họ dừng chân và hết nhìn ngược lại nhìn xuôi để biết chắc mình đã đến đúng chỗ.

Người học trò lo ngại rằng cái chết của con bò là một đòn giáng quá mạnh khiến một gia đình trơ trụi như họ không thể nào qua nổi. Có lẽ họ đã bị buộc phải bỏ đi và một gia đình khác khá giả hơn đã may mắn làm chủ mảnh đất và dựng nên ngôi nhà mới này. Còn khả năng nào khác đâu chứ? Chắc hẳn sự xấu hổ đã khiến họ phải tha hương.

Trong lúc những ý nghĩ đó đang lẩn quẩn trong đầu, anh học trò cứ lưỡng lự giữa ý muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình nọ và việc mặc kệ họ để tiếp tục lên đường, né tránh cái việc chẳng thú vị gì là xác minh sự nghi ngờ tồi tệ trong đầu mình, nhưng cuối cùng anh quyết định khám phá – mình cần phải biết, cho nên anh gõ cửa ngôi nhà và đứng đợi.

Trong chốc lát, một người đàn ông vui vẻ từ trong nhà bước ra. Thoạt tiên anh học trò không nhận ra ông ta. Nhưng rồi anh không thể giấu được vẻ thảng thốt khi nhận ra đó chính là người đã cho họ ngủ trọ năm ngoái. Hiển nhiên cùng là một người, nhưng có cái gì đó rất khác lạ ở con người này.

Ông ta mặc quần áo sạch sẽ và chải chuốt gọn gàng. Ông ta có nụ cười trên đôi môi và sự linh lợi trong đôi mắt. Rõ ràng đã xảy ra một điều gì đó có ý nghĩa to lớn trong đời ông ta. Người thanh niên gần như không tin vào mắt mình. Làm sao lại có thể như thế? Liệu chuyện gì có thể xảy ra chỉ trong thời gian một năm? Anh ta bổ nhào lại chào hỏi người đàn ông nọ và ngay lập tức “truy vấn” ông ta về vận may nào đã đến với ông và gia đình.

“Chỉ năm ngoái, khi chúng tôi ghé qua đây…”, anh nói, “… các ông dường như đang sống trong tình trạng bất hạnh và vô vọng. Hãy cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì làm các ông thay đổi nhiều như thế. Điều gì đã khiến các ông gặp may đến vậy?”

Không đếm xỉa gì đến việc chính hai người khách này đã là thủ phạm giết con bò, người đàn ông mời họ vào nhà và bắt đầu kể câu chuyện ly kỳ của gia đình mình.

Câu chuyện sẽ làm thay đổi cuộc đời anh bạn trẻ của chúng ta mãi mãi.

Ông chủ nhà kể rằng thật là một sự trùng hợp kỳ lạ, khi ngay cái ngày mà hai thầy trò rời đi, không biết kẻ bất lương nào do ganh ghét với tài sản hiếm hoi của gia đình ông, đã nhẫn tâm cắt cổ con vật tội nghiệp đó.

“Tôi phải thừa nhận rằng…”, người đàn ông nói, ” … phản ứng đầu tiên của chúng tôi là vô cùng tuyệt vọng và đau khổ. Trong suốt một thời gian dài, sữa của con bò đó là nguồn sống duy nhất của chúng tôi. Hơn nữa, nó còn là tài sản duy nhất mà chúng tôi có; cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào nó. Con bò đó là tâm điểm cho sự tồn tại hằng ngày của chúng tôi, nói thật lòng, việc có được con vật ấy tạo cho chúng tôi một cảm giác an toàn và mang lại cho chúng tôi sự ngưỡng mộ từ hàng xóm…”

“… Không lâu sau cái ngày bi đát ấy, chúng tôi nhận ra rằng nếu không làm một cái gì đó, chúng tôi chỉ có thể rơi vào tình huống tệ hại hơn. Chúng tôi đã xuống tới đáy cuộc đời khi mất đi con vật ấy. Chúng tôi cũng cần phải ăn và nuôi nấng con cái nữa. Và rồi chúng tôi phát hoang một miếng đất phía sau nhà, gieo vài hạt rau củ quả. Đó là cách mà chúng tôi sống qua ngày trong vài tháng đầu”.

“… Một thời gian sau, chúng tôi nhận thấy rằng mảnh vườn đó cung cấp nhiều lương thực hơn mức chúng tôi cần. Nếu có thể bán cho những người xung quanh, chúng tôi có thể mua thêm hạt giống. Thế là, không lâu sau, chúng tôi không những đủ ăn mà còn có thể đem ra chợ bán”.

” … Và rồi điều đó xảy ra!”, người đàn ông hồ hỏi nói, “… Lần đầu tiên trong đời chúng tôi có tiền mua thực phẩm và quần áo. Và chúng tôi nhận thấy niềm hy vọng cho một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ, ngay cả trong mơ, là có thể trở thành hiện thực. Chúng tôi xây căn nhà nhỏ này hồi tháng trưóc. Có vẻ như chuyện mất con bò đã mở mắt cho chúng tôi thấy một cuộc sống khác có triển vọng”.

Anh bạn trẻ lấy làm kinh ngạc khi nghe câu chuyện. Cuối cùng anh cũng nhận ra bài học mà người thầy đáng kính đã muốn dạy cho anh. Đột nhiên mọi thứ trở nên rõ ràng. Cái chết của con bò không hề là dấu chấm hết dành cho họ như anh đã lo sợ, mà đã mở ra một cuộc sống mới với nhiều cơ hội tốt hơn.

Người chủ nhà mời hai thầy trò ở lại qua đêm và họ vui vẻ nhận lời. Sáng hôm sau, họ chào tạm biệt ông chủ và gia đình, tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Ông giáo, vốn lặng thinh từ bấy đến giờ, hỏi anh học trò, vốn vẫn đang còn kinh ngạc với những gì anh ta được nghe kể và chứng kiến:

“Con có nghĩ là gia đình nọ vẫn có thể đạt được những điều mà họ gặt hái trong năm vừa qua nếu như họ vẫn còn con bò đó?”.

“Có lẽ không!”, người học trò trả lời không do dự.

“Vậy bây giờ con hiểu chưa? Con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đòi họ với đói nghèo khổ cực. Họ đã đinh ninh rằng con bò đó giúp họ khỏi bị suy sụp, nhưng phải đợi đến khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới bị buộc phải nhìn sang một hưóng mới”.

“Nói cách khác…”, anh học trò tiếp lời, “… con bò – con vật mà hàng xóm của họ coi như là ơn phước – đã cho họ cái cảm giác mình không phải đang sống trong sự bần cùng, nhưng thực ra cuộc sống của họ rất thảm hại”.

“Đúng là như thế!”, ông giáo già lên tiếng, “… Đó là điều sẽ xảy ra khi con tin rằng cái thứ ít ỏi mình có được là đã đủ lắm rồi. Chỉ một ý nghĩ đó thôi đã là sợi xích nặng nề ngăn không cho con tìm kiếm những thứ khác tốt hơn. Sự thỏa mãn bắt đầu hủy hoại cuộc đời con. Con chấp nhận các hoàn cảnh của mình dù không hài lòng với chúng. Con biết rằng con không vui sướng với vị trí của mình trong cuộc sống, nhưng con cũng không thấy khốn khổ. Con thất vọng với cuộc sống mà mình được hưởng nhưng sự bất mãn không đủ lớn để con tìm cách làm một cái gì đó với nó. Con có thấy điều đó bi đát như thế nào không?”.

“Khi con có một công việc mà con không thích, cái công việc mà thậm chí chẳng đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu và cũng chẳng mang lại cho con bất cứ sự thỏa mãn cá nhân nào hoặc cho con cuộc đời mà con muốn, thì quyết định bỏ đi và tìm công việc khác là điều dễ dàng. Nhưng khi cái công việc mà con không thích đó giúp con trả được nợ, sống sót, và cũng tận hưởng được một vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng, con biện minh rằng khối người muốn cái công việc đó mà có được đâu”.

“Cũng giống như con bò, thái độ đó luôn luôn kiềm hãm con. Nếu không gạt bỏ nó đi, mãi mãi con sẽ không thể thấy được gì khác hơn ngoài những thứ con đã biết lâu nay. Con sẽ trở thành một nạn nhân chung thân của những giới hạn mà con tự đặt ra trong cuộc sống của mình. Điều đó cũng giống như con tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình thắng cuộc”.

Người học trò càng nghe càng kinh ngạc. Anh cảm thấy thích thú với những nhận định của thầy mình và bắt đầu hiểu cặn kẽ những vấn đề đó.

“Chúng ta ai cũng có những con bò trong đời mình. Chúng ta mang trên mình gánh nặng của những niềm tin sai lầm, những lời biện bạch, những nỗi sợ và những định kiến. Bi đát thay, tất cả những hạn chế do ta tự áp đặt cho mình đã trói buộc chúng ta vào một cuộc sống tầm thường”.

“Không chỉ có vậy”, ông giáo già tiếp lời, “nhiều người ngoan cố giữ lại cái lý do họ không thể sống cuộc đời mà họ luôn mơ ước. Họ tạo nên những lời bào chữa hầu như rất đáng tin để biện hộ với chính mình và với ngưòi khác, và tiếp tục sống với những xáo động nội tâm khi họ nhận ra rằng những lý lẽ đó có lẽ đánh lừa được người khác chứ không lừa được bản thân mình”.

“Thật là một bài học lớn”.

Người học trò trầm ngâm nói, đồng thời hướng suy nghĩ về những con bò của mình. Trên đường về, anh cẩn thận xem xét tất cả những hạn chế mà anh đã vận vào mình trong cuộc đời. Và anh quyết định sẽ loại bỏ tất cả những niềm tin đã trói buộc anh vào một cuộc đời làng nhàng và tầm thường, cũng như đã ngăn cản anh thể hiện tiềm năng thật sự của mình.

Không nghi ngờ gì nữa, anh tự nhủ, ngày hôm đó đã đánh dấu sự bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc đời không có bò.

Gã khổng lồ một mắt

Sao mà lũ bò cái này luôn chọn những đêm giá rét như vầy để sinh con không biết? - Bill nói với giọng Ồm Ồm, lộ rõ sự e ngại hơn là khó chịu khi cùng Scott và tôi bước về khu chuồng trại...

Cách nhìn

Ôi, những đôi chân! Mọi khi chúng ta vân chạy nhảy, trượt tuyết, leo núi và bơi lội mà chẳng mảy may nghĩ suy gì đến chúng...

Những gì trẻ học được

Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án.

Tiếng nói không lời

Dường như tôi đã hoàn toàn chịu thua, không thể tìm ra cách gì khác để cải thiện tình hình. Ngay từ ngày đầu tiên bước vào cấp hai, Willard P. Franklin đã bắt đầu sống trong thế giới của riêng mình...

Chuyện cây táo

Ngày xửa ngày xưa, có một cây táo rất to. Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày.

Cha và con

Khi Mark lên năm tuổi thì cha mẹ anh ly dị. Anh ở với mẹ, còn cha thì gia nhập quân đội.

Số phận hay bản lĩnh

Trong một trận đánh quan trọng chông lại đội quân hùng mạnh của kẻ thù với số lượng đông gấp bội, vị tướng cầm quân cảm nhận được sự lo lắng và cả sự sợ hãi ẩn chứa trên gương mặt và ánh mắt những người lính của mình...

Một Dawn mới của tôi

Lần đầu tiên khi nghe Laura, con gái tôi, báo tin nó sắp là một người mẹ - còn tôi sắp là một bà ngoại - tôi đã khóc với những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhưng rồi tận dưới đáy lòng tôi, một điều gì thầm kín đang khuấy động.

Cứu mẹ trong đêm

Chiều hôm đó, Kelly cùng cậu con trai Rocky 5 tuổi của mình chạy xe qua vùng Alabama hẻo lánh. Rocky nằm ngủ ngon lành trên băng ghế trước, hai chân đặt hắn trong lòng mẹ.