Bé Nam và con rùa Hồ Gươm

Bé Nam đang đứng tránh mưa trong một cái tháp nhỏ ở một góc bờ Hồ Gươm gần ngã tư đường Tràng Thi và đường Lê Thái Tổ. Lúc nãy, sau buổi xem phim, khi bé Nam vừa rời khỏi rạp chiếu bóng Kim Đồng một quãng đường ngắn, trời bỗng đổ mưa, một cơn mưa mùa hè vừa đột ngột vừa dữ dội. Bây giờ, tuy cơn mưa đã dịu đi nhiều nhưng vẫn chưa tạnh hẳn. Mặt nước Hồ Gươm vẫn còn gợn sóng lăn tăn, lấp loáng dưới ánh đèn. Những sợi mưa, khi lớt phớt khi dồn dập, vẫn hắt vào trong tháp. Nhìn ngọn tháp cũ kĩ với những bức tường rêu phong, đen xạm vì mưa nắng thời gian, Nam bỗng liên tưởng đến những những huyền thoại rất đẹp, những truyện cổ tích rất hay mà Nam từng đọc trong sách hoặc nghe bố mẹ kể lại. Dưới ánh đèn lung linh và vô vàn sợi mưa lóng lánh, ngọn tháp nhỏ và cả khu vực Hồ Gươm bỗng từng lúc trở nên huyền ảo, vừa thân thương, gần gũi, vừa kì diệu, cao xa như những cảnh tượng Nam thường thấy trong mơ…

Đang nghĩ lan man, Nam chợt thoáng giật mình, khẽ kêu lên: “Ơ kìa, con rùa!”.

Quả thật, một chú rùa nho nhỏ, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với bàn tay của bé Nam, vừa rời vệ cỏ ven hồ, thong thả bò trên mặt đường xi măng, hướng về phía vườn hoa bên kia đường. Nam vừa ngạc nhiên vừa thích thú! Nam đã nghe nói mấy chú rùa Hồ Gươm thỉnh thoảng vẫn nổi lên mặt nước hoặc bò lên bờ hồ. Nhưng, đây là lần đầu Nam nhìn thấy một chú rùa Hồ Gươm đích thực bằng xương bằng thịt đang ung dung, thoải mái dạo chơi trên Bờ Hồ! Ôi, chú rùa con dễ thương ấy lại sắp sửa băng qua đường phố đầy xe – những chiếc xe nửa mê nửa tỉnh đang lao vùn vụt thế kia làm sao có thể nhìn thấy được chú rùa bé bỏng?…

– Ấy… ấy! Rùa ơi, đừng băng qua đường! Xe cán đấy! – Tiếng Nam kêu to át cả tiếng mưa, tưởng chừng như chú rùa con hiểu được tiếng người. Nhưng, chú rùa con không nghe được tiếng kêu cảnh báo của người bạn rất thương chú dẫu chưa hề gặp mặt. Chú rùa con vẫn tiếp tục cuộc du hành đầy nguy hiểm.

Không một chút ngập ngừng, nhanh như một ngọn gió, Nam lao vào cơn mưa, ào tới phía chú rùa sắp lâm nạn.

Chộp được chú rùa con, Nam mừng rơn, vui thích đến mê tơi. Nam nhẹ nhàng nâng chú trên tay, xoa xoa lên cái lưng khum khum, tròn trịa, có những ô kẻ hình học xinh xắn, nói dịu giọng như dỗ dành một đứa em nhỏ:

– Rùa ơi, để Nam đưa rùa trở về với bố mẹ yêu thương, với Hồ Gươm xinh đẹp nhé!

Rồi Nam quay người rảo bước về phía lòng hồ.

Nhưng, Nam chỉ mới đi được vài bước, bỗng nghe tiếng quát giật giọng:

– Ê thằng kia! Tạo bắt quả tang mày bắt trộm rùa. Khôn hồn thì đưa đây cho tạo!

Nam giật mình ngoảnh lại: phía sau lưng Nam, chỉ cách vài sải tay, một gã đàn ông to béo, vẻ mặt dữ dằn đang vung tay hăm dọa. Vốn là một cậu bé can đảm, sau giây phút hoảng sợ thoáng qua, Nam đã tự trấn tĩnh, đối đáp với giọng cứng cỏi:

– Không! Tôi không bắt trộm rùa! Tôi thấy nó đang bò về phía đường ô tô, sợ nó bị xe cán, tôi giữ nó lại để đem thả xuống hồ.

Dứt lời, Nam bỗng cảm thấy một cơn tức giận trào lên Tại sao kẻ lạ mặt này lại vội vã vu oan cho Nam, cố tình xúc phạm Nam? Hẳn nó là kẻ xấu…

Nam ngẩng cao đầu, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt gã đàn ông to béo, cao gần gấp đôi thân hình Nam.

Gã trừng mắt, gằn giọng:

– Mày nói dối! Không thể tin mày được. Tao muốn tự tay tao thả nó xuống hồ hoặc làm gì tuỳ thích. Còn mày, đưa ngay con rùa đây rồi xéo đi cho khuất mắt tao nếu không muốn ăn một trận đòn nhừ tử!…

Gã xấn sổ xáp tới gần Nam hơn nữa. Nam linh cảm thấy chuyện chẳng lành. Em cố nén chặt nỗi lo sợ trong lòng, vừa bước lùi mấy bước vừa đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm một vị cứu tinh.

Lúc bấy giờ tuy mới vào khoảng chín giờ tối, nhưng trên đường phố chỉ có một ít xe ô tô, xe máy phóng nhanh trong mưa. Trên con đường vòng quanh bờ hồ, hầu như vắng bóng người đi bộ. Nhận thấy đối phương đang tìm cách tránh né, tên bất lương gầm gừ thêm một câu đe dọa:

– Mày đừng để tạo phải điên tiết lên, tạo cho mày xuống dưới đáy hồ cùng với con rùa của mày!

Nam suy nghĩ rất nhanh: Cái chính là phải cứu lấy chủ Rùa. Mình lẹ tay thả chú rùa xuống hồ rồi bỏ chạy, thằng lưu manh không còn hi vọng ăn cướp chú rùa thì còn ham đuổi theo mình để làm gì? Mà dù nó có tóm được mình, thì nó cũng chẳng dám ăn thịt mình ngay giữa phố đông…

Nam quay ngoắt người lại, vụt phóng tới mép nước, nhẹ tay đặt chú rùa con vào lòng hồ mà có cảm tưởng như đang đặt một đứa con vào lòng bà mẹ. Rồi Nam nhanh nhẹn lên bờ, ráng sức chạy thật nhanh.

Bị bất ngờ, gã bất lương đứng sững theo bóng cậu bé. Khuôn mặt thô kệch của gã đỏ bừng lên rồi tái xạm đi vì giận dữ. Bất giác, gã bước đến gần chỗ con rùa quý giá vừa lặn mất tăm. Gã nhìn xuống mặt hồ, vẻ mặt ngẩn ngơ, tiếc rẻ.

Vừa lúc ấy, Nam cũng ngừng chạy, nép mình sau một gốc cây to, nhìn lại chỗ chú rùa và người cứu nạn vừa thoát hiểm. Nhìn thấy gã bất lương lắc đầu mấy cái liền, lầm lũi bỏ đi, Nam rất vui. Một nụ cười chiến thắng nở trên môi mà Nam không hay biết. Nam hướng về ngọn Tháp Rùa đang lung linh soi bóng nước Hồ Gươm, như muốn nói to lên lời cầu chúc trìu mến đang vang vọng trong lòng mình:”Chú Rùa con ơi, Nam cầu chúc cho cả họ nhà Rùa cùng với Hồ Gươm, cùng với thủ đô Hà Nội của Nam đời đời sống khỏe, sống đẹp, sống vui!…”.

Đối đáp với vua

Một lần, vua Minh Mạng từ kinh đô Huế ngự giá ra Thăng Long (Hà Nội). Vua cho xa giá đến Hồ Tây ngắm cảnh. Xa giá đi đến đâu, quân lính cũng thét đuổi tất cả mọi người, không cho ai đến gần.

Ba cô gái

Ngày xưa, có một người đàn bà nghèo sinh được ba cô con gái. Bà rất yêu thương các con, bà lo cho các con từng li từng tí. Nhà nghèo, bà phải làm lụng vất vả để nuôi các con nhưng bà không hề phàn nàn...

Ai ngoan sẽ được thưởng

Một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng. Vừa thấy Bác, các em nhỏ ùa ra đón Bác. Em nào cũng muốn đến thật gần Bác để nhìn Bác cho rõ. Có em cứ đi giật lùi phía trước Bác để luôn luôn được nhìn thấy Bác.

Bát chè sẻ đôi

Đồng chí liên lạc đưa công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

Thật phiền khi phải trông em

Một buổi sáng đẹp trời, Chuột túi mẹ chuẩn bị sang phía rừng bên kia để hái những quả mâm xôi cho món tráng miệng tối nay.

Khuất phục tên cướp biển

Tên chúa tàu ấy cao lớn, vạm vỡ, da lưng sạm như gạch nung. Trên má hắn có một vết sẹo chém dọc xuống, trắng bệch. Hắn uống lắm rượu đến nỗi nhiều đêm như lên cơn loạn óc, ngồi hát những bài ca man rợ.

Con đã lớn thật rồi!

Có một cô bé sang nhà dì chơi. Vì đang dỗi mẹ nên em ngồi buồn thiu. Thấy vậy, dì hỏi: Cháu có chuyện gì buồn à? Đến bữa rồi, ăn cơm với dì nhé?

Đôi dép

Hai chiếc dép là đôi bạn chơi với nhau rất thân. Không biết chúng chơi chung từ bao giờ, chỉ biết từ rất lâu, lâu lắm rồi. 

Có chí thì nên

Đầu năm học, Bắc được bố đưa đến trường. Bố cậu nói với thầy giáo: Xin thầy kiên nhẫn, thật kiên nhẫn, vì con tôi tối dạ lắm!