Cái hũ

Theo như tôi còn nhớ, cái hũ ấy nằm trên nền nhà, phía sau tủ quần áo trong phòng ngủ của cha mẹ tôi. Ngày nào cũng thế, hễ đến giờ ngủ là cha đều lục túi lấy ra hết mấy đồng bạc để bỏ vào hũ. Lúc rơi xuống chạm đáy hũ, những đồng bạc thường phát ra tiếng leng keng. Khi ánh nắng tràn vào phòng ngủ, các đồng tiền bằng bạc, bằng đồng trở nên sáng lấp lánh, tôi hay trầm trồ ngắm nghĩa tưởng tượng đấy là kho báu của bọn cướp biển. Mỗi lần hũ đầy, cha luôn gom những đồng cắc này lại xếp chúng gọn gàng vào một chiếc hộp các- tông nhỏ trước khi mang đến ngân hàng. Tôi thường được tháp tùng theo cha "áp tải" chiếc hộp tiền đến ngân hàng trong chiếc xe tải cũ kỹ của ông.

Mỗi lần lái xe đến ngân hàng, cha đều nhìn tôi, ánh mắt tràn trề hy vọng.

- Con sẽ thoát khỏi cái nhà máy sọi này, con trai ạ! nhờ vào những đồng cắc ấy. Đời con rồi sẽ tốt hơn cha.


Cái thị trấn công nghiệp già cỗi này sẽ không thể nào buộc chân con được.

Cũng thế, mỗi lần như vậy, khi đẩy cái hộp tiền xu cho nhân viên thu ngân tại quầy giao dịch của ngân hàng, cha đều nhoẻn miệng cười đầy tự hào.

- Đây là quỹ đại học cho con tôi. Nó sẽ không bao giờ gắn cả đời vào cái nhà máy này như tôi.

Chúng tôi luôn ăn mừng sự kiện tiền ký gỏi trong tài khoản ngân hàng được nhiều thêm bằng cách ghé qua quầy kem nón. Lần nào tôi cũng chọn kem sô-cô- la, còn cha thì thích kem va-ni. Khi người bán kem đưa cho cha tiền thối, người đều xòe tay cho tôi xem mấy đồng xu.

- Chừng nào mình về đến nhà, chúng ta sẽ bắt đầu bỏ đầy hũ nữa.

Cha luôn cho tôi bỏ những đồng tiền đầu tiên vào cái hũ rỗng. Khi âm thanh leng keng vang lên, chúng tôi nhìn nhau mỉm cười:

- Những đồng 10 xu, 20 xu và 50 xu này sẽ đưa con vào đại học đấy - cha nói - mình nhất định làm được. Cha sẽ nhìn thấy được cái ngày đó.

Năm tháng trôi qua, tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm ở một tỉnh khác. Một lần về thăm cha mẹ, tôi có ghé vào phòng ngủ của người và nhận thấy chiếc hũ năm nào không còn ở đấy nữa. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ và đã được cất đi. Tự dưng tôi có cảm giác cổ họng nghẹn đắng khi đăm đăm nhìn vào chỗ trống đằng sau tủ áo, nơi trước đây cái hũ nằm khiêm tốn. Cha tôi là người ít nói, nên chưa bao giờ "thuyết giáo" cho tôi về giá trị của lòng quyết tâm, tính kiên trì và niềm tin cả. Tuy nhiên, trong tâm trí tôi, chiếc hũ khi xưa đã dạy tôi những đức tính đó còn hùng hồn hơn hầu hết mọi ngôn từ hoa mỹ.

Khi kết hôn, tôi kể cho Susan, vợ tôi, về vai trò to lớn của chiếc hũ đựng dưa muối tầm thường ấy đối với quãng đời niên thiếu của tôi. Cho dù nhà có túng thiếu đến đâu, cha vẫn bền bỉ bỏ tiền vào trong hũ. Thậm chí vào mùa hè năm cha bị sa thải khỏi nhà máy, khi ấy một tuần mẹ phải cho ăn món đậu khô mấy lần, vẫn không một đồng xu nào bị lấy ra khỏi hũ. Ngược lại, lúc bắt gặp ánh mắt cha nhìn mình, khi rưới nước sốt lên dĩa đậu khô của tôi cho dễ ăn, tôi nhận thấy cha còn quyết tâm hơn lúc nào hết để tìm lối thoát cho tôi.

- Khi con tốt nghiệp đại học, con trai - cha nói mà ánh mắt long lanh - con sẽ chẳng bao giờ phải ăn đậu nữa... trừ phi con muốn thế.

Vào ngày lễ Giáng Sinh đầu tiên sau khi con gái Jessica của chúng tôi chào đời, gia đình nhỏ của tôi về nghỉ lễ ở nhà cha mẹ. Sau buổi ăn tối, cha và mẹ ngồi cạnh nhau, cùng nựng nịu đứa cháu nội đầu tiên của mình. Chợt Jessica mếu khóc, Susan bèn đón lấy cháu từ tay cha tôi.

- Có lẽ con bé cần được thay tã, vợ tôi nói khi bế em bé vào phòng cha mẹ tôi.

Khi Susan trở ra, tôi đọc thấy điều gì là lạ trong mắt nàng. Vợ tôi đưa Jessica cho cha trước khi nắm lấy tay tôi kéo vào phòng.

- Anh nhìn này! - nàng nói khẽ, đưa mắt chỉ cho tôi phía sàn nhà đằng sau tủ áo.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, như thể chưa từng được dẹp đi, chiếc hũ đựng dưa muối ngày nào đang nằm ở đấy, dưới đáy hũ đã có sẵn một ít tiền xu. Tôi bước tới chiếc hũ, thọc tay vào túi lấy ra một nắm tiền lẻ. Tim như nghẹn lại với cảm xúc dâng tràn, tôi bỏ những đồng xu vào hũ. Khi ngước mắt lên, tôi bắt gặp cha, đang bế bé Jessica - Người đã lặng lẽ vào phòng từ lúc nào. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau, và tôi biết rõ trong lòng cha con tôi đang cùng dâng trào một cảm xúc giống nhau. Không ai trong chúng tôi nói được lời nào.

Điều này thật sự khiến tôi xúc động...

Tôi nghĩ, có lẽ, bạn cũng đã có những phút xúc động như thế. Đôi lúc chúng ta quá bận rộn chất chồng những mối lo toan lên đời mình mà quên góp nhặt những niềm hạnh phúc mình có được. Khi đau thương, ta ngoái nhìn lại. Khi lo lắng, ta lướt nhìn quanh. Và, khi tin tưởng, ta ngước nhìn lên.

Bàn tay cô giáo

Trong ngày lễ Tạ ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về điều gì đó mà các em biết ơn. Cô muốn biết xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thật sự mang ơn ra sao...

Chạm đáy

Gia đình tôi vừa chuyển đến thị trấn. Hồi trước chuyện kết thân bạn mới thật dễ dàng đối với tôi, nhưng bây giờ, vì hay ngượng ngập về dáng vẻ của mình nên tôi cảm thấy rất khó...

HOA TÂM

Trong muôn loài hoa khoe sắc thắm hương thơm, hoa tâm là xinh đẹp và giá trị hơn cả, vì hoa tâm là hoa lòng, hoa nở trong trái tim con người.

Cha và con

Khi Mark lên năm tuổi thì cha mẹ anh ly dị. Anh ở với mẹ, còn cha thì gia nhập quân đội.

Di chúc

Một lần tình cờ, tôi phát hiện một chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba nói, nó đựng di chúc của ông nội.

Cát mang niềm vui đến

Cô bé đó mới 6 tuổi khi tôi gặp cô ở bãi biển gần nhà.

Vườn hoa

Khu rừng nhỏ ở một nơi xa xôi, khuất xa tận mấy dãy núi cao đến chân mây, nhạt nhòa trong sương khói…

Tàn nhang

Một bà cụ đang nắm tay một bé xếp hàng trong công viên. Mặt cậu bé rất nhiều những đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức.

Cuộc đời và những vòng tay

Theo bạn, phần quan trọng nhất trên cơ thể con người là gì? Chắc hẳn câu trả lời của mỗi người sẽ không giống nhau. Riêng với tôi, đó chính là vòng tay.