Cất nhà giữa hồ

Ngày xưa, ở trên Tây Nguyên, có một em bé tên là Mây. 

Mây không còn cha để gọi a-ma, cũng không còn mẹ để gọi a-mí.

Đã vậy, Mây còn phải đi ở cho tên chúa làng. Mây chỉ toàn bị đánh đập, mắng nhiếc. Tên chúa làng bắt Mây làm hết công việc nặng nhọc này đến công việc nguy hiểm khác. Việc ngày chưa hết, đã có việc đêm. 

Đêm, ngày, việc cứ dồn dập, chất cao lên, gỡ mãi, không hết. Cái chân, cái tay của Mây không bao giờ được rảnh. 

Mây khổ quá nên thường lẻn trốn ra ngồi chốc lát bên cái hồ rộng mông mênh. Hồ nằm ở giữa những hòn núi cao ngồi xếp vòng tròn. Mây ngồi để ngắm nước hồ thay đổi đủ các màu xanh, tím, bạc, đồng. Nhìn vào đấy, Mây thấy vui và quên bớt đi nỗi khổ. 

Một bữa tên chúa làng sai người đi rình và bắt gặp Mây đang ngồi như thế. Nó đánh và cấm Mây không được ra đó nữa. Nhưng không trốn được ra ban ngày thì Mây lại trốn ra ban đêm. Những đêm khuya trăng sáng, đợi lúc tên chúa làng và người nhà của nó ngủ say, Mây lại lẻn ra ngồi bên bò hồ. Nước hồ gợn sóng, thay màu, như muốn trò chuyện, như muốn an ủi Mây. Mây lại thấy vui và quên bớt nỗi khổ. 

Thấy Mây càng ngày càng giỏi giang, tên chúa làng càng nghĩ ra thêm nhiều thứ việc để bắt Mây làm. Nó lạ lắm khi thấy việc gì, dù khó khăn nguy hiểm đến mấy Mây cũng làm được. Một lần nó bảo Mây đốn cho nó cái cây cao nhất trên núi. Nó bảo hôm trước thì hôm sau Mây đã dùng mẹo đốn được cây. Lần khác, nó bảo Mây bắt cho nó con hổ lớn và ác nhất trong vùng. Chỉ mấy hôm sau, nó đã thấy Mây kéo xác con hổ về. Biết Mây bé người mà gan to, chí lớn, nó đâm sợ. Nó bèn nghĩ ra cách để giết Mây cho sơm sớm. 

Một hôm nó gọi Mây lại và bảo: 

- Tao ở mãi trên núi, chán rồi. Mày cất cho tao cái nhà giữa hồ tao ở. Ba ngày không cất được thì tao giết. 

Nó vừa nói vừa chỉ ra cái hồ rộng mông mênh mà Mây thường trốn ra ngồi ngắm. Cái hồ càng nhìn càng thấy rộng. Nai chạy một ngày chưa dễ đã giáp vòng. Nước hồ sâu lắm. Người lặn giỏi nhất trong vùng chưa ai xuống được đến đáy. 

Hồ tuy đẹp nhưng bất chợt thường có những xoáy nước rất mạnh. Ném con trâu xuống đó, các xoáy nước nhận chìm ngay. Không còn để cho trâu kịp ngóc đầu lên thở. 

Mây nghe chúa làng bảo cất nhà ở giữa hồ đó, chỉ đứng nhìn mà không đáp lại. 

Tên chúa làng lại nhắc: 

- Hở! Mày nghe rồi chớ? Nhớ mà làm. Ba ngày mà không xong thì tao giết. 

* * 

Mây biết là khó nhưng Mây cũng cứ gắng làm. Ác một nỗi Mây chỉ giỏi trên cạn. Mây không giỏi được ở dưới nước. Mây đốn tre lồ-ô, bó lại thành bó to, ném thử xuống hồ. Xoáy nước nhận chìm các bó tre, và lôi đi mất tích. Mây đốn những cây to, tìm cách cắm thử xuống hồ. Xoáy nước cũng nuốt trửng từng cây gỗ một. Mây biết lần này khó lắm, có thể chết đến nơi rồi. Mây lo nghĩ, bỏ cả ăn, bỏ cả ngủ. Mây không chịu chết, vì tay chúa làng. Mây lên núi, vạch lấy những tảng đá to, định bỏ dần xuống nước làm cái cầu vượt qua các xoáy nước, ở ven bờ. Bao nhiêu tảng đá đều bị các xoáy nước cướp lôi đi mỗi nơi một tảng… 

Mây đứng nhìn các xoáy nước quái ác, tức giận, cau mày… Mây hết thấy cái thú ngồi ngắm nước hồ thay đổi các màu xanh, tím, bạc, đồng… Tuy vậy, nước hồ vẫn gợn sóng, thay màu như muốn chuyện trò an ủi Mây. Mây lại đứng thừ người ra ngắm. 

Ngày thứ nhất, thấy Mây chưa làm được gì, tên chúa làng đánh Mây một trận bằng roi mây. Ngày thứ nhì, thấy Mây vẫn chưa làm được gì hơn, tên chúa làng lại đánh Mây một trận bằng roi da trâu bện lại. Bị hai trận đòn đau. Mây nằm thiếp. Trong giấc mơ, Mây bỗng thấy có một con cá sấu già bò đến cạnh Mây mở to hai con mắt ra nhìn Mây. Mây không chút hoảng sợ, chỉ đứng dậy, lùi ra xa vài bước. 

- Cá sấu định ăn thịt tôi sao? Cá sấu già khẽ lắc đầu, đáp lại: 

- Không, cá sấu muốn giúp anh bạn nhỏ cất được cái nhà giữa hồ. Cá sấu ở hồ lên đây. Cá sấu vẫn thường bảo nước hồ thay đổi các màu cho anh bạn nhỏ vui đây. 

Mây mừng quá, bước sát đến gần bên cá sấu: 

- Cá sấu giúp Mây này thực à? Giúp thế nào, cá sấu nói đi! Cá sấu già gật gật đầu rồi bảo: 

- Đêm mai, khi ông trăng leo lên đến đỉnh núi, anh bạn nhỏ hãy đến gặp tôi ở dưới gốc cây táu mọc sát bên bờ hồ. Tôi sẽ bày cho cách cất nhà xong rất chóng. Chỉ trong đêm mai, anh bạn nhỏ có thể bảo chúa làng ra ở. 

- Cá sấu nói thực hay là nói chơi? 

- Chỉ có kẻ xấu mới nói dối. Cá sấu này không phải là kẻ xấu. Đêm mai, tôi sẽ chờ anh bạn nhỏ. 

Mây mừng lắm. 

- Cám ơn cá sấu! Đêm mai Mây này sẽ đến sớm! Cá sấu không phải chờ. 

* *

Tỉnh cơn mơ, Mây dớn dác nhìn quanh. Chẳng thấy cá sấu nào cả. Mây buồn lắm. 

Sáng dậy, tên chúa làng lại gọi Mây lên và hỏi: 

- Liệu bữa nay mày có cất xong được nhà không? 

- Đêm nay là xong! 

- Mày nói láo. 

- Không, nói thực. Mời ông đêm nay dọn ra mà ở. Thấy Mây nói chắc, tên chúa làng tham lam liền nói: 

- Không phải nhà một mình tao ở, mà cho cả nhà tao ra ở. Không phải chỉ có người ở, mà phải có chỗ cho cả của cải, nồi chiêng ra ở. 

- Được hết! Tôi sẽ cất cho ông nhà cao, nhà rộng, cả nhà ông ra mà ở. 

Tên chúa làng thích lắm, cười khì khì. Nhưng nói xong Mây lại càng lo. Mây mong ông mặt trời chạy mau qua bên kia núi cho chóng tối, để Mây ra gốc táu lớn mọc sát bên hồ xem sao. Nếu không gặp cá sấu thì Mây sẽ tìm cách khác để ăn nói với chúa làng. 

Ông trăng chưa lên đỉnh núi, Mây đã xách rựa ra đi. Mây chưa đến gốc táu thì đã thấy một con cá sấu già, giống hệt như đã gặp trong giấc mơ, đang nằm chờ Mây ở đấy. Mây chạy vội đến, ngồi ngay xuống bên cạnh cá sấu và hỏi. 

- Có phải đêm hôm qua cá sấu đã hứa giúp cho Mây này cất nhà không? 

- Phải! 

- Nhưng chúa làng nó bắt phải cất cho nó nhà cao, rộng, liệu cá sấu có giúp cho Mây này làm được chuyện đó không? 

- Được! 

- Và nội trong đêm nay cất xong kịp chứ? 

- Kịp thừa đi! 

Mây ôm lấy cá sấu như ôm một người bà. Cá sấu già cảm động cũng khóc, hạt nước mắt thật to. Cá sấu già lại bảo Mây: 

- Nào, anh bạn nhỏ hãy ngồi lên lưng tôi, tôi đưa đi ra giữa hồ mà cất nhà. Mây lạ lùng hỏi ngay: 

- Đi tay không thôi à? Phải mang tre, mang gỗ ra chứ? 

- Không cần. 

- Không thì cũng phải mang rìu, mang rựa đi theo! 

- Không cần. 

Rồi cá sấu già lại giục: 

- Thôi ta đi đi. Nhanh lên không thì muộn mất. 

* * 

Đợi Mây trèo lên lưng ngồi ngay ngắn, cá sấu già liền trườn mình đi rất nhanh. Thoáng cái đã ra đến bờ hồ. Ông trăng bây giờ vừa leo lên đến đỉnh núi và bắt đầu bay lên trời để đến sáng kịp đáp qua hòn núi bên kia và leo xuống. Mặt nước hồ lúc này sáng rực hẳn lên. Những xoáy nước cứ xoáy tít ở hai bên hông cá sấu già, reo lên như gió hú. Mây lo lắm. Nhưng cá sấu già cứ thản nhiên lách mình bơi đi, vượt qua các xoáy nước dễ dàng như bơi trên nước lặng. Ra đến gần giữa hồ cá sấu già dừng lại và kêu lên mấy tiếng rất lớn. Mây ngơ ngác chưa hiểu gì thì một chiếc cầu bỗng từ dưới nước nổi lên, nối liền từ bờ ra đến chỗ cá sấu già và Mây đang đứng. Cá sấu già bảo Mây: 

- Anh bạn nhỏ nhìn kỹ xem, có biết đây là cái gì không? 

- Chiếc cầu à? 

- Đúng là cầu rồi, nhưng cầu bắc bằng gì, anh bạn nhỏ thử nhìn lại lần nữa! 

Mây nhìn kỹ thì hóa ra đấy là những con cá sáu rất lớn, con này cắn đuôi con kia, kết thành một chiếc cầu rất thẳng, rất đẹp. 

Cá sấu già lại kêu lên mấy tiếng nữa dài hơn, sắc hơn. Từ dưới nước, những cây cột nhà to lớn, nhẵn bóng bỗng từ từ nhô lên cao sừng sững. Mây kêu lên khi nhận ra đấy là những con trăn nước khổng lồ, dựng đứng người lên, đầu ngóc thẳng. 

Cá sấu già lần này lại kêu lớn những tiếng ngắn và khô, kêu khá lâu như giục giã. Nước hồ bỗng rung lên như có trăm ngàn ngọn cây xáo động. Rồi những kèo, cột, rui, mè và sườn vách cứ dần dần hiện ra. Cuối cùng, bóng dáng một ngôi nhà cao chưa từng thấy, rộng chưa từng thấy đã sừng sững hiện lên trước mắt Mây. Mây há hốc mồm ra mà nhìn và nhận ra đấy là vô số những con rắn lớn, nhỏ, theo đúng từng cỡ, cắn đuôi nhau mà làm nên. 

Bây giờ thì cá sấu già không ngẩng đầu lên như mấy lần trước, mà lại ngụp đầu xuống nước để kêu. Kêu liền bốn bận. Lập tức từ dưới đáy hồ bỗng bay lên muôn nghìn những mảnh sáng loáng đủ sắc đủ màu nhìn cứ ngời ngời, lấp lánh. Mây chưa kịp hiểu gì thì tất cả những mảnh sáng loáng ấy đã bay lên đắp thành vách, lợp thành mái. Cá sấu già bơi sát lại và bảo Mây xem kỹ đấy là gì? Mây kêu lên: Hóa ra đấy toàn là cá lớn, cá nhỏ, loại thì vảy đỏ, loại thì vảy vàng, lại có loại vảy xanh, loại vảy trắng - nhiều nhất là vảy trắng. Những con cá cứ cắn đuôi nhau, xếp trộn lẫn lộn màu này với màu khác, cả ngôi nhà như bằng xà cừ, cứ lóng lánh, lóng lánh, nhìn thật rực rỡ. 

Cá sấu lại ngụp đầu xuống nước kêu liền hai hồi nữa. Kêu lần đầu thì mặt nước hồ bỗng rộn tiếng “tanh tách”, “tanh tách”. Rồi nhiều con vật nhảy đáp lén các cây cột bám chắc vào đấy. Nhìn kỹ, hóa ra đấy là những con tôm rất lớn, đang uốn mình làm thành móc treo chiêng. Kêu lần thứ hai thì mặt nước hồ bỗng rẽ sóng thành nhiều dẻ quạt. Rồi mấy con vật chậm rãi bò lên cầu đi vào trong nhà, cứ ba con chụm đầu lại làm thành bếp đun rượu, nấu cơm. Nhìn kỹ hóa ra đấy là những con rùa rất lớn. 

Cá sấu già bây giờ mới hỏi Mây: 

- Nhà cao, nhà rộng cất xong rồi đấy. Anh bạn nhỏ có vừa lòng không? Mây ôm lấy cá sấu già, cảm ơn rối rít. 

- Cảm ơn cá sấu, cảm ơn trăn, rắn, tôm, rùa… Mây về nói chúa làng ra ở nhớ? 

- Ừ, về bảo nó ra ở đi! 

Chúa làng đứng trên cao nhìn xuống hồ. Nó ôm lấy đầu thích quá. Ngôi nhà cứ sáng rực lên ở giữa hồ. Bao nhiêu ông sao trên trời đều như bay xuống và nhảy múa trên các mái nhà. 

Chúa làng giục cả nhà nó dọn ra ở. Chúa làng lại bắt dân làng đang đêm phải khiêng hết của cải nhà nó ra nhà mới. Nó hứa sẽ cho uống rượu hâm nóng, cho gióng chiêng cũ, chiêng mới để ăn mừng. Mây khuyên chúa làng: 

- Khoan đem của cải ra đã, để một mình Mây này mang ra sau. Cho nó khỏi mất mát. 

Chúa làng nghe phải, ừ ngay. 

Chúa làng đi trước, vùa đi vừa uống rượu đến say mềm. Dân làng kéo nhau đi sau, gióng chiêng vang lừng cả rừng núi. Nhìn ngôi nhà to quá, đẹp quá, ai cũng khen là Mây giỏi, Mây tài. 

Chúa làng bước lên cầu, khen cầu đi êm chân. Chúa làng nhìn cột nhà, khen cột nhà tròn và chắc. 

Chúa làng sờ lên tường, khen tường mát, ngắm mái, khen mái đẹp. Chúa làng nhìn móc treo chiêng, khen móc chạm trổ khéo, nhìn bếp khen bếp bắc giỏi. 

Chúa làng ra lệnh hâm lại rượu trên bếp mới rồi bảo dân làng đứng trên bờ và ra cả trên cầu nhảy múa cho mình xem. Mãi chúa làng vẫn chưa chịu cho dân làng ra về. 

Hâm rượu cho chúa làng uống, Mây nghe mấy chú rùa kêu nhỏ: 

- Quóng ná! Quóng ná! 

Mây hiểu là mấy chú rùa kêu nóng quá, nóng quá! 

 

Vì vậy Mây liền lấy nước đổ lên đầu rùa và nói với rùa chịu khó giúp Mây thêm lúc nữa. 

Mây đánh chiêng cho chúa làng nghe. Mấy chú tôm cũng kêu nhỏ: 

- Lững gây! Lững gây! 

Mây hiểu là mấy chú tôm kêu: gãy lưng, gãy lưng! 

Mây liền nâng lấy lưng tôm cho tôm đỡ mỏi và nói với tôm chịu khó thêm một lúc nữa để giúp Mây. 

Mây đứng cạnh tường để quạt cho chúa làng. Cá sau lưng Mây cũng kêu: 

- Nghết chột! Nghết chột! 

Và rắn nước, trăn nước cũng xít xoa: 

- Gưỡng xây! Gưỡng xây! 

Mây hiểu là cá kêu chết ngột, trăn rắn kêu: gãy xương. 

Vì vậy, Mây quay lại nói khẽ với cá, với rắn, với trăn hãy cố gắng giúp Mây cho đến cùng. 

Ông trăng đã bay đến giữa trời. 

Chúa làng thấm mệt, lúc này mới cho phép dân làng ra về. 

Dân làng lục tục kéo hết lên bờ. Mây cũng lẻn đi theo và bước lên sau rốt. 

Chân Mây vừa chạm bờ thì chiếc cầu dưới hồ bỗng lặn biến đi ngay, cả ngôi nhà lóng lánh như nạm xà cừ cũng bắt đầu rung rinh và chuyển động mạnh. 

Tuy đang say rượu, chúa làng cũng biết là nguy hiểm đến nơi rồi. Nó gọi to lên: 

- Mây ơi, Mây nè, tao cho mày cái cong vàng, mày cứu tao đi. Mây ở trên bờ đáp ra: 

- Tao không thèm cong vàng của mày! 

- Mây nè, tao cho mày nồi vàng vậy, mày cứu tao đi. Mây lại đáp: 

- Tao cũng không thèm nồi vàng của mày! 

- Mây nè, vậy thì tao cho mày mâm vàng, chiêng vàng, mày cứu tao chứ? Lần này, Mây im lặng không thèm đáp nữa. 

Cả ngôi nhà lúc này đã vỡ tung ra từng mảng chìm xuống đáy hồ. Chỉ còn thấy các xoáy nước quái ác xoáy tít, rú lên như gió hú. Và màu nước hồ xanh rợn, sâu thẳm. 

Cả tên chúa làng và vợ con nó đã chìm xuống bùn đen. 

Mây trở về, nghe theo lời cá sấu già đem tất cả của cải của chúa làng ra chia cho dân làng nghèo khổ. 

Nhưng chỉ chia nồi, chia mâm, chia chiêng… còn rìu, rựa, nương rẫy… thì giữ lại làm của chung để cùng lo làm ăn chung. 

Đêm sau, khi ông trăng leo lên đến đỉnh núi, cả dân làng cùng Mây lại kéo nhau ra sát bên bờ hồ để gặp mặt cá sấu già, gặp mặt lại trăn, rắn, cá, tôm, rùa để cảm ơn một lần nữa và chúc mừng nhau đã trừ được tên chúa làng độc ác tham lam. Tất ca mọi người cùng gióng chiêng nhảy múa. Lần này không nhảy múa lấy lệ như khi nhảy múa cho chúa làng, mà nhảy múa với tất cả niềm vui sướng, chờ đợi đã lâu ngày. 

Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm...

Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Truyện cổ tích Cây Khế

Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...