Chuyện chàng Lút

Chuyện chàng Lút

Ở làng nọ có anh chàng Lút bị hủi ăn từ đầu đến chân. Trông người xấu xí, hom hem như sắp chết đến nơi rồi. Trong làng chẳng ai thèm lui tới chơi với Lút. Kẻ khinh anh nghèo đói, người sợ lây bệnh tật của anh. Tuy vậy, hàng ngày anh Lút vẫn cố lê ra suối đi câu cá. Anh đi câu xa, mãi tận chỗ thác nước chảy rì rào, trắng xoá dưới chân suối trúc.

Hôm ấy, câu hồi lâu, anh Lút bắt được hai con cá trắng tinh, trông như bạc đúc vậy. Anh để cá trên tảng đá anh đang ngồi câu. Lút đang chăm chú nhìn cần câu, thì có hai con quạ băng ngang qua quắp mất hai con cá đem đi tận chỗ xa, nơi đầu ngọn suối.

Có một đoàn cô gái đi xuống suối. Các cô đi rừng về. Vai cô nào cũng nặng trĩu những gùi củi đầy. Các cô đặt gùi xuống nghỉ, lội xuống suối tắm. Thân mình các cô mềm mại như tàn lá chuối, thon thon như cây lau, cây lách, đẹp rạng rỡ như ánh mặt trời.Tắm xong ai nấy lên bờ sửa soạn ra về. Chỉ còn lại hai chị em cô nọ đang nghịch nước suối reo ồ ồ, nước thác chảy trắng phau. Hai chị em lên bờ, sửa soạn ra về. Bỗng hai cô gái thấy hai con cá bạc bé như sợi lá thông, nhấp nháy như cọng cỏ chỉ. Hai cô bèn nhặt lên, giấu cá trong gùi mang về nhà, không cho cha mẹ biết. Hai cô lén mang cá ra nướng ăn.

Sáng hôm sau, thức dậy, cả hai cô ngạc nhiên thấy bụng to hẳn lên: hai cô đã có mang. Hai cô lo lắng quá, khóc lóc tỉ tê với mẹ:

- Mẹ ơi! không biết làm sao mà hai con khốn khổ ra thế này? Hai con có tội với cha mẹ, xấu hổ với bà con xóm làng lắm.

Chẳng kịp hỏi đầu đuôi ra thế nào, bà mẹ lớn tiếng nhiếc mắng hai cô thậm tệ:

- Bay là đồ gái hư, gái thối! Bay là quân sống nhuốc, sống nhơ! Ðừng có làm trò bêu danh, xấu tiếng cho nhà tao! Hai cô tìm lời giãi bầy nỗi oan với mẹ:

- Mẹ ơi! Ðêm nào hai con cũng ngủ ở nhà với mẹ: Các con có dám đi ngủ lang ngủ chạ với ai đâu

Bà mẹ lại lồng lên nhiếc móc ầm ĩ:

- Liệu bề khai thật ra, thì may ra tao còn tìm cách... Không thì hãy cút xéo đi!

Hai cô nghĩ ngợi một chốc, se sẽ nói tiếp:

- Mẹ ạ! Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có hai con cá trắng lọt được vào nhà ta thôi!

Sau hai chị em sinh được hai cô gái rất xinh đẹp. Bố mẹ hai cô bèn cho mời cả dân làng lại.

Trai tráng khắp nơi lục tục kéo đến. Ai nấy đều khoác chăn, mang gùi đến để cho hai đứa bé nhận mặt, xem thử ai là cha của chúng. Nhưng hai đứa trẻ không nhận ra ai cả. Bố mẹ hai cô lấy làm thất vọng. Bỗng họ sực nhớ ra còn anh chàng Lút nữa, anh chàng nghèo khổ bệnh tật mà chẳng có ai nhớ tới. Bà mẹ bèn gọi người nhà ra bảo:

-Phải đi gọi ngay thằng Lút đến đây! Mau lên!

Một chốc, chàng Lút què lò dò tới, Lút vừa bước tới chưa kịp ngồi, hai đứa bé đã chạy ùa ngay lại. Hai đứa reo ầm lên:

- Bố ơi, Bố! Ðúng là bố các con đây rồi. Bố gùi con trên lưng, bố cõng con trong chăn đây rồi!

Dân làng ai cũng trố mắt nhìn về phía hai cô gái. Dần dần người ta lặng lẽ bỏ ra về. Hai người tan lòng nát ruột thấy mình buộc phải làm vợ của anh chồng hủi. Hai cô khóc nức nở.

- Trời ơi là trời! Chân anh què, làm sao anh đi rừng cho được! tay anh cụt, làm sao anh phát rẫy cho nên! Miệng anh hủi, làm sao anh khấn vái cúng thần!

Bố mẹ bắt vợ chồng con cái anh Lút phải dọn ra ở riêng. Chẳng ai cho họ ở trong làng nữa. Nhà ở của họ chỉ là túp lều con lẻ loi, chỉ là một cái chòi bằng lá sơ sài! Họ chẳng có cơm ăn, chẳng có thuốc hút. Mẹ con đi phát một cái rẫy bé tí ti. Còn anh què phải ở lại nhà.

Ngày ấy, hai chị vợ đi làm rẫy vắng, Thừa cơ, có con khỉ xấu bụng đến tìm cách lừa gạt anh Lút. Khỉ mình ướt đẫm mồ hôi, vừa thở phều phào có vẻ mệt nhọc và nói:

- Anh Lút ơi! Chị dặn anh dán cho chị một đĩa trứng, nấu một nồi đầy cơm cho tôi ăn đấy. Tôi đi giúp hai chị đốt rẫy về đây, đói lắm rồi!

Tin lời khỉ, anh Lút nấu cơm cho nó ăn. Khỉ chén sạch nhẵn cả cơm lẫn trứng rồi bỏ đi. Chiều đến hai chị vợ đi làm về, bụng đói meo, nhưng nhà chẳng còn lấy một quả trứng, một hạt gạo! Anh Lút khổ sở bị hai chị vợ la cho một trận. Vợ con không tin anh nữa, cho anh chàng là người ăn gian nói dối...

Hôm sau, hai chị vợ lại lên rẫy đi làm. Nghĩ đến chuyện khỉ lừa, anh Lút căm tức anh ách trong bụng. Lần này, anh lo sắp sẵn những sợi dây thừng thật chắc để làm bẫy, giăng sẵn quanh nhà. Quen hơi,khỉ lại mò đến. Anh Lút vừa ân cần ra mời khỉ vào, vừa nghĩ thầm trong bụng: "Mày lại muốn giở trò gì nữa chăng?" khỉ vừa bước đến gần nhà bị vướng phải bẫy ngay. Hắn ta nghĩ bụng phen này chắc chết quá nên rối rít van lạy anh Lút:

- Anh Lút ơi! Xin anh đừng giết em. Nếu anh muốn tạ tội chiêng đồng, chiêng thau gì em cũng xin nộp.

Anh Lút lắc đầu:

- Tao không thèm chiêng!

- Em xin tạ tội anh một con trâu mộng vậy.

Anh Lút lại lắc đầu:

- Tao cũng không cần trâu!

- Em xin nộp anh bao nhiêu lúa cũng được.

- Lúa tao cũng không cần!

Lưỡng lự một lát khỉ buột mồm:

-Thì em xin truyền lại cho anh phép bùa quý vậy.

Lút gật đầu:

- Thế thì được!

Anh Lút bèn gỡ bẫy, vòng dây thắt ngang bụng khỉ. Tuy vậy, anh vẫn đề phòng thói tráo trở của chú khỉ tinh ranh, anh vẫn nắm chắc một đầu dây, không bao giờ buông ra. Khỉ về nhà kì kèo xin vợ lá bùa phép cất kỹ trên sàn. Khi dùng bùa, anh Lút đọc câu thần chú: "Bùa hãy hoá phép cho ta đi! Hãy giúp ta trừ được bệnh hủi. Ta sẽ đánh chiêng mừng..."

Trong giây lát Lút khỏi hẳn bệnh hủi. Mình mẩy trơn tru, da dẻ hồng hào tốt tươi. Bấy giờ Lút đọc tiếp thần chú. Muốn chiêng, có chiêng. Muốn ché, có ché. Muốn trâu, có trâu.

Nhà chàng Lút bấy giờ xinh đẹp như bức gỗ chạm, trong làng vang lên lời ca ngợi nhà cửa xinh đẹp của anh. Lút có phép lạ:

Nhà anh đẹp như ché

Nhà anh khoẻ như chiêng

Nhà anh thẳng liền như tre

Nhà anh khoe màu huệ

Từ nay trở đi anh Lút trở nên một con người giầu có xinh đẹp. Trong nhà không thiếu thứ chi. Người ta lui tới thăm chơi chật trong chật ngoài như ngày hội.

Nhà Lút ở trên ngọn suối. Nhà bố mẹ vợ ở dưới đuôi suối. Bà ta đi múc nước, nhưng nước bị thối mùi tre ngâm!

Bà lội lần mé trên tìm xem thử có ai sục mà nước vẫn đục lên như thế. Bà thấy một bầy vịt đang hụp lặn tắm dưới suối.

Mụ hỏi mấy đứa bé ở đấy:

- Vịt nhà ai nhiều vậy các em?

- Vịt ấy là vịt của ông. Lợn ấy cũng là lợn của ông. Trâu ấy cũng là trâu của ông...

Mụ già nghe mấy đứa bé nói sốt ruột:

- Nhưng ông nào mới được?

- Ông Lút đấy mà, bà không biết à?

Nghe nói, bà mẹ đâm ra sửng sốt, suýt nữa đánh rơi vỡ mấy bầu đựng nước!

Bà mẹ bèn đi ngược dòng, để tìm xem cho được nhà của anh Lút. Bà đi đến nơi, nhưng anh chàng không ra mở cửa. "Xưa kia bà chẳng xua đuổi vợ chồng chàng như đuổi tà là gì?". Ngay lúc đó, trời đổ mưa to, giông bão đầy trời.

Một hồi sau, nghĩ thương bà già bị mưa gió sấm sét, sẽ rét mướt nguy hiểm. Lút ra mở cửa.

Thấy bà mẹ vợ đã biết lỗi, vợ chồng anh Lút cũng quyên chuyện cũ. Anh chị làm lễ mừng, mời ông bà lên nhà ăn uống, vui chơi với con cháu.

Từ đấy, ai ai cũng trầm trồ khen vợ chồng anh Lút giầu có, ăn ở tốt bụng với bà con dân làng.

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...

Nợ duyên trong mộng

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu...

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả...

Em bé thông minh

Ngày xửa ngày xưa, thưở ấy ở nước ta đang cần người hiền tài giúp nước, các quan trong triều cũng đã già cả rồi, sức không còn nhiều, nhà Vua bèn sai một viên quan đi dò la khắp nước để tìm ra người tài giỏi cùng vua lo toan việc nước...

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Sự tích hòn Vọng Phu

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái...