Chuyện nghiệp oan của Đào Thị

Ả danh kỹ ở Từ Sơn [1] là Đào Thị, tiểu tự Hàn Than, thông hiểu âm luật và chữ nghĩa. Niên hiệu Thiệu Phong [2] thứ năm (1345) đời nhà Trần, nàng được tuyển sung vào làm cung nhân, hằng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay ở chiếu bạc.

Một hôm vua thả thuyền chơi trên sông Nhị, rồi đi lần xuống tận bến Đông Bộ Đầu [3]. Vua lãng ngâm rằng:

Vụ ế chung thanh tiểu, Sa bình thụ ảnh trường.

Nghĩa là:

Mù tỏa tiếng chuông nhỏ, Cát phẳng bóng cây trường (dài).

Các quan chưa ai nối được vần, nàng Đào liền ứng khẩu được ngay:

Hàn than ngư hấp nguyệt, Cổ lũy nhạn minh sương.

Nghĩa là:

Bến lạnh cá đớp nguyệt, Lũy cổ nhạn kêu sương.

Vua khen ngợi hồi lâu rồi nhân đó gọi là: “ả Hàn Than”.

Vua Dụ Tôn mất, nàng phải thải ra ở ngoài phố, thường đi lại nhà quan Hành khiển là Ngụy Nhược Chân. Bà vợ quan Hành khiển không có con mà tính hay ghen, ngờ Hàn Than tư thông với chồng, bắt nàng đánh một trận rất là tàn nhẫn. Nàng tức tối vô cùng, bèn đem những trâm hoa bằng vàng ngọc bán đi để thuê thích khách vào nhà Nhược Chân trả thù. Nhưng thích khách đến, bị người nhà Nhược Chân bắt được, lúc đem tra khảo, hắn xưng ra Hàn Than. Hàn Than sợ, phải cạo trọc đầu và mặc đồ nâu sồng, trốn đến tu ở chùa Phật Tích [4], giảng kinh thuyết kệ, chỉ mấy tháng đã làu thông lắm.

Nàng có dựng ra am gọi là am Cư Tĩnh, mời họp các văn nhân để xin một bài bảng văn. Bấy giờ trong làng có một cậu học trò tuổi độ 14, 15, cũng đến hội họp. Hàn Thanh khinh là còn ít tuổi, nói đùa rằng:

– Anh bé con này cũng làm văn được à? Vậy thử làm cho tôi xem nào.

Cậu học trò không tỏ vẻ giận gì cả, lui lại dò hỏi được gốc tích Hàn Than, rồi làm bài văn như sau:

Cái văn: Phật bản từ bi, kỳ danh viết giác, Nhân năng thanh tịnh, tức ngụy thành chân. Năng tu pháp giới tân lương, Tiện thị tùng lâm tông chủ. Kính duy Phật Tích am sơn chủ Đào Thị Danh đào nhạc tịch, Đính lễ Phạm vương. Đào khẩu liễu yêu, trạo thiệt tế tài án duyệt Lương Châu kỷ khúc, Từ vân tuệ nhật, đài đầu gian dĩ quy y Đâu suất chư thiên. Quần phao tương thủy tằng tằng, Mấn lạc Sở vãn đoạn đoạn. Mộng lý vô đoan xúc cảnh, bán chẩm du tiên, Phong tiền hà xứ liêu nhân, sổ xoang đoản địch. Ca viện bất như tăng viện tĩnh, Nạp y tuyệt thắng vũ y lương. Thủy cúc Tào khê, do phân khuy kính ảnh, Dạ tuyên bối diệp, thượng tác nhiễu lương thanh. Tuy vân thiền định vong cơ, Phả nại cuồng tâm bị tửu. Túc bất hướng Tầm Dương tống khách, Thân khước lai Hàng Quận tham thiền. Ngũ Lăng nhi phao cẩm triền đầu, tuy tùy vị dĩ, Tam sinh khách kết Liên hoa xã, chiêu dẫn hà tần. Y! chung tàn trà yết vô dư sự, Hảo hướng sơn phòng nhất đả miên.

Dịch:

Mảng nghe: Phật vốn từ bi, gọi tên là Giác, Người mà thanh tĩnh, hóa giả thành chân. Muốn lên tông chủ trong rừng thiền, Hãy gắng tu trì trong cõi phép. Kính nghĩ am chủ ở núi Phật Tích là Đào Thị, Sổ ca nhạc rút tên ra khỏi. Cửa Phạm vương [5] núp bóng tìm vào, Miệng đào lưng liễu, uốn lưỡi vừa véo von mấy khúc Lương Châu [6]. Nhật sáng mây lành, nghển đầu đã tựa nương dưới trời Đâu Suất [7], Quần ném dòng Tương lớp lớp. Tóc rơi mây Sở từng từng, Trong mơ xúc cảnh bâng khuâng, du tiên nửa gối, Trước gió ghẹo người réo rắt, đoản địch vừa xong. Phòng tăng vắng vẻ khác phòng ca, áo đạo nhẹ nhàng hơn áo múa. Khe Tào múc nước [8], chợt ngờ mặt phấn trong gương, Lá bối [9] tụng kinh, còn thoảng âm vang trước nóc [10]. Mùi thiền dẫu bén, Lòng tục chưa phai. Bến Tầm Dương [11] không đến gẩy tỳ bà, Chùa Hàng Quận [12] lại vào nghiền kinh kệ. Gấm triền đầu phấp phới, theo đuổi chưa thôi [13], Hội Liên Hoa dập dìu, đón mời sao khéo [14]. Ôi! chuông tàn trà cạn ngồi chi nữa? Buồng núi vào tìm một giấc say.

Bài văn làm xong, viết lớn rồi dán vào cửa chùa, xa gần đua nhau chép. Hàn Than nhân thế, đương đêm bỏ chùa mà trốn. Nghe chùa Lệ Kỳ [15] ở hạt Hải Dương là một nơi nước tú non kỳ, phong cảnh tuyệt đẹp, trụ trì có sư già Pháp Vân và sư bác Vô Kỷ, bèn đến chùa xin bái yết. Pháp Vân không nhận và bảo Vô Kỷ rằng:

– Người con gái này, nết không cẩn nguyện, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người; tuy sen hồng chẳng nhuộm bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt. Vậy ngươi nên liệu lời từ chối, đừng để hối hận về sau.

Vô Kỷ không nghe, lại cứ nhận cho Hàn Than ở. Pháp Vân lập tức dời lên ở tận trên đỉnh núi Phượng Hoàng. Hàn Than tuy ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa từ bỏ. Mỗi lúc ở nhà dưới đi lên mặc áo lụa, mang quần là, điểm môi son, tô má phấn. Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa. Hằng ngày hai người cùng nhau làm thơ liên cú, phàm những cảnh vật trong núi, cái gì có thể ngâm vịnh được đều dấp bút đề vịnh để ghi danh thắng. Những thơ như thế nhiều lắm không thể chép hết được, xin thuật ra đây độ một hai phần:

Sơn Vân Dao đễ nùng hoàn đạm, Thiên biên thấp vị hy. Hiểu tùy sơ vũ khứ, Mộ đới lạc hà quy. ái đại nhân phong quyển, Du dương đáo xứ phi. Tăng dung đồng diệc lãn, Thùy vị yểm nham phi.

Dịch:  

Mây núi Bên trời đậm nhạt không thường, Ráng chiều mưa sớm bốn phương đi về. Sư lười tiểu cũng lười ghê, Siêng năng khép cửa bồ đề ấy ai?

*

Sơn vũ Nhất vũ thiên nham mính, Tiêu tiêu tác ý minh. Châu cơ đôi địa sắc, Tinh đẩu lạc thiên thanh. Lựu đoạt toàn lưu cấp, Lương hồi khách mộng thanh. Sơn phòng vô cá sự, Nhập dạ kỷ tàn canh.

Dịch:

Mưa núi Rào rào một trận mưa rơi, Đầu non ngọc rụng, lưng trời sao sa. Nước xô hơi lạnh vào nhà, Buồng sâu quạnh vắng đêm tà tà canh.

*

Sơn phong Linh lại khư u động, Chung tiêu sách sách thanh. Phiên hoa hồng ý loạn, Quyển thụ lục âm kinh. Tăng nạp hàm lương thiển, Chung lâu tống hưởng thanh. Mang mang thiên địa nội, Phi vị bất bình minh.

Dịch:

Gió núi Thâu đêm tiếng thổi ào ào, Hoa xơ xác thắm, cây rào rạt xanh. Chuông lầu đưa tiếng thanh thanh, Không gian nào phải bất bình mà kêu.

*

Sơn nguyệt Ẩn ẩn lâm sao quýnh, Liên không hạo khí phù. Hàm sơn ngân kính khuyết, Cách vụ ngọc bàn thu. ảnh lạc tùng quan tĩnh, Lương hồi trúc viện u. Thanh quang tùy xứ hữu, Hà tất thướng Nam lầu.

Dịch:

Trăng núi Sau rừng khí sáng lên cao, Long lanh gương bạc gác vào đỉnh non. Bóng soi mát dịu tâm hồn, Lên lầu Nam, lọ phải còn tốn công [16].

*

Sơn tự Nhất thốc huy kim bích, Nham yêu ẩn tịch dương. Phong cao tùng húng lãng, Thiên cận quế phiêu hương. Động tiểu cầm thanh náo, Phong tà tháp ảnh trường. Trần gian danh lợi khách, Vọng thử kỳ bàng hoàng.

Dịch:

Chùa núi Âm thanh ẩn dưới bóng tà, Thông cao hát gió, quế già phun hương, Chim rừng ríu rít kêu vang, Khách trần ai có mơ màng chăng ai?

*

Sơn đồng Sinh trưởng tiều tô địa, Ninh tri thiển thảo nguyên. Cuồng ca vân hắc ám, Đoản địch nhật hoàng hôn. My lộc phù ê lữ, Yên hà thủy thạch thôn. Quy lai thâm động lý, Vân bế tiểu càn khôn.

Dịch:

Tiểu đồng trong núi Năm năm sinh trưởng trong rừng, Đùa mây hát sớm, thét trăng còi chiều. Bạn bầy chim đá nai hươu, Càn khôn riêng mở bên đèo khói mây.

*

Sơn viên Ẩn ước sào nam lữ, Duyên nhai nhật kỷ hồi. Sầu tương Ba lệ lạc, Thanh nhập Sở vân ai. ẩm giản hô bằng khứ, Văn kinh tác bạn lai. Vân thâm hà xứ mịch, Sơn sắc chính thôi ngôi.

Dịch:

Vượn núi Non cao ngoăn ngoắt leo chơi, Tiếng kêu buồn để cho người rơi châu. Uống khe dắt rủ bạn bầu, Ngàn mây ẩn bóng biết đâu dò tìm.

*

Sơn điểu Thân thế vân yên ngoại, Y y tận nhật nhân. Nhất thanh sơn sắc minh, Sổ cá tịch dương hoàn. Tăng củng hàm lai quả, Sào thê đáo xứ san. Chu thu thùy hội ý, Phi nhiễu tiết la gian.

Dịch:

Chim núi Khói mây ngày tháng thong dong, Kêu trong sắc núi, vờn trong bóng chiều. Tha quả chín, đậu đồi kiêu, Bên rừng lá rậm dập dìu liệng quanh.

*

Sơn hoa Noãn nhập cao đê thụ, Chi chi hỏa dục nhiên. Đông tây hà thế giới, Viễn cận cẩm sơn xuyên. Hồng vũ lâm yêu đọa, Hương phong động khẩu truyền. Tự khai hoàn tự lạc, Kim cổ kỷ xuân thiên.

Dịch:

Hoa núi Xuân sang đỏ ối cành cành, Mây thêu gấm dệt bao quanh bốn bề. Sắc hương man mác rừng khe, Cổ kim từng biết bao khi nở tàn.

*

Sơn diệp Nhất bích thiên vô tế, Tùng điều nhân vọng mê. Thu lai hoàng bị kính, Xuân đáo lục doanh khê. Trú quyện vô nhân tảo, Yên thâm hữu điểu đề. Thương nhiên khan bất tận, Thiên lý tịch dương tê (tây).

Dịch:

Lá núi Lưng không bát ngát bốn bề, Thu sang ngập úa, xuân về rợp xanh. Chim kêu ríu rít đầu cành, Tà dương bóng ngả chênh chênh ngàn đoài.

***

Hai người ham mê nhau quá, chỉ cốt cái thú vui sướng trước mắt. Nhưng vui quá hóa buồn, lẽ tự nhiên như thế, không có gì là lạ. Năm Kỷ Sửu (1349) nàng quả vì có thai rồi ốm, lay lứt từ mùa xuân đến mùa hạ, ngồi lên nằm xuống, tất thảy đều có người đỡ vực. Sư Vô Kỷ vốn không biết thuốc, lại không biết đường chạy chữa, khiến nàng sau phải nằm quằn quại chết ở trên giường cữ. Vô Kỷ xót thương vô hạn, quàn nàng ở cuối mái hành lang phía Tây, sớm tối vỗ vào áo quan mà khóc rằng:

– Em ơi, em vì anh mà chết một cách oan uổng. Nếu anh được theo em cùng chết, anh rất sẵn lòng, khỏi để em vò võ một mình ở nơi chín suối. Huống chi khi em bình sinh vốn thông tuệ, khác hẳn với mọi người thường, nếu có linh thiêng, xin sớm cho anh được theo về dưới đất, anh không muốn lại trông thấy sư cụ Pháp Vân nữa.

Sau mấy tháng Vô Kỷ cũng vì nhớ thương mà thành ốm, lai rai đến nửa năm trời, bỏ cả cơm cháo. Một đêm thấy Hàn Than hiện đến bảo rằng:

– Thiếp buổi trước ngàn dâu xế bóng, cửa Phật nương mình, đáng cười thay chưa dứt lòng trần, thêm ngán nỗi còn vương nợ nghiệt, đài Dao mệnh dứt, đến nỗi chia bày, sống còn chưa được thỏa yêu đương, chết xuống sẽ cùng nhau quấn quýt. Mong chàng hiểu câu lục như [17], như bỏ giường thiền tứ đại [18], tạm rời cảnh Phật, về chốn suối vàng để thiếp được ngửa nhờ Phật lực, thác hóa đầu thai, đặng trả cho xong một cái nợ oan gia ngày trước.

Nói xong thì không thấy đâu cả. Từ đấy bệnh Vô Kỷ ngày càng nguy kịch. Sư cụ Pháp Vân nghe tin, xuống núi để thăm, thì bệnh đã không thể cứu vãn được nữa, đành chỉ trông nhau ứa nước mắt, rồi một lát thì Vô Kỷ chết. Đêm hôm ấy gió mưa dữ dội, ở kinh đô có nhiều nhà lật mái đổ tường. Bà vợ quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân chiêm bao thấy hai con rắn cắn vào mạng sườn ở dưới nách bên tả. Sau đó rồi bà có mang sinh ra được hai người con trai, đặt tên người con lớn là Long Thúc, người con bé là Long Quý.

Hai đứa trẻ ấy mới đầy một tuổi đã biết nói, lên tám tuổi đã biết làm văn, được cha mẹ rất là yêu quý. Bây giờ đang giữa mùa hè nóng bức, Nhược Chân một hôm ngồi hóng mát trên cái lầu cao. Cửa lầu trông xuống đường, có một vị thầy tu đói khó đi qua ở dưới, dùng dằng trông ngắm, muốn đi mà không đi dứt được. Chợt rồi người ấy phàn nàn:

– Lạ thay tòa lâu đài thế kia mà rồi sẽ thành cái vực của thuồng luồng. Đáng tiếc! Đáng tiếc!

Nhược Chân sợ hãi thất sắc, vội chạy theo hỏi; ban đầu thầy tu không chịu nói, chỉ bảo vừa rồi bàng hoàng nói nhảm chứ không thấy có gì lạ, xin bất tất phải nghi ngờ. Nhưng Nhược Chân cứ cố khẩn nài, thầy tu mới bảo là nhà ông chứa đầy khí yêu quái, nếu không là nghiệp báo kiếp trước thì tất là oan gia kiếp này; người ta đã ở trong nhà ông, chỉ năm tháng nữa thì cả nhà không còn sống sót một mống.

Nhược Chân kêu xin cứu cho, thầy tu nói:

– Tôi vốn có con mắt xem người rất sành. Xin cho tôi xem tất cả người trong nhà, hễ tôi thấy đúng người nào thì gõ vào chậu để cho ông biết. Nếu tiết lộ ra một lời thì tai vạ xảy ra ngay lập tức.

Nhược Chân gọi tất cả người nhà ra lạy chào; thầy tu xem khắp lượt rồi lắc đầu nói:

– Đều không phải cả. Vị tất đã biến thành hình. Lại hỏi trong nhà còn ai phải gọi nốt ra. Nhược Chân vào gọi nốt hai con trai đang ngồi trong nhà học. Khi hai người con trai đến, thầy tu liền gõ vào chậu rồi nức nở khen:

– Quý hóa thay hai cậu con trai! Sau này làm nên sự nghiệp lừng lẫy, vẻ vang cho nhà và danh giá với đời, tất nhiên là những cậu này.

Hai người đều giận nói:

– Thầy chùa ở đâu đến đây mà bẻm mép tán xằng gì thế?

Nói rồi đều phất áo đi vào. Nhược Chân không bằng lòng; thầy tu cũng từ giã ra đi. Đêm hôm ấy, Long Quý khóc bảo với Long Thúc rằng:

– Vị yêu tăng hôm nay, lời nói ba hoa hình như có ý dòm dỏ. Nếu hắn mà biết, e rằng sẽ nguy cho chúng ta lắm đấy. Long Thúc cười mà rằng:

– Trừ được chúng ta, duy có một sư cụ Pháp Vân. Còn những kẻ khác, ta chỉ giơ tay là cướp được bùa dấu của họ. Huống chi Nhược Chân đối với ta, tất vì tình cốt nhục mà không hiềm nghi gì cả, ta có thể yên ổn không lo ngại gì.

Bấy giờ Nhược Chân nằm ngủ không yên, đang dậy đi một mình thơ thẩn, tình cờ do chỗ khe cửa sổ mà nghe lóng được, sợ hãi kinh hoàng không biết tính thế nào.

Ngày hôm sau, nói vờ là có chút việc, từ nhà ra đi, dò thăm khắp chốn danh lam, tìm hỏi vị sư cụ có tên hiệu là Pháp Vân. Trải hơn một tháng đến tìm chùa ở Lệ Kỳ, thấy gã tiểu đồng nói hồi nhỏ có nghe tên hiệu ấy nhưng sư cụ đã dời vào núi sâu từ lâu rồi. Tiểu đồng nhân trỏ lên ngọn núi Phượng Hoàng [19] mà bảo:

– Sư cụ ở trên núi kia kìa.

Nhược Chân bèn xắn áo đi lên, qua bốn năm dặm nữa mới tới chỗ sư cụ ở. Bấy giờ sư cụ đang nằm ngủ ở trên ghế tiếng ngáy như sấm, hai bên tả hữu có hai chú tiểu đứng hầu. Nhược Chân khúm núm đi lên, hai gã tiểu đồng quát mắng làm cho sư cụ tỉnh giấc. Nhược Chân đến trước sụp lạy và kể cái bản ý tìm đến của mình. Sư cụ cười mà rằng:

– Sao tiên sinh lầm thế? Lão phu thân không ở chùa chiền, chân không đến thành thị đã lâu năm rồi. Nay chỉ có thể ở trong am cỏ, quét đất thắp hương, tụng kinh Lăng nghiêm mấy lần. Chứ còn đến bay bùa chạy dấu thì không phải là việc của lão.

Sư cụ từ chối rất dứt khoát. Hai tiểu đồng đứng bên bàn rằng:

– Đức Phật nhà ta lấy từ bi làm bè, tế độ làm cửa, thương bể khổ trôi nổi, cứu sông mê đắm chìm. Bởi vì ngài muốn ai nấy cùng sang bỉ ngạn, cùng gội thiện duyên. Nếu thầy nhất định chối từ thì sao làm rộng đạo nhà Phật ra được.

Bấy giờ sư cụ mới vui vẻ nhận lời. Bèn dựng một đàn tràng ngay ở trên núi, treo đèn bốn mặt và lấy bút son vẽ bùa dấu. Ước độ trống canh thì có đám mây đen mươi trượng bao bọc ở chung quanh đàn, một cơn gió lạnh thổi ào làm cho người phải ghê rợn. Sư cụ cầm cây tích trượng chỉ huy tả hữu, có lúc lại ra khỏi đàn làm ra bộ quát mắng. Nhược Chân ngồi ở một ngôi nhà phía xa, vén mành trông trộm; nhưng vắng lặng chẳng thấy gì cả, chỉ nghe trên không có tiếng khóc y ỷ, một lúc tiếng tắt mà đám mây cũng tan. Sáng hôm sau, sư cụ lấy một phiến đá bôi hùng hoàng vào rồi viết mực lên, trao cho Nhược Chân mà bảo:

– Ông về hễ thấy loài yêu quái biến ra vật gì, kịp lấy đá này mà ném thì những mối thừa của tai họa sẽ dứt được hết. Nhược Chân về đến nhà. Thấy người nhà đương ngồi châu đầu mà khóc. Bà vợ kể chuyện canh ba đêm nọ, hai con trai cùng dắt nhau xuống giếng mà chết, nước giếng dâng lên hầu ngập cả thềm, hiện ra hai cái thây đều đã quàn ở vườn nam, chỉ đợi Nhược Chân về thì đem mai táng.

Nhược Chân hỏi:

– Trước lúc chết, chúng có nói gì không?

Người nhà nói:

– Chúng chỉ phàn nàn là giá chậm độ mấy tháng nữa thì công việc xong, không ngờ bị kẻ cuồng tăng làm hại.

Nói xong, lại gào khóc. Nhược Chân can ngăn rồi cùng ra vườn nam mở nắp quan tài để xem. Khi mở thấy hai cái thây đã hóa thành hai con rắn vàng, lấy hòn đá ném thì chúng liền nát ra tro cả. Vợ chồng liền sắm nhiều vàng lụa đem đến tạ ơn sư cụ Pháp Vân. Nhưng đến nơi thì thấy am cỏ rêu phong, không tìm nhận ra được vết đi nào cả, nhân buồn bã cùng nhau trở về.


Chú thích:

[1] Từ Sơn: tên huyện, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh

[2] Thiệu Phong: niên hiệu vua Trần Dụ Tông (1341-1357)

[3] Đông Bộ Đầu: bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên, gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay.

[4] Chùa Phật Tích: nguyên chú: “Chùa núi Phật Tích thuộc xã Sài Khê, huyện Thạch Thất”, tức chùa Thày, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

[5] Cửa Phạn Vương: cửa chùa, cửa Phật..

[6] Khúc Lương Châu: khoảng niên hiệu Thiên Bảo đời Đường, các điệu nhạc đều lấy tên các vùng đất ngoài biên tái như Lương Châu, Cam Châu, Y Châu…

[7] Đâu Suất: là tầng trời thứ tư trong sáu tầng dục giới, nơi Di Lặc ở và giáo hóa những người có thiện duyên (Theo kinh Phật).

[8] Khe Tào múc nước: Đời Lương có vị cao tăng là Trí Dược từ nước Thiên Trúc vào Trung Quốc. Thuyền đến cửa Khe Tào ở Thiều Châu, thoảng thấy mùi thơm, múc nước nếm rồi bảo: “Thượng lưu dòng nước này có thắng địa”. Bèn khai núi làm chùa, đặt tên là Bảo Lâm.

[9] Lá bối: Một thứ lá cây, trước đây thường dùng chép kinh Phật.

[10] Hàn Nga sang Tề, đi qua cửa Ung thì hết lương, phải hát rong kiếm tiền ăn; đi rồi mà tiếng hát còn văng vẳng trên nóc nhà ba ngày không dứt.

[11] Tầm Dương: Bạch Cư Dị bị giáng chức làm tư mã Giang Châu. Một hôm đi thuyền tiễn khách, đậu ở bến Tầm Dương đã nghe tiếng đàn tì bà ai oán mà tuyệt diệu, thổ lộ tâm tình của người kỹ nữ tài hoa luống tuổi lấy người lái buôn chè. Người lái buôn ham lợi để nàng ca nữ một mình trên bến sông lạnh lùng.

[12] Hàng Quận: Cầm Tháo là một ca kỹ ở Tây Hồ thuộc Hàng Châu, một lần tiếp Tô Đông Pha, một trong bát đại gia Đường Tống, nghe ông đọc hai câu thơ: Môn ngoại lãnh lạc yên mã hi; Lão đại giá tác thương thân phụ (Ngoài cửa lạnh lùng xe ngựa vắng; tuổi già duyên kết chú phường buôn). Cầm Tháo tỉnh ngộ bèn cắt tóc đi tu.

[13] Đời Đường các công tử vương tôn nghe hát, thường lấy gấm quàng đầu con hát để thưởng, gọi là “phao cẩm triền đầu” (Ném gấm quấn đầu).

[14] Thầy chùa Tuệ Viễn đời Tấn cùng các bạn tu 15 người họp thành hội Bạch Liên hoa, viết thư mời Đào Uyên Minh đến dự, Uyên Minh bảo có rượu mới tới. Viễn nhận lời, nhưng Uyên Minh đến lại không có rượu, ông chau mày bỏ đi.

[15] Chùa Lệ Kỳ: Nguyên chú: “Chùa Lệ Kỳ nay thuộc huyện Chí Linh”. Chí Linh nay thuộc tỉnh Hải Dương.

[16] Dữu Lượng đời Tấn làm Đô đốc Kinh Châu thường lên lầu Nam thưởng nguyệt.

[17] Kệ lục như: Bài kệ trong kinh Phật nói hết thảy mọi việc đời đều: như mộng, như huyễn, như bọt, như sương, như điện, như bóng (tám điều như).

[18] Giường thiền tứ đại: Kinh Phật nói thân thể người ta là do tứ đại (đất, nước, lửa, gió) hợp thành. Tô Đông Pha vốn chơi thân với sư Phật ấn. Một hôm ông Tô đến chơi, Phật ấn đùa bảo “Quan nội hàn đến làm gì? ở đây không có chỗ ngồi”. Ông Tô đùa lại: “Xin mượn cái “tứ đại” của sư làm giường thiền”.

[19] Núi Phượng Hoàng: nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

[20] Câu này của Khổng Tử trong sách Luận ngữ. Nhà nho coi các học thuyết khác (không phải đạo nho) là “dị đoan”, ở đây chỉ đạo Phật.

[21] Thôi Hạo đời Ngụy ghét đạo Phật. Nhân vua Ngụy đến thành Trường An, vào một ngôi chùa, thấy có binh khí và nhà hầm giấu con gái, Hạo bèn xin vua giết hết sa môn (sư) trong thiên hạ.

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Bán tóc đãi bạn

Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học...

Sự tích con muỗi

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn...

Sự tích sông Tô Lịch

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con...