Mùa xuân, mùa hoa đào nở, trăm hoa đua sắc, ong bướm bay lượn, nhiều côn trùng đang lấy mật truyền phấn trong những lùm hoa, thật là một cảnh tượng tấp nập. Ong và bướm có thể ngửi được mùi hoa của các loại hoa quả, lẽ nào chúng cũng có "mũi" sao?
Côn trùng thực sự là có "mũi". Nếu bạn bắt được các loại côn trùng, quan sát tỉ mỉ một chút thì sẽ phát hiện ra trên đầu chúng đều có một đôi xúc tu. Có điều xúc tu của các loài côn trùng không giống nhau: có cái thì dài giống như một đôi roi, có cái thì mọc rất nhiều nhánh giống như hai chiếc bàn chải; có cái rất ngắn, phía dưới là một cái cán, phía trên phình to, hai chiếc xúc tu giống như hai chiếc búa ngắn. Ngoài ra, phía dưới miệng của côn trùng còn có hai đôi râu ngắn nhỏ. Tuy bề ngoài của xúc tu và râu hoàn toàn khác so với mũi của động vật bậc cao, nhưng chúng lại có thể giống như chiếc mũi có tác dụng ngửi mùi. Bởi vì bề ngoài của xúc tu và râu có rất nhiều lỗ thủng nhỏ, có một số tế bào ẩn trong lỗ thủng có thể cảm thụ mùi. Khi côn trùng gặp phải không khí mang theo mùi, nhờ cấu tạo đặc biệt này, chúng phân biệt được rõ mùi.
Đối với nhiều côn trùng, chiếc "mũi" đặc biệt này rất quan trọng. Ngoài ong và bướm ra, còn có không ít côn trùng đã lợi dụng khứu giác để tìm thức ăn hoặc tìm bạn đời để sinh đẻ con cái. Con kiến mà mọi người rất quen thuộc, có thể căn cứ vào khứu giác để nhận biết bạn đời của mình; nếu như thả vài con kiến ở tổ kiến này vào trong một tổ kiến khác, do mùi của chúng không giống nhau nên những con kiến ngoại lai sẽ nhanh chóng bị cắn chết. Côn trùng đã có khứu giác, vì vậy cũng có thể tránh được các loại mùi mà nó không thích.
Căn cứ vào đặc tính có thể ngửi được mùi của côn trùng, con người đã chế tạo ra nhiều loại thuốc có mùi. Trong đó, có một số thuốc có thể dụ dỗ được côn trùng có hại đến, sau đó giết chúng; có một số thuốc có thể làm cho côn trùng có hại lảng tránh, có thể bảo vệ được người và động vật không bị sâu bọ gây hại, như hương đuổi muỗi, tinh dầu long não... có thể phát huy được tác dụng này.
Côn trùng không chỉ có thể ngửi mùi, mà còn có thể phân biệt được âm thanh. Bởi vì trên cơ thể của chúng có một số bộ phận có tác dụng như đôi tai. "Tai" của côn trùng rất kì lạ, vị trí mọc rất khác nhau. "Tai" của côn trùng mọc ở hai bên trái phải của đoạn thứ nhất phần bụng, mỗi bên một cái, bề ngoài giống như vết nứt hình bán nguyệt, rất dễ nhìn thấy. "Tai" của muỗi mọc ở trên hai xúc tu của phần đầu, trong đoạn thứ hai của mỗi xúc tu ẩn giấu một cơ quan nghe âm thanh. "Tai" của con dế lại mọc ở trên đoạn thứ hai của một đôi chi trước. Còn "tai" của thiêu thân, cái thì mọc ở phần ngực, cái thì mọc ở phần bụng. Khả năng thính giác của côn trùng rất đặc biệt. Khả năng phân biệt đối với nhịp điệu và quy luật của âm thanh rất tốt, nếu như số lần đứt nối của âm thanh trong mỗi giây đồng hồ tương đối nhiều, thì tai người nghe không ra chỗ đứt nối, chỉ cảm thấy được là một chuỗi âm thanh liên tục. Nhưng nhiều côn trùng lại có thể phân biệt được rõ ràng sự thay đổi mấy chục lần mỗi giây của nhịp điệu và quy luật. Không chỉ như vậy, những người làm công tác khoa học đã phát hiện ra có rất nhiều côn trùng có thể nghe được siêu âm, thậm chí có con có thể nghe thấy siêu âm dao động 20 vạn lần mỗi giây (200 kHz).
"Tai" của côn trùng chủ yếu là dùng để tìm "bạn đời". Ví dụ như côn trùng cái cô đơn, nó dựa vào âm thanh lạ phát ra thì dễ tìm được nơi ẩn náu của côn trùng đực để thực hiện hoạt động giao phối. "Tai" cũng phát huy được tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ an toàn bản thân. Như nhiều con thiêu thân có thể nghe được âm thanh của con dơi (loại âm thanh này gọi là sóng siêu âm, tai người nghe không được), làm cho chúng có thể nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm để không bị rơi vào trong miệng con dơi.