Kiện ngành đa

Ngày xưa có hai vợ chồng một người lái buôn hương. Họ chưa có con cái gì cả. Chồng vắng nhà liên miên, chỉ thỉnh thoảng mới về một lần. Có lần chồng đi khá lâu. Vợ ở nhà lọt vào mắt một tên xã trưởng. Dựa vào quyền thế, xã trưởng tìm cách quyến rũ người đàn bà đó và cuối cùng hai người tằng tịu với nhau. Nhưng hắn rất khôn ngoan, thỉnh thoảng mượn cớ đi tuần đến với người đàn bà một lần. Vì thế trong xóm ngoài làng chả một ai ngờ cả.

Lần ấy ông lái hương mải mê buôn bán nên không tiện về nhà. Ông cất hàng đi rất xa và làm ra rất nhiều tiền. Sau ba năm, một hôm gần giỗ cha, ông mới sực nhớ đến vợ bèn thu xếp tiền nong tìm về quê cũ. Sắp về tới làng thì trời đã tối, ông sực nghĩ tới số tiền công lao mồ hôi nước mắt trong mấy năm trời: - "Ta đi vắng lâu quá! Không biết chừng ở nhà có sự thay đổi". Nghĩ thế, ông đem 120 lạng bạc trong bồ ra buộc làm một gói. Khi đến cây đa đầu làng, ông ta trèo lên và đem số bạc ấy giấu vào hốc cây. Ông khấn:

- Tôi là dân làng này, tôi làm ăn dành dụm được có chừng ấy, tôi gửi cho ngài, trăm sự nhờ ngài giữ hộ.

Vợ thấy chồng về lăng xăng cơm nước tiếp đón hết sức thân mật. Nhưng khi nhìn thấy chiếc bồ không, liền hết lời trách móc:

- Anh buôn thua bán lỗ làm sao mà bỏ vợ dại ở nhà ba năm đằng đẵng không đoái không hoài gì cả. Tiền nong anh vứt đi đâu? Trời ơi sao mà tệ thế!

Thấy tình hình không có gì đáng ngại mà vợ vẫn có vẻ một lòng một dạ với mình, người lái hương yên tâm, nên đêm ấy khi nằm lên giường, ông tỷ tê kể hết việc làm ăn khấm khá của mình cùng việc gửi bạc ở hốc cây đa đầu làng cho vợ nghe.

Không ngờ đêm ấy, xã trưởng theo thói quen tìm đến nhà nhân ngãi. Hắn quen chó, lại thuộc cách mở cổng nên chả mấy chốc đã lọt vào thềm nhà. Sắp bước vào buồng, hắn bỗng nghe tiếng trò chuyện nhỏ to. Biết là chồng cô ả đã về, hắn đứng lại nghe ngóng. Và khi biết rõ người lái hương giấu bạc ở cây đa, hắn mừng quá, vội lùi một mạch ra đầu làng, cuỗm ngay gói bạc. Hắn lấy một cách ngon lành, chả một ai biết cả.

Rạng ngày hôm sau, khi người lái hương ra lấy bạc thì ôi thôi, bạc đã không cánh mà bay mất tự bao giờ. Xót lòng vì mất của mà không biết kêu van với ai, ông ta đấm ngực kêu trời rất thảm thiết. Mãi về sau nghe tin gần miền có một ông Trạng xử kiện nổi tiếng, ông bèn chặt lấy một cành đa mang đến kiện với Trạng. Tuy thấy sự tình éo le, Trạng cũng nhận lấy cành đa rồi báo người lái hương về, sáng mai lại đến. Lập tức, Trạng sai quân hầu rào bốn bên cây đa lại, không cho một ai đến gần, rồi ngầm sai đào hố ở gốc, cho người xuống nấp dưới đó.

Sáng hôm sau, Trạng đến đóng dinh ở gần cây đa rồi trước mặt bàn dân đông đủ, Trạng bắt nguyên cáo và bị cáo ra đối chất. Cây nhận có giữ gói bạc nhưng không biết người nào lấy đi. Hỏi mãi cây vẫn không khai được một điều gì. Quân hầu của Trạng được lệnh khảo đả cây túi bụi. Mọi người đứng trước dinh Trạng đều nghe bị cáo van khóc rối rít. Mãi đến ngày thứ ba, bị cáo mới tả cho biết mặt mũi người ăn trộm, nhưng chỉ nói riêng cho Trạng nghe mà thôi. Liền đó, Trạng cho người lái hương về, ba ngày sau sẽ bắt tên trộm hoàn lại số tiền, nhưng trước đó phải dọn cỗ bàn tạ thần mình và mời làng nước đến ăn mừng về việc tìm lại được của. Trạng còn ghé tai dặn dò ông ta: - "Trong nhà có bao nhiêu chó dữ phải thả ra trong khi khách đến".

Người lái hương tin lời Trạng, về nhà mổ trâu khoản đãi bà con làng nước. Mỗi một người đến ăn cỗ lại làm cho mấy con chó cũi một phen sủa hết hơi. Duy chỉ có xã trưởng vì ba năm lui tới nên chó không còn lạ hơi nữa. Khi thấy mấy con chó vẫy đuôi mừng xã trưởng, lập tức những người của Trạng, trực sẵn ở sau nhà, bắt lấy giải đi.

Trước mặt Trạng, ban đầu xã trưởng chối lấy chối để. Nhưng sau thấy Trạng vạch tội hắn có ngành có ngọn và cho biết thêm là cây đã thú thật mặt mũi người lấy trộm như thế nên hắn đành cúi đầu nhận tội.

Ngày nay, người Nghệ-tĩnh có câu: "Kiện ngành đa" ý nói kiện một cách gián tiếp, nghĩa là kiện một sự việc này nhưng chính nhờ đó làm nảy ra ánh sáng một sự việc khác.

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Sự tích hồ Gươm

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...