Công viên là nơi vui chơi giải trí của mọi người trong những ngày lễ tết. Người ta đến công viên xem hoa ngắm cá, trẻ nhỏ có chỗ vui chơi riêng.
Bạn có thể không lạ gì công viên, nhưng không phải tất cả mọi người đều đã đến Di Hoà Viên ở Bắc Kinh, sơn trang nghỉ mát ở Thừa Đức hoặc Chuyết Chính Viên ở Tô Châu. Đây là những kiến trúc hoa viên truyền thống nổi tiếng nhất của Trung Quốc, nghệ thuật cây cảnh ở đây cũng lừng danh thế giới.
Trong nghệ thuật đa dạng của kiến trúc, hoa viên là một yếu tố quan trọng biểu hiện nét đặc sắc của kiến trúc mỗi vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau. Vậy thì, kiến trúc hoa viên truyền thống của Trung Quốc có những nét đặc sắc gì?
Kiến trúc hoa viên của Trung Quốc ngay từ thời Ân Chu hơn 3000 năm trước đã bắt đầu được xây dựng, hồi đó gọi là "Hựu" (có nghĩa là vườn nuôi thú - ND). Về sau trên cơ sở của "Hựu" người ta phát triển thành "Cung uyển" trong đó kiến trúc cung thất là chủ yếu. Đến thời Đường Tống, hoa viên của dân gian cũng phát triển mạnh mẽ, đồng thời hình thức và kỹ xảo kiến trúc ngày càng tinh tế, hoàn mỹ, dần dần hình thành đặc điểm rõ rệt nhất của hoa viên Trung Quốc, đó là vườn sơn thuỷ.
Hoa viên của Trung Quốc nhất định phải có núi và nước, hơn nữa còn tận dụng các đồi núi, sông hồ tự nhiên, như ở Nhiệt Hà, Thừa Đức vốn có núi, đá, khe suối, Chuyết Chính Viên ở Tô Châu thì lấy nguồn nước thiên nhiên làm điều kiện cơ bản. Nhưng nhiều hơn cả là phải thông qua một loạt quy hoạch kiến trúc, mới có thể xây dựng nên hoa viên đẹp nhất cho du khách thưởng ngoạn. Ví dụ, khi làm công viên, người ta phải đào ao mương, lấy đất đá đắp thành dốc núi, quả là nhất cử lưỡng tiện. Hơn nữa, hoa viên khác với cảnh non xanh nước biếc tự nhiên, bên trong hoa viên có cảnh vật đẹp đẽ, ngoài ra, còn phải thuận tiện cho việc đi dạo ngắm cảnh và nghỉ ngơi. Điều đó đòi hỏi giữa núi và nước, phải có các công trình kiến trúc nhiều hình vẻ. Trong các hoa viên cổ người ta thường xây các đình, đài, lầu, tạ, với hình thức khác nhau tựa vào lưng núi, bên sông hồ, để tiện cho tao nhân mặc khách cầm kỳ thi hoạ. Thấp thoáng dưới lùm cây hoa lá, người ta xây dựng hiên, trai, đường, thất, để cho du khách có thể nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi đi dạo ngắm cảnh. Ngoài ra còn tuỳ theo từng phong cảnh ở trong công viên, người ta còn bố trí những hành lang có đường gấp khúc chạy vòng quanh và những cầu nhỏ vào những nơi u tịch, vắng vẻ. Các kiến trúc đó vừa phục vụ du khách, mà bản thân nó cũng trở thành cảnh vật như thơ như họa, phối trí hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên, núi non, sông suối, cỏ cây hoa lá ở xung quanh.
Các công trình kiến trúc trong hoa viên, ngoài một số đình, tạ ra nói chung do nhiều kiến trúc hợp thành một quần thể và biến hoá đa dạng, như hình chữ khải, hình chữ công, hình thước thợ, hình trăng lưỡi liềm v.v. Chúng cùng với một số kiến trúc khác trong công viên như bến thuyền, cầu, tường, hành lang v.v. cấu thành trung tâm của một bức tranh hoàn chỉnh, có chủ đề tư tưởng rõ rệt.
Phong cách kiến trúc hoa viên truyền thống của Trung Quốc còn tuỳ theo từng thời kỳ khác nhau và vùng miền khác nhau mà có sự khác nhau. Hoa viên thời Tần Hán gọi là "cung uyển", nó lấy kiến trúc cung thất hào hoa làm chủ đề của uyển, trong uyển có cung, trong cung có uyển, bố cục kiến trúc tuy quanh co, nhưng vẫn thường có đường trục rõ rệt. Còn đến thời Tống, thì kiến trúc cung thất bị mờ nhạt, mà chú trọng hơn vào sự phối hợp hài hoà với cảnh sắc non nước, các kiến trúc cũng tuỳ theo cảnh sắc mà bố trí một cách tương ứng "trong cái nhỏ thấy cái lớn", "tuy do người làm ra, mà như là trời đất dựng nên". Phong cách đó tiếp tục kéo dài đến sau này và dần dần trở thành nét đặc sắc của hoa viên Trung Quốc nổi tiếng thế giới. Ngoài ra hoa viên có tính chất hành cung thuộc về hoàng gia, như Di Hoà Viên, sơn trang nghỉ mát v.v., kiến trúc hùng vĩ, uy nghi. Hoa viên ở Tô Châu thì tiêu biểu cho vùng Giang Nam, nổi tiếng bởi kiến trúc nhỏ, khéo léo tinh tế, chỉ riêng những bức tường ở trong công viên người ta đã thiết kế những cửa số nhiều hình dáng, nhìn ra bầu trời và các cửa động có thể thưởng ngoạn phong cảnh.
Kiến trúc hoa viên truyền thống của Trung Quốc có giá trị nghệ thuật và giá trị khoa học rất cao, điều đó khiến cho nó có thể lưu truyền đến trăm ngàn đời sau, có ảnh hưởng rất lớn đối với kiến trúc hiện đại.