Mười hai tháng

Mười hai tháng

Hiền và Nhàn là hai chị em cùng cha khác mẹ. Từ ngày bố mất, Hiền càng bị dì ghẻ và em ghét bỏ. Mụ dì ghẻ hắt hủi Hiền, chỉ vì Hiền ngoan ngoãn và xinh đẹp, còn Nhàn, con đẻ mụ ta, thì vừa xấu lại vừa ác.

Một ngày nọ, giữa mùa đông rét mướt, Nhàn bảo Hiền:

– Chị hãy vào rừng tìm về đây một cành đào thật đẹp. Tôi muốn chơi xuân trước mọi người.

– Trời! Bây giờ làm gì đã có đào hở cô?

Nhàn hét lên:

– Chị phải làm theo ý tôi! Chị không tìm được hoa đào về đây thì chết với tôi.

Mụ dì ghẻ đẩy Hiền ra sân, rồi cài chốt then cửa lại.

Trời rét như cắt ruột. Cô bé tội nghiệp đi về phía rừng. Vừa đói bụng, vừa rét, cô bị lạc đường. Bỗng phía xa cô thấy lập lòe ánh lửa. Cô bèn nhắm theo hướng đó mà đi. Cuối cùng cô trèo lên một tảng đá to. Tại đây, có một đống củi đang cháy rừng rực. Quanh đống lửa, mười hai ông tiên đầu tóc bạc phơ, uy nghi và im lặng, ngồi trên mười hai phiến đá hoa cương lấp lánh. Ba vị mặc áo màu xanh cỏ non, ba vị mặc áo đỏ chói như hoa phượng, ba vị mặc áo vàng rực rỡ như hoa cúc, ba vị mặc áo xám như bầu trời mùa đông. Trong ba vị mặc áo xanh, có một ông, tay chống một chiếc gậy trúc dài. Đó là ông Tháng Giêng.

Hiền sợ hãi, nhưng vì rét quá, cô đánh bạo đến gần đống lửa, rụt rè thưa:

– Cháu xin kính chào các cụ! Cháu rét quá, cho phép cháu được sưởi nhờ một tí.

Ông Tháng Giêng cất giọng ồm ồm hỏi:

– Cháu đến đây làm gì?

Hiền trả lời:

– Thưa cụ, cháu đi tìm hoa đào.

– Bây giờ làm gì đã có hoa đào?

Hiền buồn rầu đáp:

– Cháu vẫn biết thế. Nhưng nếu cháu về không, dì và em cháu sẽ đánh cháu. Xin cụ chỉ giúp cháu chỗ nào có hoa đào.

Ông Tháng Giêng đứng lên, lấy gậy chọc vào đống lửa. Ngọn lửa bốc cao. Mưa tạnh, gió im, chim hót vang lừng. Những khúc củi cành cháy đỏ rực, bây giờ nẩy mầm, tươi mơn mởn. Rồi những cành đào nở hoa đỏ thắm vươn lên: đó là mùa xuân!

– Nhanh lên cháu! Hãy bẻ cành đào đi!

Hiền bẻ một cành đào to, đầy hoa và nụ. Cô cảm ơn các ông tiên, rồi vui vẻ cầm cành đào chạy về nhà.

Hai mẹ con mụ dì ghẻ vô cùng ngạc nhiên. Cành đào đỏ thắm làm rực rỡ cả gian nhà.

Nhàn bảo Hiền cắm hoa vào lọ, không một lời cảm ơn.

Hôm sau, cô em độc ác đang nằm trong chăn ấm, chợt có ý muốn chơi hoa sen. Cô ta bèn bảo Hiền:

– Chị hãy vào rừng tìm hoa sen cho tôi!

– Trời đất ơi! Mùa này tìm đâu ra sen!

– Chị phải làm theo ý tôi. Chị không đem sen về thì tôi cho nhừ đòn.

Mụ dì ghẻ lại đẩy Hiền ra sân, đóng chặt cửa lại.

Cô bé đáng thương lập cập lần theo lối cũ thẳng hướng ánh lửa hôm qua để lên núi. Cô sợ sệt đến gần đống lửa. Mười hai ông tiên vẫn ngồi nguyên như cũ. Ông tiên Tháng Giêng hỏi:

– Tại sao cháu trở lại? Cháu tìm gì?

– Cháu phải tìm hoa sen ạ.

Ông Tháng Giêng lại cất giọng ồm ồm nói:

– Không phải mùa cháu ạ. Làm gì có hoa sen vào mùa này?

Hiền buồn rầu thưa:

– Thế nhưng nếu cháu về không, dì và em cháu sẽ đánh cháu nhừ đòn. Xin cụ giúp cháu, chỉ cho cháu chỗ nào có hoa sen.

Ông Tháng Giêng trao gậy cho một ông tiên mặc áo đỏ tươi, rồi nói:

– Bác Tháng Sáu, đây là việc của bác.

Ông Tháng Sáu đứng lên, cầm gậy, chọc vào đống lửa. Ngọn lửa bốc cao. Mưa tan, gió lặng, cây cỏ xanh rì, ve kêu inh ỏi, đó là mùa hè! Những đóa hoa sen cánh đỏ nhị vàng nhô lên giữa đống củi, hương thơm ngào ngạt.

Ông Tháng Sáu giục:

– Nhanh lên cháu! Ngắt những đóa hoa này đi!

Hiền vội vàng ngắt một bó hoa to, cảm ơn mười hai ông tiên, rồi vui vẻ chạy về nhà. Dì ghẻ và em lại sửng sốt. Nhưng Nhàn vẫn khinh khỉnh, giật bó hoa, cắm vào lọ.

Ngày hôm sau Nhàn lại thèm na.

Lại những lời hăm dọa, chửi mắng, những cử chỉ thô bạo, độc ác… Hiền chạy lên núi và sung sướng thấy mười hai ông tiên còn ngồi nguyên tại chỗ. Lần này ông tiên Tháng Giêng hỏi ngay:

– Cháu lại lên đây à?

Hiền vừa khóc, vừa kể lại sự tình. Ông tiên Tháng Giêng trao gậy cho một ông tiên áo vàng rực rỡ:

– Bác Tháng Tám, đây là việc của bác!

Ông Tháng Tám đứng lên, lấy gậy chọc vào đống lửa. trong phút chốc, bầu trời bỗng trở lên trong xanh, lá vàng rơi lả tả. Đó là mùa thu! Trên mặt cỏ, những đóa cúc vàng nở rực rỡ. Trước mặt Hiền là một cây na sai trĩu quả, những quả na to, thơm phức.

Ông Tháng Tám giục:

– Nhanh lên cháu! Cháu hãy hái hai quả.

Hiền nhón chân, hái được hai quả na to nhất. Hiền cảm ơn mười hai ông tiên, vui sướng chạy về nhà.

Nhàn reo lên:

– Những quả na trong mùa đông giá lạnh! Nhưng sao chỉ có hai quả thôi? Chị lại ngốn hết ở dọc đường chứ gì?

– Cô ơi, tôi chẳng hề ăn quả nào. Các vị tiên chỉ cho tôi ngắt hai quả mà thôi!

Nhàn hét:

– Chị nói dối! Đồ tham ăn! Cút đi cho rảnh!

Mụ dì ghẻ lấy gậy đuổi Hiền ra khỏi nhà trong cảnh mưa gió hãi hùng.

Hai mẹ con mụ lấy na ra ăn, vừa tấm tắc khen ngon, vừa tiếc sao mà ít quá. Nhàn ăn còn thòm thèm, nói với mẹ:

– Con vào rừng đây mẹ ạ. Con đi tìm đến cây na ấy. Rồi người ta có cho hay không, có cứ hái trụi hết, về nhà mẹ con ta ăn cho thỏa thích.

Nói rồi nó vùng chạy đi ngay. Trời mưa gió rét căm căm. Ấy thế mà tính tham ăn đã làm Nhàn quên cả sợ. Cô nàng cũng hướng theo ánh lửa, lần lên đỉnh núi, thấy mười hai ông tiên oai nghiêm và lặng lẽ ngồi trên mười hai phiến đá hoa cương, quanh một đống lửa cháy rừng rực. Chẳng chào hỏi, chẳng xin phép, Nhàn cứ sấn sổ chạy đến ngồi sưởi.

Ông tiên Tháng Giêng nghiêm giọng hỏi:

– Cô kia đến dây làm gì? Cô muốn gì?

Nhàn gắt:

– Việc gì đến ông nào! Tôi muốn gì, mặc tôi.

Rồi cô nàng vùng vằng bỏ đi, len lỏi vào rừng sâu.

Ông tiên Tháng Giêng cau mày, giơ chiếc gậy cao quá đầu: trong chốc lát trời đất tối sầm lại, lửa tắt, mưa xối như thác nước, gió rít từng cơn. Nhàn hoảng sợ, lạc mất hướng, loay hoay mãi giữa chốn rừng sâu, rồi mất hút.

Mụ dì ghẻ chờ mãi không thấy con về. Sốt ruột, vụ vào rừng tìm con. Cuối cùng mụ cũng bị lạc, mất hút trong rừng sâu.

Hiền chờ mãi chẳng thấy dì và em về. Tuy bị ngược đãi, Hiền vẫn thương xót dì và em mãi không nguôi.

Thế là Hiền làm chủ ngôi nhà và khu vườn, vốn xưa kia là của bố mẹ cô. Mười hai tháng không hề quên cô gái hiền lành ấy. Suốt cả bốn mùa, cô sống trong no ấm và hạnh phúc.

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Con mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về...

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều

Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi...

Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày...

Gái ngoan dạy chồng

Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền...

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...